– Bên cạnh dịch tay chân miệng chuẩn bị bước vào đợt cao điểm mới thì dịch sốt xuất huyết và sốt virus do thời tiết thay đổi lúc giao mùa cũng đang nóng dần lên.

Từ đầu tháng 9 trở lại đây, dịch tay chân miệng có dấu hiệu hạ nhiệt tại các tỉnh phía Nam. Thống kê cho thấy các bệnh viện như Nhi đồng 1 và 2, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM đều tiếp nhận số bệnh nhân bằng1/2 đến 2/3 so với thời kỳ cao điểm trong tháng 8.

Tuy nhiên, theo dự báo, đỉnh dịch có thể tái xuất hiện vào khoảng tháng 10. Do đó, Cục Y tế dự phòng và môi trường cảnh báo công tác phòng chống không được lơ là.
 
Nhiều dịch bệnh cùng hoành hành ở thời điểm chuyển mùa này (Ảnh: N.A)


Tính đến giữa tháng 8/2011, cả nước đã ghi nhận 32.588 trường hợp mắc tay chân miệng tại 52 địa phương trong đó đã có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố là: TP. Hồ Chí Minh (22), Đồng Nai (16), Bình Dương (08), Long An (06), Bà Rịa – Vũng Tàu (06), Quảng Ngãi (05), Bạc Liêu (03), Tiền Giang (03), Cà Mau (02), An Giang (02), Bến Tre (02), Đồng Tháp (01), Kiên Giang (01), Bình Phước (01), Đắk Lắk (01), Ninh Thuận (01) và Bình Định (01). So với cùng kỳ năm 2010 (5.260/6), số mắc của cả nước tăng 5,2 lần.

Trong khi dịch tay chân miệng đang rập rình trở lại thời kỳ đỉnh điểm thì dịch sốt xuất huyết và sốt virus do chuyển mùa đang có dấu hiệu nóng dần lên.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, riêng với dịch sốt xuất huyết, tính từ đầu năm đến nay cả nước hiện có gần 30 ngàn trường hợp mắc (trong đó trên 50% là trẻ em dưới 15 tuổi), số tử vong (tính trong 6 tháng đầu năm) là 21 người. Số ca bệnh xuất hiện tại 42/63 tỉnh thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam.

Thời điểm giao mùa như thế này đã khiến nhiều người (kể cả trẻ em lẫn người lớn) phải nhập viện do bị sốt virus. Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi TW cho biết số bệnh nhi đến khám, điều trị tại bệnh viện hiện khoảng 1.500 trường hợp/ngày (trong khi đó, ngày thường không có dịch sốt virus, lượng bệnh nhi là 1.200 cháu).

Còn tại bệnh viện Xanh Pôn và bệnh viện Thanh Nhàn, lượng bệnh nhi và người lớn đến khám do bị sốt virus cũng tăng nhẹ. Tại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 5-7 người lớn đến khám, nhập viện điều trị và thời gian điều trị thường kéo dài khoảng 1 tuần. Còn trẻ em đến khám rồi nhập viện trung bình 50-70 cháu/ngày.

Điều đáng chú ý là các bệnh nhân (là người lớn) đến khám đều trong trạng thái đã bị sốt, mỏi cơ khoảng 2-3 ngày trước đó, tự uống kháng sinh và truyền nước nhưng không khỏi rồi mới đến bệnh viện. Kết quả là đại đa số phải nhập viện vì tình trạng đã nặng.

Các bác sỹ khuyến cáo không tự ý dùng kháng sinh hoặc truyền nước khi không có chỉ định của bác sỹ dễ gây các tai biến, phản ứng phụ. Khi bị sốt cao, cơ thể mệt mỏi rã rời, người bệnh nên nghĩ đến chuyện mình bị sốt virus và cần đến bệnh viện để được điều trị theo đúng phác đồ.

Ngọc Anh