“Cả đời anh Giàu đi cứu người, thế mà gần đến tuổi nghỉ hưu lại bị chính người nhà bệnh nhân đâm chết thế này…” - một người hàng xóm xót xa.

Cả đời chưa từng “nói to” với ai…

Trong cơn mưa lất phất sáng 17/8, dòng người nối dài đến dự lễ tang bác sĩ Phạm Đức Giàu, không ai không rơi lệ. Bác sĩ Giàu đã bị người nhà bệnh nhân - một thanh niên mới chỉ 18 tuổi đâm chết ngay tại BV Đa khoa Vũ Thư vào sáng sớm 16/8 trong khi đang làm nhiệm vụ.

Một người hàng xóm của bác sĩ Giàu nghẹn ngào: Ở đây, anh Giàu nổi tiếng là người hiền lành, tốt tính, nhiệt tình với làng xóm, chưa ai than phiền về anh điều gì. Chúng tôi không thể ngờ anh lại ra đi như thế này.

Lãnh đạo Cục quản lý KCB, Vụ TCCB (Bộ Y tế), Công đoàn ngành Y tế VN thăm và tặng quà bác sĩ Nguyễn Ngô Hoàn (cùng là nạn nhân trong vụ bác sĩ bị đâm) bị thương đang điều trị tại BV Đa khoa Thái Bình

 

Bác sĩ Phạm Đức Giàu sinh năm 1952 trong một gia đình nông dân có 7 anh chị em. Những năm kháng chiến chống Mỹ, mặc dù đã có 1 người anh trai hy sinh trong chiến tranh, nhưng chàng thanh niên Phạm Đức Giàu vẫn xin tình nguyện vào phục vụ chiến trường miền Nam.

Bác sĩ Phạm Đức Giàu đã được Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3 và anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới 20 tuổi. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Đại học ĐH Y Dược TP.HCM, Phạm Đức Giàu xin về quê hương công tác với ý nguyện được giúp đỡ bà con và gia đình.

Bà con hàng xóm có lẽ không ai không biết gia cảnh khó khăn của bác sĩ Phạm Đức Giàu. Bao nhiêu năm nay, ngoài công việc chuyên môn, ông còn là một người nông dân thực thụ, cùng vợ tảo tần lo việc đồng áng để nuôi dạy 2 người con gái ăn học và phụng dưỡng mẹ già ở tuổi 80.

Cũng chính vì thế, người trong thôn vẫn bảo rằng dù đã là bác sĩ lâu năm, song tính cách của ông chẳng khác gì một nông dân, cả đời cần cù, chăm chỉ, chân chất, giản dị….

Hiện trường, nơi xảy ra vụ truy sát đẫm máu (Ảnh: Lao động)

Bác sĩ Bùi Xuân Thúy (Giám đốc bệnh viện Đa khoa Vũ Thư) không kìm nổi tiếng nấc: Bao nhiêu năm làm việc, anh Giàu là người hiền lành, nhẹ nhàng, dù có chuyện gì, anh cũng chưa từng “nói to” với một ai, kể cả đối với bệnh nhân và đồng nghiệp … Thật đau xót!

Được biết, đêm hôm xảy ra vụ việc không phải là ca trực của bác sĩ Giàu, tuy nhiên vì đồng nghiệp có việc bận nên bác sĩ đã trực hộ. Tai họa ập đến khi chỉ còn vài tháng nữa ông đến tuổi nghỉ hưu...

“Cả đời anh Giàu đi cứu người, thế mà gần đến tuổi nghỉ hưu lại bị chính người nhà bệnh nhân đâm chết thế này…” - một người hàng xóm xót xa.

“Không có vấn đề về Y đức”

Trở lại vụ việc đau lòng. Vào lúc 23h15 phút ngày 15/8, kíp trực của Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình) tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng (20 tuổi ở xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, Thái Bình) trong tình trạng nguy kịch: thở ngáp cá, mạch khó bắt, tim nhỏ khó nghe, không đo được huyết áp, da nhợt nhạt, sùi bọt mép....

Kết quả mổ tử thi bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng từ lúc 5h30 đến 7h10 tại gia đình bệnh nhân cho thấy: Lòng phế quản xung huyết nặng, trong lòng các nhánh phế quản 2 bên có đầy thức ăn nhuyễn đặc; Phổi phù nặng, rải rác 2 mặt ngoài phổi có nhiều chấm chảy máu, qua điện cắt nhu mô phổi xung huyết nặng, thấy nhiều dịch lẫn máu trào ra; Dạ dày chứa nhiều thức ăn đã nhuyễn…

Ông Phạm Văn Dịu, Phó GĐ Sở Y tế Thái Bình cho biết: Thức ăn đã nhuyễn vào phế quản, phế nang…. Trường hợp này không thể cứu được.

Vào thời điểm đó, người nhà của Hùng đã đập phá tủ thuốc và đe dọa nếu không cứu được Hùng sẽ giết chết các cán bộ y tế.

Mặc dù vậy, bác sĩ Giàu vẫn cố gắng hết sức để cấp cứu cho Hùng. Kíp trực đã tiến hành hồi sức tích cực: thở oxy, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, bóp bóng… 

Sau 5 phút cấp cứu, bệnh nhân đã ngừng tim, ngừng thở, đồng tử giãn, mất phản xạ… nhưng kíp trực vẫn tiếp tục các biện pháp cấp cứu. Sau hơn 1h cấp cứu tích cực, bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng vẫn không qua khỏi và tử vong vào lúc 0h20 phút ngày 16/8.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình sáng 17/8, TS. Trần Quý Tường (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế) khẳng định: Trong điều kiện làm việc bị người nhà bệnh nhân đe dọa, bác sĩ Giàu và kíp trực của Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư vẫn hết sức cố gắng cứu chữa cho người bệnh, làm đúng chuyên môn, có trách nhiệm với bệnh nhân. Vì vậy, trong vụ việc này, không hề có vấn đề gì về mặt y đức của cán bộ y tế nói chung và bác sĩ Giàu nói riêng.

TS.Tường đề nghị lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình quan tâm, đảm bảo mọi chế độ chính sách, đảm bảo quyền lợi cho gia đình bác sĩ Giàu.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình đã có mặt ngay tại hiện trường, chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành mổ tử thi và các biện pháp nghiệp vụ theo quy định.

Hầu hết tất cả các đơn vị trong ngành Y tế Thái Bình đã tổ chức chia buồn và quyên góp ủng hộ gia đình bác sĩ Phạm Đức Giàu.

Điều mà lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình lo lắng hiện nay là tâm lý của cán bộ, bác sĩ BV Đa khoa Vũ Thư và các BV, trung tâm Y tế trong tỉnh đang hết sức hoang mang, lo lắng sau sự việc đau lòng này.

Chị Nhung (BV Đa khoa Vũ Thư) cho biết: Toàn thể cán bộ, bác sĩ trong BV cảm thấy rất “sốc”. Trước nay, mọi người vẫn nghe tin đâu đó có trường hợp bác sĩ bị hành hung, bị đuổi đánh…, nhưng bị giết như trường hợp bác sĩ Giàu thì không ai có thể tưởng tượng nổi.

Và đây là hồi chuông cảnh báo cho thấy rủi ro nghề nghiệp đối với các bác sĩ là rất lớn.

Y đức phải từ nhiều phía…

PGS.TS Hoàng Thị Thanh, Phó chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: Sự việc đã khiến cán bộ ngành Y tế cảm thấy rất bức xúc. Hiện nay xã hội, Bộ Y tế đang yêu cầu CBCNVCLĐ ngành Y tế thực hiện Y đức, Quy tắc ứng xử…

Nhưng muốn thực hiện Y đức phải có sự tham gia của người bệnh, người nhà bệnh nhân và cộng đồng. Bác sĩ bị hành hung khi đang cứu người thì không thể chấp nhận được. Cần tạo điều kiện, môi trường làm việc an toàn cho cán bộ Y tế…

TS.Nguyễn Tuấn Hưng (Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế) cho rằng: Hiện nay chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ cho cán bộ y tế khi đang làm việc.

 

Phù Sa