- Trái hẳn với không khí trung thu rộn ràng khắp trung tâm Thủ đô Hà Nội, cách đó vài km, nơi bãi giữa sông Hồng, bóng dáng ngày Tết dành cho thiếu nhi vẫn còn rất im hơi lặng tiếng.  

“Con muốn đi chơi…” 

Đi xuyên qua những bờ ngô sắn xanh mướt là tới xóm “Bãi giữa”. Bao nhiêu năm qua, cuộc sống nơi đây vẫn âm thầm gói gọn giữa bốn bề sóng nước đầy vất vả. Nhiều con người, nhiều gia đình từ khắp nơi, mỗi nhà một cảnh, gặp nhau ở cái bờ sông và những mái nhà tạm bợ.

Em Tân “chúi mũi” vào trò chơi trên chiếc máy điện thoại di động. Dù Trung thu đã gần kề, em vẫn chưa có được một món đồ chơi nào cho riêng mình.

 Cuộc sống còn nhiều khó khăn, hiện hình rõ nét trong từng hoạt động nhỏ của đời sống. Ngày Rằm tháng Tám đã gần kề, song rất nhiều đứa trẻ ở Bãi giữa chỉ biết lặng lẽ mơ về một trung thu cho riêng mình. Không đèn, không đồ chơi, không bánh nướng bánh dẻo… Trung thu với các em dường như vẫn còn xa vời lắm. 

Đến thăm ngôi ngôi nhà của chị Phúc, tôi gặp và trò chuyện với bé Tân – 8 tuổi, con trai thứ hai của chị. Tân bị liệt bẩm sinh, không thể đi lại bình thường. Thiếu chiếc xe lăn, cậu bé chỉ có thể lê lết trên sàn nhà. 

“Nói thật, chị bận chợ búa suốt đêm, suốt ngày, tranh thủ tí nghỉ trưa về cho con ăn. Trung thu năm nay nhà chị chưa có gì cả. Thời gian không có, mà cũng không có tiền để cầu kì. Như mọi năm chị cũng mua vài thứ đồ chơi cho con, mua thêm hộp bánh.  

Nhưng năm nay hai cháu cũng đã lớn, nên thôi. Nhiều khách của chị là nhân viên văn phòng, biết hoàn cảnh nên dặn trước chị, bảo đừng mua sắm gì vội. Đợi đến thứ hai, họ gặp, họ tặng cho vài hộp bánh kẹo của công ty. 

Quả thực, trong căn nhà của chị, tôi không nhìn thấy bóng dáng bất cứ một món đồ chơi trung thu nào. Tân tuy không đi lại được nhưng khá thông minh. Thấy có người đến chơi cùng, em hớn hở, vui ra mặt. Nghe tôi vô tình nhắc đến Trung thu, em háo hức lại gần, nhõng nhẽo đòi mẹ cho đi chơi. 

“Em chẳng cần đồ chơi, em chỉ thích đi chơi thôi!” – Tân lý nhí nói vào tai tôi.

 Tân trong bàn tay của các sinh viên tình nguyện (Ảnh chụp lại)
  Hóa ra, cậu bé chỉ thèm được cho lên bờ, được ngồi xe lăn đi loanh quanh đâu đây. Hay xa hơn nữa thì được ra phố chơi.  

Em thích được đi nhưng bố mẹ đều bận, anh trai không có nhà, chẳng có ai đỡ Tân, dắt Tân, đẩy xe đưa em đi chơi được. Cũng lại không may là mấy hôm nay trời mưa, đất đai nhão nhoét, bẩn thỉu, mẹ Tân nhất định không cho Tân ra khỏi nhà. 

“Cháu nó nhìn thế nhưng nặng lắm, mấy anh sinh viên to cao bế còn mệt. Ngày chị hai lần đưa đón cháu đi học là đủ thở không ra hơi rồi. Cũng biết là con thích đi, thích ra ngoài nhưng không thể nào chiều nó được” – chị Phúc buồn bã. 

Tân khá thông minh và nhạy cảm. Đòi đi chơi không được, lại nghe mẹ nói đến chuyện đi lại của mình, cậu bé tiu nghỉu rồi bất ngờ gục xuống gối khóc rưng rức… 

“Con muốn đi chơi, cho con đi chơi…” Em nức nở vừa nói vừa khóc. Người mẹ bối rối ôm lấy con dỗ dành, nhưng cũng chẳng biết làm sao. Bởi chị biết, dù chỉ giản dị là được lên phố dạo chơi hưởng cái “không khí” ngày Tết Trung thu, thì đó vẫn chỉ mãi là mơ ước của con và chị.  

“Em đã đi gần hết phố cổ” 

Không như Tân, bé Hương, một thành viên nhỏ khác của xóm “bãi giữa” khi được hỏi, lại hồn nhiên khoe: “Trung thu này em đã đi gần hết phố cổ rồi!”. Hóa ra chưa đến Rằm, cô bé đã kịp lang thang đi dạo chơi mấy con phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Đào… để hưởng không khí Trung thu. 

“Đồ chơi nhiều thật, nhưng cái nào mà chẳng giống cái nào. Lại đắt nữa, em không mua, chỉ ngắm thôi!” – Hương thật thà chia sẻ.

Dù chỉ cách trung tâm Hà Nội vài Km, không khí Trung thu dường như chưa chạm đến cuộc sống của các em nhỏ ở Bãi giữa sông Hồng.
 Năm nay 11 tuổi nhưng Hương mới học lớp 3 trường Nghĩa Dũng. Người đen nhẻm, đôi chân trần lấm đất, Hương nói về Trung thu như thể cô bé chẳng phải là trẻ con. Em bảo, Trung thu, chỉ có đi… bán hàng là thích. Vì: “Bán hàng mấy ngày này tha hồ đắt khách. Người ta đi chơi đông lắm!”. 

Bố Hương đều đã lớn tuổi, ngày ngày vẫn phải vật lộn mưu sinh bằng đủ nghề, bán hàng, thu mua phế liệu. 

Hương chưa lớn đã sớm biết đỡ đần chợ búa cho bố mẹ, em trở thành “tay” bán hàng rất thạo.Năm nay, dù đã đi gần hết phố cổ, ngắm nghía đủ các món đồ chơi, lồng đèn, bánh trái, nhưng Hương chưa có được một món nào cho riêng mình. Vậy mà em không chút buồn. 

Hương nói: “Năm nào đến Tết Trung thu, thể nào cũng có các anh chị sinh viên tình nguyện đến chơi, tặng quà cho bọn em, tổ chức Trung thu cho chúng em. Năm nay chờ mãi chưa thấy, không biết chủ nhật, hay thứ hai các anh chị ấy mới đến…”. 

Câu nói của em vô tư, hồn nhiên, mà trĩu nặng. Không biết đến bao giờ, những cô bé, cậu bé nơi đây mới có được cho riêng mình những cái Tết Trung thu thực sự, đủ đầy, trọn vẹn. 

Quỳnh Anh