- Buổi chiều ở sân bay quốc tế Doha (Ấn Độ) một cô gái Việt Nam nhỏ nhắn chậm rãi bước qua máy soi an ninh. Dưới valy hành lý, 4,1kg heroin được ép vào tỉ mỉ.

Tháng 07/2011 vừa qua, thông tin về một nữ sinh của Đại học Hồng Bàng, TP.HCM nằm trong đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia khiến dư luận dấy lên nhiều lo ngại. Phải chăng những lợi nhuận mà ma túy đem đến đang chứng minh cho câu nói “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”?

 Hồi kết của thiêu thân

Buổi chiều ở sân bay quốc tế Doha (Ấn Độ). Lẫn trong dòng người Hồi giáo đang xếp hàng xung quanh, một cô gái Việt Nam nhỏ nhắn chậm rãi bước qua máy soi an ninh để lên chuyến bay QR688 đi thành phố Hồ Chí Minh. Cô gái thoáng chút thở phào nhẹ nhõm khi 4,1kg ma túy giấu trong hành lý thoát được vòng kiểm soát gắt gao. Chuyến hàng “chấm đá” xem như đã trót lọt được nửa chặng đường.
 
Nữ sinh trong đường dây ma tuý xuyên quốc gia

20h ngày 18/7, máy bay QR688 đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Thông tin nhập cảnh cho biết cô gái tên Trần Hạ Tiên (SN 1991, số hộ chiếu B4785006, quê Lâm Đồng). Vừa bước vào khu vực làm thủ tục kiểm tra hành lý của khách nhập cảnh, Tiên bắt đầu tái mặt vì những ánh mắt nghiệp vụ “xoáy” vào mình. Thấy có dấu hiệu khả nghi, đội Thủ tục Hành lý nhập khẩu và Tổ Kiểm soát ma tuý – Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã kiểm tra hành lý của Tiên.

Sau khi gỡ tấm lót của đáy va ly chứa hành lý, lực lượng chức năng phát hiện 1 túi chất rắn màu trắng dạng tinh thể đóng trong 1 bao ni-lon màu đen có quấn chặt băng keo. Trọng lượng của túi chất rắn này là 4,1 kg cả bao bì.

Ngay lập tức, lực lượng thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã lấy 41 gam trong túi chất rắn trên chuyển giao cho phân viện khoa học hình sự tại TP.HCM để giám định. Theo kết luận mới nhất, đây là chất có thành phần Metaphetamine thuộc danh mục cấm xuất, nhập khẩu qua đường phi mậu dịch.

 Vụ việc nhanh chóng được Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất bàn giao cho Cục Điều tra tội phạm về ma tuý (C47) - Bộ Công an để tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ. Qua truy xét nhanh, Đại tá Lê Thanh Liêm - Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã ký quyết định bắt khẩn cấp đối với Trần Hạ Duy (chị gái Tiên, 22 tuổi, ngụ tại xã Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tạm trú tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Từ đây, một đường dây ma túy có chân rết chằng chịt từ các nước Tây Phi vào Việt Nam hé lộ.

Mở thu thập thông tin, trinh sát Cục C47 xác định, đường dây này chỉ là một trong số ít nhiều đường dây trung chuyển ma túy khác mà tội phạm gốc Phi thiết lập tại TP.HCM. Để che mắt cơ quan chức năng, bọn chúng lôi kéo những sinh viên đang theo học trường đại học quốc tế, đại học trong nước, có hiểu biết về pháp luật tham gia làm người vận chuyển. Sau khi trót lọt đến Việt Nam, số hàng sẽ được cất giấu rồi chuyển đi một nước thứ 3 tiêu thụ.
 

Tiền và án

Ngày Tiên bị bắt cùng 4,1kg ma túy, câu chuyện phía sau những chuyến xuất ngoại của Trần Hạ Duy trở thành tin nóng trong giới sinh viên Trường Đại học Hồng Bàng.Ít ai ngờ rằng, cô sinh viên tỉnh lẻ có dáng người nhỏ nhắn lại là một mắt xích quan trọng trong tổ chức tội phạm quốc tế.

Theo đó, cuối năm 2007, trong một lần đón xe buýt đi học, Duy có quen với một người gốc Phi tên Francis và hai người trao đổi số điện thoại với nhau. Khoảng hơn 2 năm sau, Francis gọi điện thoại cho Duy hỏi thăm sức khỏe và bảo có công việc kinh doanh tốt mà Duy có thể tham gia kiếm tiền. Công việc này rất đơn giản, chỉ phải mang hàng mẫu gồm quần áo, giày dép giao cho đối tác ở nước ngoài về.
 

 
Nghĩ rằng có cơ hội để được ra nước ngoài học hỏi, trau dồi thêm ngoại ngữ nên Duy nhận lời ngay. Mặt khác, với Duy số tiền công mà Francis đưa ra 1000USD cho một chuyến hàng là quá hậu hĩnh.

Lần đầu tiên “làm việc” của Duy là vào tháng 8/2010. Lần đó, Duy được giao đi Malaysia để mang “hàng mẫu” ở nước này sang Indonesia. Chuyến vận chuyển này Trần Hạ Duy được cho vé máy bay đi về và được hứa trả công 500 USD.

Sau khi Trần Hạ Duy đến sân bay Kuala Lumpua liên lạc với Francis thì được hướng dẫn về khách sạn, tại đây đã có người phụ nữ gọi điện hẹn gặp nhau tại khách sạn Sental, rồi lại đón về một khách sạn khác để giao một valy hàng mẫu gồm áo thun và mấy đôi dép.

Khi nhận hàng xong, Trần Hạ Duy bay đến thành phố Solo City của Indonesia, sau khi xuống sân bay Jakarta thì Francis nhắn tin địa chỉ cần tìm và một người gốc Phi khác đến nhận hàng. Ngày 28/ 11/2010, Trần Hạ Duy về Việt Nam được Francis trả 500 USD như đã thỏa thuận.

Đến tháng 3/2011, Francis lại liên lạc thuê Trần Hạ Duy chuyển hàng đi Cosonou thuộc Tây Phi với giá 800 USD. Vừa đến sân bay thì đã có ông Jollss đợi sẵn. Sau khi làm visa được 3 ngày, Jollss đưa cho Trần Hạ Duy một valy và yêu cầu Trần Hạ Duy dưa quần áo vào valy của Jollss vừa đưa, rồi đưa ra sân bay về Việt Nam. Sau đó cũng chính Francis thuê Trần Hạ Duy chuyển valy này đi Malaysia vào ngày 8/4/2011… Francis còn thuê Trần Hạ Duy đi Tây Phi nhận hàng mẫu, chuyển về Việt Nam rồi đưa đi Malaysia, Philippines, Indonesia…

Sau nhiều lần kiếm tiền dễ dàng, nghi ngờ bản thân có thể đang làm những việc phi pháp, nên ngày 13/7, khi nhận chiếc valy của Jollss đưa cho Trần Hạ Duy chuyển quần áo vào để về Việt Nam, Trần Hạ Duy đã vứt bỏ mấy chiếc áo sơmi thì thấy đáy valy đầy lên phần giữa, phần đáy thực và phần đệm cách nhau rất dày, Duy nghi phía dưới có giấu vật gì nên lấy máy ảnh chụp lại để làm chứng cứ. Sau đó, Trần Hạ Duy nhắn tin cho Francis hỏi về điều nghi ngờ, cũng như có phải vật trong đáy valy là ma túy hay không.Đến lúc này thì Trần Hạ Duy biết là mình đã tham gia đường dây vận chuyển ma túy quốc tế.

Tuy biết bản thân đang trở thành tội phạm quốc tế, nhưng do tiền kiếm được quá dễ dàng nên Duy vẫn nhắm mắt đưa chân vào con đường phạm tội. Không những vậy Duy còn giới thiệu lôi kéo em gái ruột là Trần Hạ Tiên, cùng một số thân nhân đi vận chuyển ma túy từ Tây Phi về Việt Nam hoặc vận chuyển ma túy từ Tây Phi do nhóm người khác chuyển về Việt Nam, để người thân tham gia chuyển số ma túy này từ Việt Nam đi Campuchia cho nhóm khác trong đường dây vận chuyển ma túy quốc tế đưa qua nước thứ 3…

Tại cơ quan công an, Duy khai trong 3 chuyến trước cô hoàn toàn không biết va-li chứa ma tuý, đến chuyến thứ 4 thì biết rõ nhưng bị Francis đe doạ nên phải tiếp tục. Mặt khác, lúc này Duy đã giới thiệu Tiên tham gia đường dây của Francis và Tiên cũng đang ở châu Phi nhận “hàng mẫu” nên Duy phải giao nốt chuyến hàng vì sợ tính mạng của em gái bị đe doạ.

Đại tá Lê Thanh Liêm - Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an nhận định, tội phạm ma túy gốc Phi đang chuyển hướng mạnh vào việc sử dụng các nữ sinh, học sinh tham gia vận chuyển xuyên quốc gia. Vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy do tội phạm gốc Phi điều hành chưa dừng lại ở 2 nhân vật Duy và Tiên. Sau khi điều tra, Cục C47 tiếp tục triệu tập 2 nữ sinh viên khác có liên quan lên làm việc.Một người đang học năm cuối đại học ngân hàng, người còn lại học một trường đại học quốc tế nổi tiếng.

Hai người này cho biết được Duy rủ tham gia đường dây vận chuyển với tiền công hậu hĩnh và nhờ họ rủ thêm bạn bè tham gia. Không loại trừ khả năng, Duy tính đến đển việc mở rộng mạng lưới vận chuyển ma túy theo kiểu đa cấp, nếu tìm được nhiều người tham gia, Duy chỉ việc điều hành và “chặt ngọn” tiền công do Francis trả cho các chuyến hàng. Đến nay, trong chuyên án này, cơ quan công an đã bắt 2 nghi phạm, thu giữ 8,2 kg heroin dạng đá.

Minh Dũng
  (còn nữa)