- Trong 3 ngày qua (từ ngày 9/9 đến sáng ngày 12/9/2011), ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to. Lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang lên, riêng sông Cả đang lên nhanh. Tại Nghệ An, mưa lớn đã làm 2 người bị chết, 1 người mất tích, 1 chiếc xe 7 chỗ bị cuốn trôi tại xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn vẫn chưa thể trục vớt.    

3 người chết và mất tích

Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 9/9 đến ngày 11/9 đã khiến nhiều nhà dân bị ngập. Người nông dân tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An thiệt hại nặng với hàng chục ngàn ha lúa, hoa màu bị ngập úng hoàn toàn. 

Tại Thanh Hóa, số hộ dân bị ngập là 182 hộ. Diện tích lúa bị ngập, có khả năng mất trắng là 5.776 ha. Diện tích hoa màu bị ngập, đổ là 1242,2 ha. Hồ, đập nhỏ vượt ngưỡng tràn tự do: 6 cái; đê điều bị sạt lở: 2.830 m3; đường liên xã bị sạt lở: 2.830 m3. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn: 57,6 ha.  

Nhiều tuyến đường trên QL7A và 48 bị sạt lỡ nghiêm trọng.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đang chỉ đạo các cấp, ngành: tập trung tiêu úng, tổ chức sơ tán dân, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình đê điều, hồ đập. 

Tại Ngthệ An, trưa 12/9, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An cho biết: “Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ kết hợp với hoạt động mạnh của gió nên ở Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Lượng mưa đo được đến 7h sáng ngày 12/9 phổ biến từ mức 100 đến 350mm, có nơi lớn hơn như tại huyện Nam Đàn 356mm; Cửa Hội 417mm, Quế Phong 438mm; Tây Hiếu 447 mm và Đô Lương: 312mm. 

Lũ trên hệ thống sông Cả (Nghệ An) đang lên. Mực nước lúc 7h ngày 12/9 trên sông Hiếu tại Quỳ Châu là 71,64m, tại Nghĩa Khánh là 39,14m;  trên sông Cả tại Dừa 22,28m và tại Đô Lương 15,55m,…”. 

Tính đến 12giờ trưa 12/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 2 người chết là hai mẹ con chị Vi Thị Mùi (40 tuổi) cùng một người con chưa xác định được danh tính.

Mưa lớn khiến trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhiều nơi bị ngập úng trong biển nước.

Hiện thi thể của 2 mẹ con chị Mùi đã được tìm thấy tại bản Kẻ Trắt và bản Bà Hà, xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An). 

Một người mất tích là anh Hoàng Văn Quý (42 tuổi, xóm Canh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn), bị lũ cuốn chưa tìm thấy xác. 

Ngoài ra còn có 379 nhà bị ngập, 5 nhà bị sập, 31 nhà bị sạt lỡ và 1 chiếc xe 7 chỗ bị cuốn trôi tại xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn vẫn chưa thể trục vớt. 

Ngoài ra còn có hàng ngàn ha lúa bị ngập và hàng trăm con gia súc gia cầm bị cuốn trôi, nhiều hệ thống công trình giao thông thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng.  

Nhiều tuyến đường giao thông trên trục QL48 và QL7A bị sạt lỡ ngập lụt tắc giao thông tại các vị trí Km90 + Km91 bản Cạp Chạng, xã Yên Hòa, Yên Thắng, huyện Tương Dương. 

Lũ đang lên nhanh

Từ ngày 9/9 đến 12/9, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh ven biển trên cả nước có mưa, đặc biệt là khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 19h/8/9 đến 7h/12/9 phổ biến từ 150 -250mm, một số nơi mưa trên 250mm như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa): 677 mm; Sầm Sơn (Thanh Hóa) 442 mm; Thanh Hóa (Thanh Hóa): 395 mm; Cửa Hội (Nghệ An): 417 mm; Tây Hiếu (Nghệ An): 427 mm; Hương Khê (Hà Tĩnh): 353 mm;  

Lượng mưa từ 19h ngày 11/9 đến 7h ngày 12/9 các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã giảm, tuy nhiên vẫn còn một số trạm lớn.

Lượng mưa như trên đã khiến lũ trên các sông từ Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh lên nhanh. Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn TW cho biết mực nước lúc 10h giờ ngày 12/09 trên sông Bưởi tại Kim Tân là 6,63m; trên sông Cả tại Dừa là 22,29m, dưới BĐ2: 0,21m; tại Nam Đàn: 6,72m, dưới BĐ2: 0,18m. 

Lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên. Sáng mai (13/09), dự báo mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân có khả năng lên mức BĐ1 (10,0m); trên sông Cả tại Dừa lên mức BĐ2 (22,5m), tại Nam Đàn lên mức 7,2m (trên BĐ2: 0,3m), sau đó còn tiếp tục lên chậm; hạ lưu sông Mã và sông La còn dưới mức BĐ1. 

Hiện nay, tình hình các hồ chứa Thủy lợi hiện vẫn an toàn, một hồ chứa vừa và nhỏ mực nước đã vượt qua tràn xả lũ từ 10-30cm. 

Một số Hồ chứa lớn đã tiến hành xả lũ về hạ du như: hồ sông Sào (Nghệ An) xả 01 cửa từ 7h ngày 10/9, với lưu lượng xả 170m3/s; hồ Vực Mấu (Nghệ An) xả 02 cửa từ 7h ngày 11/9, với lưu lượng xả 440m3/s. Các hồ xả lũ đã thông báo cho nhân dân và chính quyền địa phương ở hạ du để triển khai công tác phòng chống lũ theo quy định.

Triển khai chống lũ theo cấp báo động

Trước tình hình mưa lũ này, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TW-Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có công điện vào sáng 12/9, yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cần triển khai phương án chống lũ cấp báo động, tổ chức lực lượng tuần tra canh gác theo quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối hệ thống đê điều, đặc biệt đối với các khu vực trọng điểm. 

Các tỉnh này cần kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông suối, hạ lưu các hồ, đập ở các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân kịp thời. Ngoài ra, lực lượng kiểm soát giao thông cần được tổ chức tại các khu vực bị ngập, các bến đò, .. để hướng dẫn người đi.

Việc cấp bách hiện nay là bằng mọi cách có thể để tiêu úng cho lúa và hoa màu nhằm giảm thiệt hại do ngập úng gây ra.

Lũ ở Nam Bộ lên nhanh 

Mực nước trung, hạ lưu sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang lên. 

Mực nước cao nhất ngày 10/09, trên sông Tiền tại Tân Châu: 3,77m (dưới BĐ2: 0,23m); trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,24m (trên BĐ1: 0,24m); tại Long Xuyên: 2,12m (dưới BĐ2: 0,08m). 

Mực nước sông Đồng Nai tại Tà Lài đang lên, lúc 7h ngày 11/09 là 112,52m (trên BĐ1: 0,02m). 

Dự báo trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng ĐTM và TGLX tiếp tục lên. 

Đến ngày 15/09, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,05m (trên BĐ2: 0,05m); tại Châu Đốc lên mức 3,50m (ở mức BĐ2); các trạm chính vùng ĐTM và TGLX lên mức BĐ2, có nơi trên BĐ2. Ngày 12/09, mực nước sông Đồng Nai tại Tà Lài biến đổi chậm và ở mức 112,50m.

  Cẩm Quyên - Quốc Huy