- Việt Nam có 41.561 lao động hợp pháp và 12.233 lao động bất hợp pháp. Theo quy định, trong đợt ân xá này, những người nhập cư bất hợp pháp sau khi đăng ký sẽ được nhà cầm quyền Malaysia làm thủ tục cho về nước, những người đang có việc làm sẽ được xem xét để hợp pháp hóa.

Để tăng cường quản lý và ngăn chặn các vấn đề xã hội cũng như tội phạm liên quan tới những người nhập cư, Chính phủ Malaysia đã tiến hành chương trình đăng ký lấy dấu vân tay (6P) bao gồm đăng ký, phân loại, ân xá, giám sát, kiểm tra và trục xuất nhằm thu thập và quản lý các dữ liệu đối với cả lao động nước ngoài hợp pháp lẫn những người nhập cư bất hợp pháp.

Tuy thời hạn đăng ký trên đã hết vào ngày 31/8 nhưng Chính phủ Malaysia vẫn tiếp tục cho phép những ai chưa đăng ký có thể đến các văn phòng nhập cư để đăng ký trước khi giai đoạn kiểm tra và trục xuất được tiến hành.

Trong số những người đã đăng ký, Việt Nam có 41.561 lao động hợp pháp và 12.233 lao động bất hợp pháp. Theo quy định, trong đợt ân xá này, những người nhập cư bất hợp pháp sau khi đăng ký sẽ được nhà cầm quyền Malaysia làm thủ tục cho về nước, những người đang có việc làm sẽ được xem xét để hợp pháp hóa.
 
Lao động Việt Nam tại Malaysia không đủ điều kiện theo chương trình đăng ký lấy dấu vân tay của Chính phủ Malaysia sẽ bị trục xuất về nước. (Ảnh: CAND).

Những người không đăng ký hay những người đã đăng ký mà đến ngày 31/10 không chịu về nước cũng như những người đang có việc làm nhưng không làm thủ tục để xin cấp giấy phép lao động sẽ có nguy cơ bị bắt giữ trong một chiến dịch thực thi pháp luật dự kiến bắt đầu trong tháng 11 tới.

Theo nguồn tin từ Vietnam +, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã thông báo cho các lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia biết rõ chương trình này thông qua nhiều kênh thông tin, nhưng cho tới nay mới chỉ có 180 lao động bất hợp pháp đăng ký lấy dấu vân tay với nhà cầm quyền Malaysia đến sứ quán làm thủ tục xin cấp giấy thông hành về nước và hơn chục người yêu cầu thẩm định hợp đồng lao động giúp họ.

Hầu hết trong số này đều là những người nhập cảnh Malaysia theo đường du lịch rồi ở lại chứ không thuộc diện lao động do các công ty tuyển dụng lao động Việt Nam đưa sang rồi phá hợp đồng.

Nếu con số 12.233 lao động Việt Nam bất hợp pháp đã đăng ký trong chương trình 6P nói trên không về nước hoặc những người đang có việc làm không yêu cầu các chủ lao động của họ đóng thuế, đóng bảo hiểm và kiểm tra sức khỏe để làm thủ tục xin cấp visa và giấy phép lao động thì đương nhiên họ sẽ vẫn là những người nhập cư bất hợp pháp và khả năng bị trục xuất về nước là điều đương nhiên.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Hiện tại cục đang chỉ đạo hướng dẫn các thủ tục hợp pháp cho người lao động tại Malaysia đăng ký nhân thân và chủ sử dụng lao động tại nước sở tại để làm thủ tục hợp pháp.  

“Chúng tôi chưa rõ có bao nhiêu lao động đủ điều kiện theo chương trình đăn ký làm dấu vân tay. Những lao động chưa đủ điều kiện chúng tôi sẽ tìm cách có để họ có đủ điều kiện, còn nếu không được thì không còn cách nào khác lao động phải về nước”, ông Quỳnh khẳng định.

Gia Văn (tổng hợp)