– Để rộng đường dư luận, báo VietNamNet mở diễn đàn về vấn đề tăng viện phí để bạn đọc đóng góp ý kiến đa chiều về vấn đề dân sinh, thiết thực nóng bỏng này. Rất mong nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo bạn đọc.

TIN LIÊN QUAN:

>> Bộ Y tế muốn được ủng hộ việc tăng viện phí
>> Bộ trưởng "chịu trách nhiệm" khi tăng viện phí

Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị “Tham vấn dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập” nhằm đánh giá lại tình hình thực hiện việc thu một phần viện phí từ trước đến nay, đồng thời trình bày những luận điểm lớn về chính sách điều chỉnh viện phí dự kiến được thực hiện trong thời gian tới.

Giá viện phí tăng mạnh

Theo dự thảo mới nhất của Bộ Y tế, khoảng 350 dịch vụ y tế (trong tổng số hơn 3.000 dịch vụ, kỹ thuật y khoa) sẽ tăng giá mạnh.

Cụ thể: đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh, mức thu được đề xuất điều chỉnh tăng từ 6.000-25.000 đồng/lần khám (tùy theo từng hạng bệnh viện, chuyên khoa). Đối với giường điều trị nội trú, dự kiến mức điều chỉnh cho một ngày/giường bệnh ở tuyến xã sẽ từ 10.000 - 15.000 đồng, hồi sức cấp cứu từ 30.000 đồng đến tối đa là 120.000 đồng, điều trị ngoại khoa tăng từ từ 25.000 - 240.000 đồng, vv…
 

Giá các dịch vụ y tế sẽ tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2011-2012 - (Ảnh minh họa: Cẩm Quyên)

Bộ Y tế lý giải việc tăng viện phí ở thời điểm này là rất cấp bách, không thể chần chừ thêm được nữa. Bởi giá thu viện phí hiện nay quá thấp (khung giá đang thu ban hành từ năm 1995). Do vậy, các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện, đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Ví dụ: 1 bệnh viện tuyến huyện có quy mô khoảng 100 giường bệnh, hiện thu tiền khám chữa bệnh 1.000-2.000 đồng/lần khám, 1 ngày thu được 300.000 đồng (khoảng 150 lượt bệnh nhân). Tiền giường bệnh tối đa 9.000 đồng/ngày, nếu có 100 bệnh nhân sẽ thu tối đa 900.000 đồng/ngày, tổng cộng là 1.200.000 đồng/ngày. Trong khi đó, riêng tiền điện, nước, xử lý chất thải để vận hành bệnh viện 1 ngày đã hết khoảng 3-5 triệu đồng.

Thứ 2, là do kỹ thuật và công nghệ y tế ngày càng phát triển, các yêu cầu về vô trùng, đảm bảo chất lượng dịch vụ ngày càng cao nên nhiều loại vật tư, hóa chất thay đổi hoàn toàn phương thức sử dụng làm chi phí tăng lên nhiều.

Thứ 3 là nhiều dịch vụ trước đây được thực hiện thủ công, nay đều được vận hành bằng máy móc tự động, nhất là các loại xét nghiệm, chiếu chụp. Do đó, chi phí về vật tư, hóa chất tăng lên nhiều, nhiều khoản chi mới phát sinh để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, … Do đó cần tăng viện phí để tiếp tục duy trì dịch vụ ở mức ưu việt.

Thứ 4 là do hiện nay có khoảng 60% dân số đã có thẻ BHYT, nếu không điều chỉnh viện phí thì các bệnh viện sẽ không có nguồn kinh phí để đảm bảo thực hiện việc khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ đối với người bệnh BHYT. Việc thanh toán với mức thấp khiến người bệnh phải đóng thêm hoặc không thực hiện dịch vụ, làm giảm hoặc hạn chế quyền lợi người bệnh.

Thứ 5 là do cơ cấu giá cũ không có chi phí khấu hao máy móc, nhà cửa nên trang thiết bị và cơ sở hạ tầng xuống cấp nhanh chóng, thời gian sử dụng ngắn, hiệu quả chưa cao, …

Tăng viện phí sẽ không gây xáo trộn?

Bộ Y tế khẳng định tăng viện phí sẽ không gây xáo trộn đến 53% số người đã có thẻ BHYT (chiếm 62% dân số) gồm các đối tượng như người làm công ăn lương, các đối tượng hưu trí, người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi bởi về cơ bản, các đối tượng này đã được BHYT thanh toán phí điều trị, kể cả các kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Đối với hộ cận nghèo và nông dân: Nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng BHYT đối với người thuộc diện cận nghèo; hỗ trợ 30% đối với gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp. Các đối tượng này nếu tham gia BHYT sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Đối với các đối tượng có thu nhập trung bình khá trở lên: Tuy có điều chỉnh giá dịch vụ nhưng giá dịch vụ vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Do đó các đối tượng này vẫn có khả năng chi trả. Tuy nhiên, có nhiều người thuộc đối tượng này trong trường hợp mắc bệnh nặng chi phí điều trị lớn vẫn khó có thể chi trả viện phí. Vì vậy cần phải tăng cường vận động, tuyên truyền để họ tham gia BHYT tự nguyện.

Bộ Y tế cũng đang đề nghị sử đổi quyết định 139 để hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Mỗi bệnh viện phải trích một phần thu nhập để lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

Tranh cãi về mức giá và chất lượng khám chữa bệnh

Dự thảo tăng viện phí vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận bởi nó diễn ra trong bối cảnh chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ, dịch vụ y tế hiện nay còn quá kém, không đáp ứng được yêu cầu của người bệnh.

Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong đó nổi cộm là câu hỏi: “Tăng viện phí thì có tăng chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ, liệu có tăng được chất lượng y đức?”.

Câu hỏi lớn nhất là liệu tăng giá dịch vụ y tế thì chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng điều trị, chất lượng phục vụ có tăng theo? (Ảnh minh họa: Cẩm Quyên)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cần đột phá từ khâu viện phí để mở đường tháo gỡ những rắc rối, khó khăn mà ngành y tế đang mắc phải.

Theo bà Tiến, việc tăng viện phí đã rất cấp bách, nếu còn tiếp tục duy trì mức giá lạc hậu thì người bệnh là đối tượng đầu tiên chịu thiệt thòi, tiếp đến là cán bộ y tế và bệnh viện.

Bộ trưởng Y tế cũng cam kết sẽ “chịu trách nhiệm” trước người dân về vấn đề tăng viện phí và kiên quyết không để bệnh viện kém chất lượng tham gia khám chữa bệnh BHYT. Bộ Y tế sẽ lập ban kiểm định và thành lập đề án kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ để nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ của bác sỹ đối với bệnh nhân.

Ngoài ra, mức tăng cao (đại đa số là tăng 10 lần) cũng khiến dư luận xôn xao, dù mức giá mà Bộ Y tế đưa ra đã được nhiều ban ngành tham gia bàn bạc, thẩm định, phê duyệt, trong đó có Bộ Tài chính. Đây cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Để rộng đường dư luận, báo VietNamNet mở diễn đàn về vấn đề tăng viện phí của Bộ Y tế để bạn đọc đóng góp ý kiến đa chiều về vấn đề dân sinh, thiết thực nóng bỏng này. Rất mong nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo bạn đọc. Bài viết, các ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về email: banxahoi@vietnamnet.vn

VietNamNet

TIN LIÊN QUAN:
>> Bộ Y tế muốn được ủng hộ việc tăng viện phí
>> Bộ trưởng "chịu trách nhiệm" khi tăng viện phí