– Hôm nay (15/9) là hạn
chót để các tỉnh nộp báo cáo tổng hợp nhanh về tình hình cấp pháp khai thác
khoáng sản của địa phương.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng cấp phép, thăm
dò khai thác khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước từ ngày 30/8/2011, theo
Công văn số 6033a/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ, ngày 08/9/2011, Cục Kiểm tra
hoạt động khoáng sản (Tổng cục Địa chất Khoáng sản – Bộ Tài nguyên Môi trường)
đã có văn bản gửi các Sở Tài nguyên - Môi trường (TN - MT) các tỉnh thực hiện
việc tổng hợp, báo cáo nhanh về tình hình cấp phép khai thác khoáng sản của địa
phương.
Đây sẽ là cơ sở để Bộ TN - MT báo cáo thực trạng (cả mặt được, chưa được) trong
việc cấp phép thăm dò, khai thác các loại khoáng sản trên cả nước và những biện
pháp cần chấn chỉnh tăng cường quản lý tại phiên họp Chính phủ tháng 9/2011 theo
sự chỉ đạo tại Công văn nói trên.
Người dân vận chuyển quặng lậu thô theo đường tiểu ngạch tại xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. |
Theo yêu cầu của Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, hạn chót để các Sở TN - MT
nộp báo cáo tổng hợp về tình hình cấp phép khai khoáng tại địa phương là ngày
15/9/2011.
Trước đó, trong cuộc họp về Triển khai thực hiện nội dung Công văn số
6033A/VPCP-KTN được tổ chức ngày 13/9/2011, lãnh đạo Bộ TN - MT thông tin, mới
có 51/63 địa phương nộp báo cáo trên theo yêu cầu. Vẫn còn 12 địa phương chưa
gửi báo cáo lên Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản. Ngày hôm nay là hạn chót để
các địa phương nói trên nộp báo cáo này.
Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN - MT đã tiến hành
triển khai nhiều hoạt động quản lý ngành. Hiện tại, công tác tổng kiểm tra hoạt
động khoáng sản đang được triển khai tại nhiều địa phương. Hai đoàn kiểm tra đã
bắt đầu làm việc tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.
Trong tháng 9, sẽ có thêm bốn đoàn kiểm tra khác luân phiên thực hiện nhiệm vụ
kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản tại 34 tỉnh thành.
Theo số liệu từ báo cáo của 51
tỉnh thành (đã nộp), Tổng Cục Địa chất – Khoáng sản cho biết, tính đến hết ngày
30/8/2011, số giấy phép khai thác khoáng sản do UBND các tỉnh, TP cấp còn hiệu
lực là 3.899 giấy phép. Nếu tính tổng số 63 tỉnh thành, ước tính có khoảng 4.200
giấy phép khai khoáng đã được cấp. Các dự án khai khoáng do cấp Bộ cấp, tính đến
ngày 30/6/2011, gồm 659 giấy phép.
Là lĩnh vực được đánh giá là “nóng”, vấn đề cấp phép, quản lý khai thác và chế
biến khoáng sản tại nhiều địa phương luôn ở trong tình trạng lộn xộn, hỗn loạn
trong nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và thất thoát tài
nguyên.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Kiểm
soát hoạt động Khoáng sản Lê Văn Thành đánh giá: vấn đề cốt lõi của sự lộn xộn
này chính là khâu quy hoạch.
Theo ông Thành, trong quá trình làm quy hoạch về khoáng sản đã nổi lên một vấn
đề, đó là quyền lợi cục bộ của các bộ ngành, địa phương (báo Tuổi trẻ dẫn lời).
“Ví như Bộ Xây dựng làm quy hoạch vật liệu xây dựng, Bộ Công Thương làm quy
hoạch các loại khoáng sản, các tỉnh thành làm quy hoạch về các loại khoáng sản
được phân cấp cấp phép. Cả ba đơn vị cùng làm quy hoạch về khoáng sản đã tạo ra
sự bùng nhùng, và khi quyền lợi cục bộ bị xâm phạm thì khó có đơn vị nào chịu
chấp hành quy định một cách nghiêm túc” - ông Thành nói.
Tổng kiểm tra các hoạt động khai khoáng trên phạm vi cả nước sẽ được Bộ TN- MT
thực hiện trong thời gian tới đây để có báo cáo đầy đủ trong phiên họp Chính phủ
vào tháng 9. Thứ trưởng Bộ TN - MT Nguyễn Linh Ngọc yêu cầu các cơ quan chuyên
môn tiến hành kiểm tra, rà soát, trong đó báo cáo đầy đủ, chân thực về những mặt
chưa được trong công tác quản lý, cấp phép khai khoáng.
Trong thời gian gần đây, những địa phương được coi là “nóng” trong công tác quản
lý khoáng sản cũng đã siết chặt công tác quản lý khai thác – cấp phép tại địa
phương. Việc thăm dò, khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương như Hà Giang, Cao
Bằng… đã được UBND tỉnh chỉ đạo không cấp phép mới và yêu cầu rà soát, đánh giá
lại tổng trữ lượng, vẽ sơ đồ các điểm mỏ… để phục vụ chấn chỉnh công tác quản
lý. Vấn đề xuất lậu quặng thô cũng được siết chặt.
Lấy ví dụ, trong tháng 8/2011, hai lãnh đạo cao nhất của tỉnh miền núi Hà Giang
(Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cùng Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông) đã
trực tiếp chỉ đạo cơ quan chức năng bắt giữ nhiều xe chở quặng thô có dấu hiệu
xuất trái phép sang Trung Quốc.
Một thực tế đang tồn tại ở nhiều địa phương, đó là có những doanh nghiệp cùng
một lúc “tranh thủ” xin cấp phép khai khoáng hàng loạt nhưng không tiến hành
khai thác, gây lãng phí và thất thoát nguồn tài nguyên. Công tác hoàn thổ sau
khai thác được nhiều địa phương thừa nhận là “khoảng trên 90% các dự án không
hoàn thổ nếu như không muốn nói là chưa bao giờ thực hiện được công tác hoàn
thổ”!?
- Kiên Trung