– Sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, chủ yếu mua theo cách “truyền miệng”, dùng một bài thuốc cho nhiều loại bệnh khác nhau nên nhiều bệnh nhân trở thành nạn nhân của thuốc đông y kém chất lượng, thậm chí có người còn mất mạng.
Trong bối cảnh các biện pháp điều trị trong y học hiện đại ngày một phát triển, thuốc Đông y vẫn không bị “xoá sổ” bởi những tác dụng tích cực của nó. Các chuyên gia về y học cổ truyền cho rằng thuốc Đông y nếu sử dụng đúng mục đích, đúng hướng dẫn và đảm bảo chất lượng sẽ mang lại những hiệu quả tốt, lại lành tính, giá rẻ.
Tuy nhiên, hiện nay, vì quản lý chưa chặt chẽ ở tất cả các khâu, các “lang băm” vẫn hành nghề tự do nên nhiều người đã trở thành nạn nhân của thuốc đông y, thậm chí có người mất mạng.
Uống thuốc độc mà không biết
Tháng 3/2006, sau khi dùng thuốc giảm béo của ông lang T. (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy), ông Lê Thanh Quang, 55 tuổi (trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị suy thận cấp, suy gan, trụy tim mạch và tử vong.
Bệnh nhân Quang bị bệnh mỡ cao nên đến phòng khám Đông y tư nhân của lương y P.P.T. ở Nghĩa Tân mua thuốc uống.
Ngày 27/2/2006, ông Quang dùng thuốc rồi dắt xe đi làm; nhưng chỉ đi được nửa đường đã chóng mặt, nôn thốc tháo. Tới cơ quan, cảm thấy mệt mỏi nên ông quay về. Theo lời người nhà, lúc này bệnh nhân đã kêu trong người vô cùng khó chịu, rất mệt, bí tiểu.
Đã có người mất mạng vì dùng phải thuốc Đông y dởm (Ảnh: N.Anh) |
Gia đình liên tục gọi điện thông báo tình hình sức khỏe của ông, nhưng lương y T. khẳng định là không có gì đáng sợ, vì bí tiểu, tiểu ra máu, nôn... là phản ứng ban đầu của thuốc. Khi người bệnh đã quá mệt, ông T. yêu cầu hòa bột chu sa với nước uống, rồi uống thêm một cốc phục linh.
Sau đó, bệnh nhân nôn thường xuyên và đau quằn quại quanh vùng bụng dưới. Đến chiều, ông Quang không đau bụng nữa mà đau khắp vùng lưng, người mệt mỏi, tiểu ra máu tươi. Mãi đến lúc này, vị lương y mới đề nghị mời bác sĩ đến để thông tiểu.
Bệnh viện Thanh Nhàn siêu âm thấy bệnh nhân bị đọng máu bàng quang, cho uống kháng sinh và tiếp nước suốt một ngày.
Sáng hôm sau, bác sĩ trực tá hỏa vì bắt mạch không thấy mạch đập. Ông Quang được chuyển lên Bạch Mai trong tình trạng không mạch, không huyết áp, vô niệu, suy thận rất nặng và hôn mê. Sau gần 2 ngày điều trị tại Trung tâm Chống độc hôn mê, bệnh nhân qua đời do suy gan, suy thận, trụy tim mạch.
Tại thời điểm xảy ra cái chết của ông Quang, Giáo sư Nguyễn Thị Dụ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, chưa thể khẳng định về nguyên nhân gây tử vong vì còn phải chờ kết quả xét nghiệm hàm lượng kim loại nặng trong thuốc uống của bệnh nhân.
Tuy nhiên, bước đầu có thể nói ông Quang tử vong do sử dụng bài thuốc đông y nói trên. Đơn thuốc ghi rõ có chu sa và sâu ban miêu. Sâu ban miêu chứa độc tố cantharidin; chu sa chứa thủy ngân; nếu dùng quá liều có thể gây suy thận hoặc hội chứng ngộ độc khẩn cấp và rất nặng.
Liên tiếp ngộ độc, suy gan, suy thận
Nhiều người bị nhiễm độc gan nặng Nhiều người bệnh đã dùng các lọai thuốc lá sau khi được “rỉ tai” từ người khác và kết quả là sau một thời gian dài điều trị, bệnh không những không khỏi mà họ còn phải đổi mặt với tình trạng nhiễm độc gan. |
Một hôm chị bị cảm sốt nhẹ, chủ nhà máy đưa chị đến hiệu thuốc Đông y để mua ba loại thuốc ghi toàn chữ Trung Quốc, mỗi ngày uống vài viên.
Uống được mấy ngày, chị bị sốt cao, da vàng. Sau đó, chị được nhập viện tại Đài Bắc vài hôm nhưng tình trạng ngày càng nặng. Thấy vậy, chủ nhà máy bồi thường hợp đồng lao động và cho chị về nước.
Ngày 9/6, từ sân bay Tân Sơn Nhất, chị được người nhà đưa thẳng vào BV Thống Nhất trong tình trạng suy gan cấp và tổn thương da nặng, vàng và bong vẩy từng lớp. Qua xét nghiệm, men gan tăng rất cao (trên 20 lần) và ứ mật nặng do dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Qua thống kê, từ năm 1998 đến năm 2004, BV Thống Nhất đã tiếp nhận 26 ca ngộ độc thuốc Đông y nặng, chưa kể các trường hợp nhẹ. Các biến chứng nặng hay gặp là phản ứng ở da (bong da, viêm da...), suy gan cấp, suy thận cấp hoặc kết hợp cả hai.
Trong 26 ca nói trên, có mười bệnh nhân nhập viện được ngưng thuốc kịp thời, điều trị triệu chứng và khỏi bệnh. 16 ca còn lại phải chạy thận nhân tạo cấp cứu từ một đến năm lần (mỗi lần tốn từ 600-700 ngàn đồng). Tuy nhiên, chỉ có 14 ca sống được, hai ca tử vong do suy gan và thận quá nặng.
Năm 2007, cháu Trịnh Bá Phát 3 tuổi (P.3, Q. Tân Bình, Sa Đéc, Đồng Tháp) bị ho và được mẹ cho uống thuốc đông y dạng bột tán. Sau khi uống một thời gian, cháu không những không khỏi ho mà bị suy hô hấp, sốt và chướng bụng.
Cháu được cha mẹ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp và được chẩn đoán là ngộ độc thuốc đông y. Đây là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân nhi đến điều trị tại bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp và bị chướng bụng do cha mẹ hay ông bà cho uống thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ (còn gọi là thuốc tàu) khi trẻ bị ho, tiêu chảy hay sốt; và thường mất thời gian dài để điều trị cho trẻ.
Điều đáng báo động là hiện nay các địa phương khác bao gồm cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhiều cha mẹ vẫn mua thuốc đông y không rõ nguồn gốc cho trẻ nhằm kích thích trẻ ăn nhiều, tăng cân hay để chữa một số bệnh thông thường cho trẻ.
Cẩn thận để không phải rước họa vào thân Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội đông y Việt Nam cho biết: “Trước tình trạng thuốc đông y giả, kém chất lượng tràn lan như hiện nay, nếu muốn dùng thuốc đông y để chữa bệnh, người bệnh cần phải đi khám, được bác sỹ kê đơn và hướng dẫn sử dụng như thuốc Tây. Cần mua thuốc ở những cơ sở có uy tín, thường xuyên được kiểm tra, tránh việc mua phải thuốc giả rồi phải rước họa vào thân”. |
Ngọc Anh