HTML clipboard

- Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm Hà Nội tiêu tốn trên 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Đốt vàng mã là một tín ngưỡng trong dân dân, nhưng nhiều khi, đốt mã quá đà giống như "hối lộ cõi âm"...

Những ngày này tại các đình, đền, chùa, phủ..., các lò hóa vàng luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều gia đình sắm sửa hàng mâm đồ lễ ngồn ngộn đồ vàng mã để... mang đi đốt. Mỗi ngày có đến hàng tấn đồ vàng mã được đem đi đốt, tương ứng với đó là hàng chục, hàng trăm triệu đồng tiền thật.

Số liệu thống kê của ngành văn hóa cho thấy trung bình một năm có khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng và riêng Hà Nội đã tiêu tốn trên 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Riêng ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lượng vàng mã đem "hóa" mỗi ngày lên tới hàng tạ, bằng 80-100 triệu đồng tiền thật.

Tục đốt vàng mã có thể biến tiền tỷ thành tro (Nguồn ảnh: Tiền Phong)
 

Nhu cầu đốt đồ vàng mã trong dịp lễ xá tội vong nhân không còn dừng ở việc mua một ít tiền vàng tượng trưng để hóa cho ông bà, tổ tiên. Người dân thi nhau mua sắm các đồ hàng mã tượng trưng cho các vật dụng, đồ dùng trên trần gian để gửi tới “người âm” như nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, máy giặt, thậm chí cả thẻ tín dụng, hộ chiếu...

Đặc biệt, mặt hàng tiền polymer “mã” với đủ các mệnh giá được sản xuất khá giống tiền thật được bán với giá cao nhưng vẫn đắt khách. “Nhẹ nhàng thì một vài tập, khá giả hay các “đại gia” thì mua nhiều vô số, cá biệt có hộ gia đình còn tiêu đến hàng chục triệu đồng để mua đồ mã, trong đó chỉ riêng “tiền mặt” để “gửi” xuống cõi âm nếu là tiền thật thì phải lên tới vài trăm triệu...” - ông Nguyễn Văn Bình, chủ cửa hiệu bán vàng, mã khu vực chợ Đồng Xuân cho hay.

TS Trịnh Hòa Bình – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam: Việc nhiều người tin vào thần thánh có thể lý giải một phần vì họ chưa thỏa mãn cuộc sống thực tại, nên phải tìm đến những cái siêu nhiên, siêu thực để thỏa mãn khát khao.

Mặt khác, việc cúng bái linh đình hiện nay cũng có nguyên nhân do hội chứng vĩ đại như: bánh chưng khổng lồ, chai rượu khổng lồ..., nên để trị bệnh, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội cần đi đầu tiết kiệm.

(Theo Tiền Phong)

Chị Th. một chủ buôn hàng mã ở Khâm Thiên, Đống Đa chia sẻ trên báo Lao Động: "Thường thì mua trọn bộ mũ áo, giày dép, đồ trang sức, vật dụng hàng ngày mất khoảng vài trăm nghìn nhưng nếu chọn đồ sành điệu thì phải tính đến tiền triệu. Còn những người muốn có hàng “khủng” đủ loại thì phải đặt trước. Cách đây nửa tháng đã có khách tới đặt biệt thự, máy bay, ô tô… tới chục triệu đồng. Mấy ngày gần đây, số người đến đặt hàng “khủng” khá đông".

Với suy nghĩ "trần sao âm vậy", nhiều người sẵn sàng chi hàng chục, hàng trăm triệu đồng để đốt mã.

Bà Trần Thị M. - giám đốc một công ty tư nhân chuyên sản xuất thiết bị điện (phố Phạm Văn Đồng, Hà Nội) chia sẻ trên báo Hà Nội mới: “Trần sao âm vậy. Con người sau khi chết đi vẫn có những nhu cầu như người sống. Nên ở công ty tôi giao việc này cho một chị lớn tuổi đảm nhận, đến tuần rằm là phải thắp hương, tiến cúng chu đáo.

Mỗi ngày rằm thông thường vàng mã đốt tại công ty khoảng 100.000 đồng. Còn những ngày đặc biệt như rằm tháng giêng, tháng bảy, Tết ông công, ông táo... đốt tiền triệu vẫn thấy thiếu. Lễ lớn nhất từ trước tới nay tại công ty là năm 2009 với chi phí hơn 30 triệu đồng mua vàng mã để đốt cho người cõi âm".

Theo quan niện của bà M., đốt càng nhiều vàng mã, các cụ càng nhận được nhiều và càng phù hộ độ trì cho mình làm ăn hanh thông, khấm khá hơn.

Không chỉ riêng tại công ty bà M., một số công ty khác nhân ngày lễ Tết hay dịp kỷ niệm của công ty, người cõi dương được ăn uống linh đình, phân chia lợi lộc thì lễ tiến cúng người cõi âm cũng diễn ra hoành tránh không kém.

Trong mùa Vu Lan năm 2009, vị đại gia thầu cát xây dựng tại sông Hồng đã xác lập “kỷ lục” đốt vàng mã với việc bỏ ra hơn 400 triệu đồng thuê 6 người làm 1.000 người, ngựa giấy, đốt “tặng” Thổ công, Hà Bá mong các “ngài” phù hộ cho giá cát tăng…

Để thực hiện được buổi cúng Vu Lan kỷ lục này, vị đại gia tên T. đánh xe chở một đội quân làm ngựa giấy, người giấy từ làng Đông Hồ về bãi cát nhà mình, rồi đêm ngủ ngày thức đóng khung, bọc giấy vẽ hình người - ngựa cho thật đẹp.

1.000 người, ngựa giấy đốt tặng Thổ công, Hà Bá của đại gia T. vàng rực cả bãi sông hồng (Ảnh VTC)
 

Sau 2 tháng trời làm việc liên tục, 1 “nghệ nhân” cùng 5 người thợ đã cho ra lò tổng số 1.000 người - ngựa. Chuẩn bị cho lễ nhập đồng, cúng Vu Lan, 1.000 người - ngựa được đem ra hong nắng khiến bãi cát thành màu vàng rực.

Trong số 1.000 người - ngựa giấy có 250 người - ngựa cỡ nhỏ, 250 cỡ vừa, 250 cỡ lớn và 250 người - ngựa lớn như thật. Đại gia này phải dựng nguyên một căn lều lớn, rộng hàng trăm mét vuông để chứa những người - ngựa lớn như thật.

Theo những người thợ, đêm cúng Vu Lan, đại gia T. mới cho mấy xe tải chở thuyền rồng, đĩnh vàng, ngai bạc, voi chiến… trong đó, có một xe tải, chở khoảng… chục tỷ đô-la, toàn là hàng mã đến.

Trước lễ cúng vài ngày, đại gia T. đã cho người dựng một sân khấu hoành tráng. Trên sân khấu này, vào ngày lễ sẽ diễn ra một buổi hầu đồng, cúng bái, cầu khấn, gồm rất nhiều tiết mục, thể loại. Sau hàng loạt tiết mục lễ bái, sẽ là cuộc đốt 1.000 người - ngựa.

Đúng 12 giờ đêm, ngọn lửa xuất hiện ở ven sông Hồng, chỗ bãi cát của đại gia T. Đứng trên đê vẫn nhìn rõ ngọn lửa cháy đùng đùng vượt qua cả những ruộng ổi, rặng tre, vườn chuối. 1.000 ngựa - người, cả núi hàng mã, cùng hàng chục tỷ đô-la hàng mã đã bị ngọn lửa thiêu rụi.

Vị đại gia này đã “đầu tư” đến 200 triệu đồng tiền thật cho số người - ngựa giấy cùng các loại hàng mã khác tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng. Công đoạn dựng sân khấu, thuê giá đồng, thầy cúng, lễ lạt các loại cũng tốn chừng 100 triệu đồng nữa. Tính ra, chỉ một đêm, đại gia này đã “phóng hỏa” chừng... 400 triệu đồng!

Tục cúng tiến vàng mã, làm lễ phóng sinh trong Rằm tháng 7 đôi khi bị biến tướng thái quá. Cùng với việc tiêu tốn số tiền khổng lồ thì những vụ hỏa hoạn có nguyên nhân từ việc đốt vàng mã, đồ mã cũng gây thiệt hại không nhỏ.

Mỗi người dân cần hạn chế trong việc đốt vàng mã và không nên biến ngày lễ xá tội vong nhân trở thành ngày mê tín dị đoan.

Nhiều chùa không đốt vàng mã

Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (một ngôi chùa người Hoa nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Thái Phiên, thuộc P.8, Q.11, TP.HCM) cho biết từ năm 1998 chùa đã không đốt vàng mã, kêu gọi phật tử dùng số tiền đó đóng góp vào quỹ của chùa để làm từ thiện. Từ số tiền tiết kiệm "không đốt vàng mã", tính đến năm 2010, chùa Liên Hoa đã quyên góp được trên 6 tỉ đồng để làm từ thiện, giúp đỡ nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn, xây những ngôi nhà tình nghĩa, khoan giếng, làm nhà ở cho người nghèo, cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở các vùng sâu, vùng xa...

Vài năm nay, các vị tăng, ni ở chùa Hương cũng đã không nhận vàng mã dâng lễ của tín chủ. Nhà chùa vận động những người đi lễ dùng tiền mua vàng mã công đức để mua vở cho học sinh nghèo vùng thiên tai.

Trái với quan niệm của nhiều người cho rằng "trần sao âm vậy", người sống dùng gì, đốt cho người chết thứ ấy để họ được sống đầy đủ, sung sướng ở thế giới bên kia, nhiều vị sư thầy lại khuyên nên bỏ tập tục này.

Thượng tọa Thích Thanh Từ, Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm nói: "Quan tâm đến người quá cố là một cách mang lại hạnh phúc cho người đang sống. Suy nghĩ đó là tốt, thể hiện tình cảm giữa người sống và người chết, duy trì truyền thống văn hóa của gia tộc, nhưng đã đến lúc cần thể hiện sự quan tâm đó một cách tích cực hơn, ví như dùng số tiền mua vàng mã để làm việc thiện chẳng hạn".

Hòa thượng Thích Thanh Tứ tại chùa Quán Sứ cũng lên tiếng chỉ trích việc đốt vàng mã. Hòa thượng cho rằng "nhiều người khi cha mẹ còn sống thì ngược đãi nhưng đến ngày báo hiếu thì đốt vàng mã thật nhiều. Báo hiếu như thế có ích gì…".

Năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”, trong đó có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi “Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác”.

 

Kim Minh (tổng hợp)

Xúc động gửi tình yêu cho cha mẹ mùa Vu Lan
Trên các diễn đàn dành cho giới trẻ cũng như các trang mạng cá nhân, mạng xã hội  đều tràn ngập những clip, entry xúc động chan chứa tình cảm mà teen dùng để gửi gắm lòng biết ơn, tình yêu thương đến cho cha mẹ mình.
 
Chen chân lên chùa ngày lễ Vu Lan
Ngày 13/8, trước ngày rằm tháng 7 một ngày, hàng ngàn người dân đã đến các chùa làm lễ, thắp hương. Chùm ảnh của PV VietNamNet ghi lại tại Hà Nội.