– Trong khi nhiều người bệnh nghèo triền miên chịu cảnh không có tiền đi viện thì lại có một bộ phận những người có điều kiện kinh tế vướng vào nghịch cảnh “có tiền cũng không tiêu được” khi phải vào các bệnh viện công lập ở Việt Nam.

Tình cảnh quá tải khủng khiếp ở bệnh viện VN
Xuất phát từ tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp và quá chật chội, tần suất làm việc quá sức của bác sỹ và điều dưỡng nên người bệnh Việt không được hưởng cái quyền tối thiểu nhất, đó là quyền được khám bệnh và chăm sóc chu đáo.


Bài viết này không nhằm mô tả nhu cầu y tế của những người giàu có, các “đại gia” trong xã hội, cũng không “cổ súy” cho xu hướng xã hội hóa y tế nhưng chỉ người giàu được hưởng lợi, mà muốn phản ánh một thực tế: Năng lực y tế của Việt Nam không đủ sức đáp ứng cho nhu cầu đa dạng của người dân.

Sự hạn chế này dẫn đến một thực trạng: Người nghèo thì cam chịu chấp nhận tất cả, miễn sao chữa khỏi bệnh; còn người giàu thì sẵn sàng bỏ BHYT để tự chi trả với số tiền lớn với mong muốn được hưởng một dịch vụ chăm sóc y tế đúng nghĩa, nhưng không thể được.

Nở rộ dịch vụ cao cấp

Hiện nay, các bệnh viện lớn của cả nước như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Việt Đức, vv… đều mở các phòng khám theo yêu cầu để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Giá khám bệnh, giá dịch vụ ở những khu vực này cũng khác hẳn so với các khu vực bình thường khác.

Duy chỉ có tiền thuốc là không đổi, còn lại tiền khám, tiền xét nghiệm, tiền điều trị nội trú của khoa Điều trị tự nguyện A (BV Nhi TW) đều đắt gấp nhiều lần so với giá thông thường. Tuy nhiên, không phải vì thế mà khoa này trở nên ế ấm. Vì nhu cầu cao, có những ngày cao điểm, 1 bác sỹ của khoa điều trị tự nguyện A cũng phải khám tới 20 bệnh nhân chứ không ít!

 

Tại khoa điều trị tự nguyện A (bệnh viện Nhi Trung ương), một bệnh nhân khám đa khoa nếu đặt lịch khám trước qua điện thoại thì tiền công khám là 390 ngàn đồng (chưa kể bất kì một xét nghiệm, chụp chiếu nào); còn nếu không đặt trước qua điện thoại, tiền khám là 580.000 đồng.

Với bệnh nhân khám chuyên khoa, nếu đặt lịch khám trước qua điện thoại, tiền khám là 580.000 đồng; nếu không đặt trước, tiền khám nâng lên mức 680.000 đồng/lần khám. 

Trong khi đó, tiền khám một lần tại phòng khám bình thường của bệnh viện là 80.000-90.000 đồng, còn bệnh nhân BHYT chỉ khám với giá 30.000 đồng/lần.

Cộng tất cả các loại xét nghiệm, chụp chiếu, một bệnh nhân đến khám tại khoa điều trị tự nguyện A có thể phải “móc ví” ít nhất vài ba triệu đồng (vì giá các xét nghiệm cũng đắt gấp 3-4 lần thông thường).

Sư chênh lệch này đặc biệt thể hiện ở giá phòng nằm điều trị. Khoa điều trị tự nguyện A của bệnh viện Nhi Trung ương có 3 loại phòng điều trị nội trú, thấp nhất là loại phòng 3 giường cho 3 bệnh nhân, giá 1.200.000 đồng/ngày/phòng. Tiếp đến là loại phòng 2 giường/2 bệnh nhân, giá 1.500.000 đồng/ngày. Cao nhất là phòng đơn cho 1 người, giá 1.880.000 đồng/ngày.

Đặc biệt, với bệnh nhân phẫu thuật, nếu sử dụng phòng có 1 giường cho 1 người, giá tiền sẽ là 2.300.000 đồng/ngày. Đây chỉ là tiền phòng, tiền ăn, tiền phục vụ, chưa tính tiền khám, tiền thuốc và các dịch vụ khác nằm ngoài danh mục.

Tính cả chi phí thuốc thang, các chi phí gián tiếp khác, nếu mỗi bệnh nhân vào đây điều trị khoảng 7 ngày rồi ra viện thì chi phí có thể lên tới xấp xỉ 20 triệu đồng!

Tại bệnh viện Việt Đức, để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, bệnh viện đã mở khoa khám, điều trị theo yêu cầu. Giá một phòng điều trị theo yêu cầu ở bệnh viện này dao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng/giường bệnh/ngày.

Muốn tiêu tiền cũng không được

Tuy đắt đỏ là vậy nhưng không phải vì thế mà chúng trở nên ế ẩm. Ngược lại, ngay cả ở những nơi cao cấp như thế này lại tiếp tục tái diễn tình trạng… quá tải!

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết: “Tất cả các phòng 1 triệu và 1,5 triệu đồng/ngày/người của bệnh viện tôi chẳng bao giờ trống chỗ. Người bệnh muốn vào phải xếp hàng dài, xếp hàng rồi có khi phải quay ra vì không thể đợi được”.

Mỗi phòng đơn trong khu điều trị tự nguyện A có giá gần 2 triệu đồng/ngày (với bệnh nhân hậu phẫu là 2.300.000 đồng/ngày). Giá khá chát nhưng bác sỹ Trần Thanh Tú - trưởng khoa điều trị tự nguyện A (áo trắng) - cho biết khoa thường xuyên phải từ chối bệnh nhân vì không còn giường. Thế mới biết trong hoàn cảnh như thế này thì có nhiều tiền chưa chắc đã tiêu được!

Còn theo bác sỹ Trần Thanh Tú, trưởng khoa điều trị tự nguyện A (bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Có nhiều thời điểm khoa phải từ chối cho người bệnh nhập viện vì hết chỗ nằm. Ở đây đều là các phòng dịch vụ, người bệnh trả giá cao để được hưởng chất lượng phục vụ tốt nhất. Vì vậy, không thể để họ phải nằm ghép”.

Đó là khu vực điều trị nội trú. Còn tại khu vực khám bệnh của khoa điều trị tự nguyện, giá khám ít nhất là 390.000 đồng/lần, cao nhất là 680.000 đồng/lần không ngăn cản các bậc cha mẹ đem con đến khám.

Tại đây mỗi ngày tiếp đón từ 130-170 bệnh nhân, có hôm cao điểm lên tới 200 bệnh nhân. Trong khi đó, toàn khoa chỉ có 10 bác sỹ, như vậy, tại nơi được coi là cao cấp nhất này, có ngày bác sỹ cũng phải khám tới 20 bệnh nhân!

Sự xuất hiện của các khu vực khám với giá cao cấp này đã làm lộ rõ hơn hết bi kịch “có tiền cũng không tiêu được” của những người giàu có khi sử dụng dịch vụ y tế tại VN. 

Chị Vương, người từng đưa con trai 2 tuổi đến khám tại khoa điều trị theo yêu cầu (tự nguyện A) của bệnh viện này thuật lại: “Khi đến khoa này khám bệnh, bác sỹ từ chối không cho nhập viện vì đã hết sạch chỗ. Tôi nói nếu chỗ thông thường hết thì chỗ đắt nhất cũng được. Nhưng vị bác sỹ cho biết phòng VIP cũng hết cả rồi, nói gì đến phòng thường. Vậy là con tôi chỉ được khám ở đây, sau đó tôi phải quay lại phòng điều trị nội trú thông thường để chịu cảnh nằm ghép 3 cháu/giường!”.

Muốn được điều trị, xin “chịu khó” nằm ghép

Tại bệnh viện Bạch Mai, giá khám ở khoa khám bệnh theo yêu cầu là 50.000 đồng/lần khám nếu khám bác sỹ thông thường và 100.000 đồng/lần khám nếu người khám là một Giáo sư. So với giá khám ở viện Nhi thì giá này đã rất mềm mại.

Khoa khám bệnh theo yêu cầu của bệnh viện Bạch Mai cũng... quá tải như thường! Người bệnh đến đây dẫu có tiền cũng không thể nằm lại điều trị vì bệnh viện chưa triển khai dịch vụ điều trị nội trú. Vì thế, có giàu đến mấy họ cũng phải quay trở lại nằm ghép!

Tuy nhiên, người bệnh đến đây lại phát sinh một cái khổ khác: Khám thì được, nhưng nếu cần nhập viện thì không thể nhập viện điều trị tại khoa được, vì khoa khám bệnh theo yêu cầu hiện chưa triển khai điều trị nội trú.

Nguyên nhân là do bệnh viện chưa có đủ các điều kiện về phòng ốc, chưa có đủ đất để triển khai xây riêng một khu điều trị cho khoa này.

Bởi thế, dù ban đầu được khám tốt, nhưng đến khi cần nhập viện, bệnh nhân đến đây có một vài lựa chọn: Hoặc chấp nhận quay trở lại khu điều trị chung, nằm chung với các bệnh nhân thông thường trong tình trạng quá tải trầm trọng; hoặc chuyển sang viện khác.

Nhưng bệnh viện Bạch Mai hiện là bệnh viện tuyến cuối và hiện đại nhất cả nước, người bệnh còn biết chuyển đi đâu? Vì thế, người bệnh hoặc phải chấp nhận nằm ghép (dù có tiền cũng phải chịu), hoặc ra viện và đi nước ngoài (như Singapore) để tìm một nơi có trình độ chuyên môn tương đương (hoặc không chênh nhau nhiều) nhưng chất lượng phục vụ thì tốt hơn hẳn!

  • Cẩm Quyên

(còn nữa)

Tình cảnh quá tải khủng khiếp ở bệnh viện VN
Xuất phát từ tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp và quá chật chội, tần suất làm việc quá sức của bác sỹ và điều dưỡng nên người bệnh Việt không được hưởng cái quyền tối thiểu nhất, đó là quyền được khám bệnh và chăm sóc chu đáo.