– Theo hồ sơ thương binh của ông Lê Văn Lục (Bí thư phường Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh) hiện đang lưu giữ tại Sở LĐTB&XH mà phóng viên có được, có nhiều dấu hiệu bất thường.
Không khai mình bị thương?
Những con số thời gian trong lý lịch quân nhân và quyết định phục viên đều bị làm mờ và sửa. Và trong các văn bản viết tay, đề nghị của Đảng uỷ, UBND xã Thạch Quý (nay là phường), bản tự khai của hai người làm chứng đều chung một nét chữ.
Trong bản lý lịch quân nhân của ông Lục được xác nhận của thủ trưởng đơn vị Tiểu đoàn 27 (thuộc Sư đoàn 312), số năm trên phần nhận xét của đơn vị đã bị sửa. Không thể biết được là vào năm bao nhiêu?
Con số trong hồ sơ cũng bị sửa chữa thêm một lần nữa trong quyết định của Sư đoàn 312 về việc chuẩn y cho ông Lê Văn Lục được phục viên.
Số năm trên phần chữ ký của thủ trưởng đơn vị mà ông Lục từng tham gia đã bị chỉnh sửa. Tương tự như vậy, số năm trong quyết định phục viên do Sư đoàn 312 cấp cho ông Lục cũng bị sửa số năm |
Trong phần tự khai về bản thân, ông Lục cũng chỉ nói đến từng tham gia phục vụ trong đơn vị bộ đội và hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự. Và trong phần nhận xét của thủ trưởng đơn vị ông Lục chiến đấu cũng không nhắc gì đến việc ông bị thương.
“Thời gian từ 2/1972 đến tháng 4/1973, huấn luyện phục vụ chiến đấu và tham gia công tác trong chiến dịch thu đông 1973, mặt trận B5”, lý lịch có đoạn ghi.
Thế nhưng, trong hồ sơ thương binh của ông thì ông lại ghi rõ là ông bị thương vào ngày 14/12/1972 và được đồng đội mang đi điều trị tại bệnh xá sư đoàn, đến ngày 28/1/1973 mới ra viện (?!)
Khi đối thoại với ông Lục, PV có hỏi: Sao ông bị thương phải điều trị tới hơn 40 ngày mà trong lý lịch quân nhân khi phục viên, ông lại không ghi trong phần tự khai? Ông Lục nói rằng, lúc đó vì không đủ sức khoẻ nên đơn vị cho phục viên. Do bản thân không nghĩ gì đến việc làm chế độ sau này nên không khai vào trong phần lý lịch, không mang theo giấy tờ đã điều trị ở bệnh xá sư đoàn và cũng không xin giám định thương tật (?)
Không hiểu sao, hồ sơ bị chỉnh sửa nhiều như vậy nhưng vẫn lọt qua được cửa thẩm định của cơ quan chính sách ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ?
Tự viết lấy để cho... đẹp (?!)
Đáng chú ý, trong hồ sơ thương binh của ông Lê Văn Lục có rất nhiều văn bản do ông tự viết lấy. Như việc hai tờ khai của người làm chứng là ông Trương Quốc Văn và Trương Tiến Thanh, đều chung một người viết.
Phóng viên đã trực tiếp gặp ông Trương Quốc Văn (trú tại phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh). Lúc đầu ông Văn nói rằng, bản khai người làm chứng là do ông viết. Tuy nhiên sau khi phóng viên mang hồ sơ ra đối chứng thì ông Văn mới thừa nhận ông chỉ ký vào dưới, còn người khác viết. Và ông Văn vẫn khẳng định việc ông Lục bị thương là có thật.
“Lúc đó tôi thấy anh em viết chữ xấu quá nên tôi nói với họ là để tôi viết luôn cho hồ sơ được đẹp, văn bản rõ ràng”, ông Lục biện minh về việc ông tự viết lấy lời khai của người làm chứng.
Ông Lê Văn Lục vẫn cho rằng việc mình bị thương là có thật và không hiểu sao sư đoàn 312 lại xác nhận như vậy. |
Ngày 15/12/1994, ông Lục viết đơn gửi Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh, Sở LĐTB&XH xin được giám định thương tật. Ngay lập tức, trong ngày 16/12, ông có được hai bản khai của người làm chứng do ông viết lấy.
Và cũng trong ngày 16/12, Đảng uỷ, UBND xã Thạch Quý có văn bản xác nhận và đề nghị cấp chứng nhận bị thương cho ông Lục. Đáng chú ý, chữ viết điền trong mẫu xác nhận của xã Thạch Quý này có nét chữ y hệt bản khai người làm chứng do ông Lục viết.
Từ những hồ sơ nêu trên, đến ngày 10/1/1995, ông Lục được cấp giấy chứng nhận bị thương của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh do đại tá Lê Xuân Hãn ký. Và sau đó, các cơ quan chức năng tiến hành giám định thương tật và được Sở LĐTB&XH ra quyết định công nhận thương binh và được hưởng các chế độ theo quy định vào ngày 19/4/1995.
Điều khiến nhiều người đặt dấu nghi vấn trong hồ sơ thương binh của ông Lê Văn Lục là việc tuyệt nhiên trong hồ sơ quân nhân của ông liên quan đến Sư đoàn 312, không hề có dòng chữ nào ghi ông bị thương, và chính bản thân ông, khi tự khai cũng không nói đến vấn đề này.
Và việc ông từng phải nằm điều trị tại bệnh xá Sư đoàn 312 trong một quãng thời gian khá lâu (44 ngày), thì tại sao lại không có giấy tờ gì? Như ông nói thì khi phục viên, ông không nghĩ đến việc làm chế độ nên không để ý đến những hồ sơ đó, thế nhưng, tại sao, sau 20 năm xuất ngũ, ông không viết đơn xin xác nhận của đơn vị.
Đến nay, khi có xác nhận rõ ràng của Phòng chính trị, Sư đoàn 312 về việc ông Lê Văn Lục không có tên trong danh sách bị thương thì câu chuyện tố cáo lâu nay của người dân thêm được củng cố.
Dư luận địa phương đang mong các cơ quan chức năng vào cuộc thực sự để xác minh sự việc để sự việc được rõ.
Duy Tuấn