– Trên bàn thờ cạnh cửa sổ, chiếc lư hương đã đầy ú những cần hương cháy hết. Thắp một nén hương cho đứa con chết oan uổng, anh Tình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) ngẹn giọng không thể thốt nên lời …

“Viêm phổi, u màng não”, bác sĩ “phán” đau đi ngoài

Trường hợp con của vợ chồng anh Nguyễn Như Tình (SN 1984) và chị Nguyễn Thị Mai (SN 1987) ở thôn 5, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên là một cái chết đau lòng do sự tắc trách từ tuyến huyện mà chúng tôi gặp được.

Vợ chồng anh Tình thẫn thờ khi nghĩ lại cái chết của con - Ảnh: Sỹ Tứ

Con trai anh chị, cháu Nguyễn Như Tố vừa tròn 22 tháng tuổi thì đã qua đời mà sự việc theo anh chị kể lại rất rõ ràng và hoàn toàn là do sự thiếu trách nhiệm của các vị “lương y” tại bệnh viện này.

Chị Mai kể lại: Khoảng tháng 8/2010, con em bị đau nặng, có biểu hiện đi ngoài nhiều, hai vợ chồng mới đưa ra Bệnh viện Cẩm Xuyên thì được bác sĩ chẩn đoán là đau bụng đi ngoài nên cho thuốc chữa đau bụng uống. Thấy cháu đỡ nên em mới mang con về.

Nhưng rồi đến ngày 28/1 năm Tân Mão (tức ngày 2/3/2011), cháu lại có biểu hiện bệnh như cũ, em vẫn mang con ra bệnh viện đó và vẫn được bác sĩ khám và kê thuốc như cũ.

“Đến ngày 28/3, lúc đó em đã qua Thái Lan làm thêm thì chồng ở nhà báo con bị bệnh, khi anh lên bệnh viện thì bác sĩ khám nói cháu bị đau bụng chướng, chỉ cho uống thuốc chứ không truyền nước”, chị Hà kể tiếp.

Ngày 22/4, cháu Tố lại ngã bệnh lần thứ tư. Vợ vắng nhà, một mình anh Tình cùng mẹ vợ hấp tấp đưa cháu lên BV Cẩm Xuyên. Khoảng 16h30, bác sĩ Thành, Trưởng khoa Nhi cho cháu đi xét nghiệm và có kết luận: Cháu bị nóng, sốt, có triệu chứng đi ngoài. Sau đó bác sĩ cho cháu uống thuốc hạ nhiệt và thuốc đau bụng.

Đến ngày 23/4, bác sĩ tiếp tục cho cháu Tố uống thuốc và tiêm. Thấy con tiêm và uống thuốc quá nhiều trong khi nghi ngờ cháu bị mất nước, anh Tình nài nỉ vị bác sĩ trưởng khoa Nhi cho cháu được truyền nước nhưng không được chấp nhận.

“Thấy những đứa trẻ khác cũng có biểu hiện giống bệnh con mình mà lại được truyền nước, cuống quá, tôi vội vã xuống tầng đưa cho 2 y tá (không nhớ tên) mỗi người 100 ngàn để xin được truyền nước. Tuy nhiên, khi lên để truyền nước thì họ nói là không lấy được ven”, anh Tình kể lại.

Đến chiều cùng ngày, không cầm lòng khi thấy con nằm thoi thóp trong khi không có động thái nào chứng tỏ con đang được cứu chữa đúng cách và nhiệt tình, người cha tội nghiệp mới lên xin trưởng khoa Thành cho giấy chuyển viện thì được trả lời: “Bệnh này ở đây chữa được, cứ để bệnh nhân đây, đây làm được”.

Cũng theo anh Tình, sau nhiều lần nài nỉ như vậy anh đều bị từ chối và thậm chí bị đuổi ra ngoài. Cuối cùng vì nài nhiều quá nên bác sĩ cho một cái giấy chuyển viện nhưng không có dấu (?!).

Cập rập đưa con ra khoa Nhi Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh thì anh mới tá hỏa khi giấy tờ chuyển viện không hợp lệ, không có dấu. May sao vị bác sĩ ở tuyến tỉnh nói sẽ giúp cho. Cháu Tố được đưa đi cấp cứu, nhiệt độ cơ thể cháu lúc này đo được là 38,5 độ. Sau đó cháu được truyền nước vì cơ thể mất nước quá nhiều.

Chiếc bàn thờ làm vội cho cháu Tôn, cái chết của con vẫn đau đáu trong lòng người cha mà không biết kiện hỏi ai_Ảnh: Sỹ Tứ

Đến ngày 24/4, bác sĩ khoa Nhi chẩn đoán bệnh của cháu Tố là viêm phổi đi ngoài cấp độ nặng và yêu cầu gia đình chuẩn bị tiền nong để chuyển viện ra Bệnh viện Nhi Trung ương.

Phải đến trưa 25/4, khi gom mượn được một số ít tiền đưa con nhập Bệnh viện Nhi TƯ thì cháu được chẩn đoán bệnh: U màng não, viêm phổi đi ngoài. Tại đây, cháu được phát hiện thêm là thiếu máu nên phải truyền máu.

Tuy nhiên, oái ăm ở chỗ, điều trị tại Bệnh viện Trung ương cần có giấy chuyển viện từ tuyến huyện. Trong khi trong tay anh chỉ cầm giấy chuyển viện do bác sĩ Thành cho mà không có dấu.

Trong những ngày cuối đời, cháu Tố nằm ở cả hai Bệnh viện Nhi và Lao phổi. Đến khi có một người ở bệnh viện huyện xin được giấy chuyển viện cho cháu, có dấu do bác sĩ Thành cấp gửi ra đến nơi thì cháu đã ra đi vào ngày 29/4/2011.

Mất con, gặp lại bác sĩ còn bị chửi?

Sự việc đau lòng trên vừa qua được mấy ngày, thất thểu ôm xác con về chôn, anh tìm đến vị bác sĩ nọ đã không biết bắt bệnh cho con mà còn giữ không cho chuyển viện, đã thế khi đồng ý cho chuyển lại không đóng dấu.

Anh đem thắc mắc đó hỏi ông này khi gặp tại quán nước gần Bệnh viện Cẩm Xuyên thì bất ngờ nhận được những câu chửi rủa thậm tệ.

“Tui hỏi vì răng không cho giấy chuyển viện thì ông Thành chửi bới, rồi xô tôi ngã đến nay vẫn còn sẹo chỗ nắm tay”, anh Tình bức xúc.

Trước sự tắc trách và hành xử bất cần của bác sĩ như vậy, anh Tình, một người dân quê, một lần nữa lại chỉ biết “làm thinh”!

“Tui tức lắm nhưng không biết mần răng cả, giờ tui muốn kiện cho đến nơi cũng có chữ nghĩa chi mô. Chỉ biết khóc mà thương con, thương cho vợ không được gặp mặt con lần cuối”, anh Tình nghẹn ngào nghĩ lại.

Mất đi đứa con, anh chị Tình xin đứa con của người anh trai còn tuổi ăn ngủ về nuôi để mong quên đi nỗi đau mất con. Nhìn cháu, ánh mắt chị Mai chỉ chực ứa lệ. Cũng hồn nhiên, cũng thơ ngây thế này đây, nhưng chỉ vì…

Hai anh chị mới cưới nhau được một năm, cuộc sống quá khó khăn nên anh Tình ở nhà vừa chăm sóc con vừa làm vườn, đồng áng.

Chị Mai tạm xa mái ấm sang đất Thái Lan tìm việc kiếm thêm thu nhập. Con đau mấy lần, chị cũng muốn ở nhà chăm sóc nhưng rồi không có tiền thì không thể chữa bệnh được, thế là dứt áo hôn vội con, chị ra đi mà nơm nớp cho ngày trở về.

Mất đi đứa con do mình rứt ruột đẻ ra, đôi vợ chồng trẻ cảm thấy như không còn có bất hạnh nào lớn hơn nữa. Và họ cũng một mực khẳng định, cái chết của con họ là do sự tắc trách và thiếu trách nhiệm cướp của những “lương y” ở Bệnh viện Cẩm Xuyên.  Càng bất hạnh hơn khi một lần cuối không gặp được con.

Trên bàn thờ cạnh cửa sổ, chiếc lư hương đã đầy ú những cần hương cháy hết. Thắp một nén nhang cho đứa con chết oan uổng, anh Tình ngẹn giọng không biết nói lời nào…

Mất đi đứa con, anh chị Tình xin một đứa của người anh trai còn tuổi ăn ngủ về nuôi để mong quên đi nỗi đau. Nhìn cháu, ánh mắt chị Mai chỉ chực ứa lệ. Cũng hồn nhiên, cũng thơ ngây thế này đây, nhưng chỉ vì…

Nghĩ lại mọi chuyện đã qua, anh Tình vẫn còn tức giận: “Tui chỉ mong sao có một tiếng nói nào đó để họ có thể thay đổi cách hành xử, bởi không chỉ con tui mà còn nhiều trường hợp khác nữa…”.

Sỹ Tứ - Duy Tuấn

(Còn nữa)
 

Bác sĩ chần chừ, bé sơ sinh tử vong?
Những cái chết khó tin nhưng lại tiếp diễn liên tục đối với nhiều bệnh nhân khi tới điều trị tại Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).