- Sự xuất hiện bất ngờ của mấy tay thương lái ngỏ lời mua cây quý đã khiến các cụ trong BQL đền Chóa cảnh giác. Bởi nhẽ, 1,5 tỷ đồng thời kỳ đó, nếu quy ra vàng cũng lên đến cả trăm cây vàng. Tài sản quý giá ấy đã khiến các cụ quyết tâm bảo vệ.
Câu chuyện về cây sưa cổ thụ đền Chóa hẳn sẽ mãi bình yên và không có gì xảy ra, nếu như không có sự xuất hiện của mấy tay thương lái.
Số là, năm 2009, thời điểm dưới Hà Nội dân đang hoang mang vì nạn “sưa tặc”, rồi các thông tin vài chục tên trộm sưa phải hầu tòa…, đền Chóa có vài ông khách lạ “mò” đến. Họ đánh xe hơi xuống gặp các cụ trong BQL, rồi thẳng thắn ngã giá hỏi mua cây sưa cổ thụ đền Chóa với giá 1,5 tỷ đồng.
Cây sưa cổ thụ có chiều cao hơn 20 mét, đường kính hơn một người ôm và tán xòa rộng sừng sững trước cửa đền Chóa - Ảnh: K.Trung |
Số tiền ấy đối với đền Chóa là một tài sản khổng lồ, và có thể đủ để làm mới
toàn bộ khu di tích đang xuống cấp trầm trọng.
Nhưng, chính vì số tiền ấy nó quá lớn so với một cái cây “bình thường như bao nhiêu cây khác”, các cụ bô lão bắt đầu hoài nghi, đặt ra đủ phương án: có thể, đấy là cái cây thiêng trấn trạch, kẻ xấu nó muốn đền mất thiêng? Hay, họ mua cái cây này về vì trong đó có… ngọc chắc? Có người nghe đồn, bên Trung Quốc mua về… ướp xác. Có người lại quả quyết là dân buôn ma túy nghiền gỗ sưa ra để trộn thêm vào bột heroin(?!).
Lúc cao điểm, dân buôn gỗ sưa thu mua với giá 3-4 triệu đồng cho một kg gỗ sưa! Một con số thật khó tưởng tượng. Ở Vĩnh Phúc, có người còn đào cả nền nhà mình lên để moi móc ra cái gốc sưa ngày trước làm nhà chặt béng mất.
Dù chỉ còn trơ lại cái gốc, thế mà cũng được gần nửa tỷ. Có thể nói không ngoa là người ta đã thất điên bát đảo vì loại gỗ siêu đắt này.
Ông trưởng thôn vòng một vòng vẫn chưa ôm hết thân "cây vàng cây bạc" - Ảnh: K.Trung |
Câu chuyện cứ xoay theo một hướng khác. Và rốt cuộc, UBND xã Dũng Liệt, BQL Di
tích đền Chóa đi đến thống nhất: không bán cây sưa. Còn chuyện đội tự vệ thành
lập để ngày đêm trông giữ cây quý, là chuyện về sau đó, khi một ngày trời mưa,
kẻ xấu mang cưa đến chặt trộm một cành sưa mọc chỉa ra mé hồ.
Cành ấy, các cụ cân lên cá lá, cả cành nhỏ được ngót hai tạ. Người nào ra vẻ hiểu biết, nói mang sang Trung Quốc, cái cành “gỗ mục” này bán được nửa tỷ đồng, thế là các cụ mới tá hỏa thành lập “đội tự vệ” bảo vệ cây sưa!
“Trước đây, cả làng còn không ai biết đó là cây gì. Nhiều người đi lên mạn ngược làm ăn, về bảo, trên rừng họ gọi là cây quả thối. Cái tên xấu xí thế, chắc cũng chẳng có giá trị gì. Và, cây sưa quý đền Chóa bỗng nhiên được bảo vệ nhờ… sự hiểu lầm ấy” - ông Nguyễn Duy Phối, thành viên trong BQL đền Chóa kể chuyện.
Cho đến khi có người đến thăm và bảo đó là cây sưa quý lắm, gỗ bán bằng cân, thợ buôn gỗ định giá nó cỡ tỷ rưỡi đồng thì các cụ mới tá hỏa. Cây sưa quý thế, nhỡ bọn trộm cưa mất thì vừa mất của lại vừa có tội với tâm linh. Vì thế, các cụ bàn bạc tìm cách bảo vệ cây sưa.
"Bạn đồng niên" với cây sưa cổ thụ là cây sanh cổ rễ trùm kín ngôi miếu cổ - Ảnh: K.Trung |
Đội bảo vệ cây sưa được chia làm hai tổ, mỗi tổ năm người, cùng với hai “ông
đám” (người được dân làng cử ra trông coi đền trong vòng 2 năm, giống như các
ông thủ từ) ngày đêm trực chiến canh giữ cây sưa. Hai “ông đám” ăn ở ngay sau
khuôn viên đền suốt ngày đêm.
Hai ông làm nhiệm vụ thường trực, còn 5 thành viên của đội trật tự thường xuyên tuần tra và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu với tội phạm.
Ông Lợi cho hay, ban ngày bà con lối xóm thường xuyên qua lại, bọn trộm có to gan đến mấy cũng chẳng dám liều. Nhưng ban đêm, giữa khu đền vắng này thì chả nói trước được điều gì.
Một đêm tháng Chạp năm ngoái, bọn trộm đã liều lĩnh đột nhập vào khu đền. Hai người trông giữ khi đó là ông Nguyễn Đình Quỳ và Nguyễn Văn Hồng đang nằm ngủ bỗng nghe thấy một tiếng “ùm” rất to. Đoán biết là có sự chẳng lành, hai ông ngay lập tức gọi điện thông báo cho các thành viên khác, rồi vội vã chạy ra ngoài xem sự thể.
Cành thấp nhất của cây sưa cổ thụ đã bị kẻ gian cưa đổ xuống hồ. Thấy động tĩnh, bọn chúng chuồn mất mà chưa kịp mang cành cây đi. Cành cây bọn trộm cưa đứt có đường kính 20cm, được các cụ cắt đôi và cất giấu, canh phòng cẩn mật, đề phòng bị đánh cắp lần nữa.
Chúng tôi muốn xem và chụp ảnh cành sưa cũng phải được sự đồng ý của trưởng thôn, ông chủ tịch mặt trận…
Mặc dù di tích lịch sử đền Chóa đã xuống cấp trầm trọng, nhưng chính quyền xã và các cụ trong BQL di tích vẫn kiên quyết không bán cây sưa quý, dù số tiền bán cây cũng đủ để làm mới toàn bộ khu đền - Ảnh: K.Trung |
Ông Lợi bảo: “Đôi lúc nghĩ cũng sợ, đám chúng tôi trông cả cái cây bằng vàng
giữa trời. Cứ tối đến là cửa đóng then cài, nếu không phải là người thân quen,
có trách nhiệm thì tuyệt đối không mở cửa. Ngộ nhỡ chúng đập cho một gậy, hay là
xịt thuốc mê thì mất cả”.
Tôi hỏi: “Vậy nếu bọn trộm cứ liều lĩnh xông vào cưa đổ cây thì các cụ làm thế nào?”. Ông Lợi bảo: “Chúng tôi đã tính toán cả. Có động tĩnh là bật hết điện ngoài kia lên, gọi ngay cho đội tự vệ rồi mới xông ra tiếp ứng. Bọn chúng không thể đi quá nhanh được. Có chuyện gì là sẵn sàng chiến đấu ngay, quyết không để cho kẻ gian cướp mất tài sản quý giá của dân làng”.
Đấy, chuyện cây sưa quý hàng trăm tuổi ở đền Chóa, làng Chóa, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh bây giờ vẫn còn y nguyên như thế.
Cả làng, cả xóm quyết “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” để giữ cây, giữ đền, để viết câu chuyện về cây quý cho con cháu mai này nó đọc…
Di Linh