-
Trên đồng ruộng, người nông dân đứng nhìn đồng lúa ngập trắng băng với khuôn
mặt thất thần đầy lo lắng. Nhiều người tiếc mồ hôi công sức đã bỏ ra vẫn đang
lặn ngụp ngâm mình trên dòng nước lớn để vớt, dựng lúa đổ, mong vớt vát được
chút gì đó.
Mênh mông nước lũ trắng đồng
Hôm nay, tại Thanh Hoá lượng mưa đã giảm, tuy nhiên nước lụt trên sông và trên
nhiều đồng lúa ở một số huyện đồng bằng phía Nam của tỉnh này như Tĩnh Gia, Nông
Cống, Quảng Xương vẫn còn rất cao và rút chậm.
Hàng trăm hộ dân cùng hàng ngàn
ha lúa mùa vẫn đang bị ngập trong nước. Người nông dân lại đứng trước nỗi lo mùa
đói tiếp diễn.
Trong đợt mưa lũ những ngày qua, Nông Cống là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất.
Mưa lớn khiến 1.411 ha lúa đang trong thời kì trổ bông của huyện này bị mất
trắng, 400ha diện tích lúa khác bị ngập sâu, 350 hộ dân bị ngập lụt...
Nặng nhất là tại các xã như: Tượng Sơn, Vạn Thiện, Công Chính, Công Liêm, Thăng Bình… ước tính thiệt hại lên đến hơn 45 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng thiệt hại về lúa đã lên tới gần 40 tỉ đồng. Tình hình mưa lũ rất có thể khiến khoảng hơn 20.000 nhân khẩu sẽ bị thiếu đói trong thời gian từ nay đến tháng 5/2012.
Nước lụt ngập trắng hơn 370 ha lúa mùa của xã Tượng Sơn, Nông Cống. |
Tại xã Tượng Sơn, hơn 370 ha lúa mùa bị nước lụt nhấn chìm, trên những thân ruộng cạn, từng vạt lúa đổ rạp thối nhũn chỉ còn trơ thân thối đen. Hàng trăm hộ dân thuộc các thôn Kén, thôn Bòng, thôn Cát Lễ của xã Tượng Sơn đứng trước nguy cơ thiếu đói vì vụ mùa coi như mất trắng.
Trên đồng ruộng, người nông dân
đứng nhìn đồng lúa ngập trắng băng với khuôn mặt thất thần đầy lo lắng. Nhiều
người tiếc mồ hôi công sức đã bỏ ra vẫn đang lặn ngụp ngâm mình trên dòng nước
lớn để vớt, dựng lúa đổ, mong vớt vát được chút gì đó.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (66 tuổi, thôn 5 làng Kén, xã Tương Sơn) chua xót kể: Năm
nào cũng vậy, hễ có mưa to là làng Kén lại chìm ngập trong biển nước, đường xá
đi lại khó khăn, hoa màu mất trắng nên người dân chúng tôi cứ mãi đeo đẳng với
cảnh đói nghèo.
Trong căn nhà xập xệ bị nước lụt tràn vào, bà Trần Thị Nhuần, vợ ông Hoàng thở
dài ngao ngán: “Nhà có 2 vợ chồng, đều đã tuổi cao lại nuôi thêm một đứa con 25
tuổi bị tàn tật bẩm sinh, gia đình chỉ trông vào 4 sào ruộng, nay lũ về, ngập
sạch, nước trắng trời, chẳng biết những tháng ngày tới biết bấu víu vào đâu”.
Gia cảnh cháu Nguyễn Thị Hà (cùng thôn) còn đáng thương hơn nhiều, nhà 4 khẩu
nhưng chỉ có hơn 1 sào ruộng, mẹ Hà phải bỏ quê đi tha hương cầu thực nơi xứ
người. Lên 15 tuổi, Hà phải nghỉ học ở nhà lo cho hai em nhỏ mới lên 7 - 8 tuổi.
Nhận được thùng mỳ tôm cứu trợ
lúc lũ lụt, chị em Hà phải để dành ăn dè dặt chờ những ngày nước lũ đi qua.
Thôn Kén có 124 hộ dân, đây là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thuộc loại cao nhất huyện
Nông Cống. Nước lũ tràn đồng, mùa màng mất sạch, nhiều đàn ông trai tráng làng
Kén lại lóp ngóp ra đồng đánh lưới, kiếm ít cá còi về cải thiện bữa ăn cho gia
đình. Còn lũ trẻ con thì thay nhau mang can nhựa vào tận các thôn gần núi để xin
nước về sinh hoạt, bởi nguồn nước giếng nhà hiện đã bị ô nhiễm, không dùng được.
Ông Trần Xuân Cư, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết, hiện trong toàn xã có 370
ha diện tích lúa đang trong thời kì trổ bông bị ngập lụt hoàn toàn, nguy cơ mất
trắng là điều khó tránh khỏi.
Trong xã cũng có 34 hộ dân bị
nước ngập vào nhà buộc phải di dời đi chỗ khác. Riêng 3 thôn là thôn Bòng, Cát
Lễ và Kén Thôn bị cô lập hoàn toàn bởi nước lũ, đường xá đi lại khó khăn, học
sinh buộc phải nghỉ học.
Nguy cơ thiếu đói
Ông Nguyễn Quốc Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống chia sẻ, Nông Cống hiện
có 1.411 ha lúa mùa đang thời kì trổ bông bị mất trắng, ảnh hưởng trực tiếp đến
đời sống khoảng 21.000 nhân khẩu. Nước tại các xã như Tượng Sơn, Vạn Thiện…bị
ngập lụt là do hệ thống xả nước chưa linh hoạt của một số hồ đập thủy lợi.
Đặc biệt là hồ Yên Mỹ. Biện pháp
lâu dài là phải xây được một con đê bao quanh sông Thị Long, chảy qua xã Tượng
Sơn với độ dài khoảng 4km thì tình trạng bị ngập lụt cục bộ mới được giải quyết
phần nào”.
Những con đường làng bỗng trở thành...sông. |
Được biết, UBND huyện Nông
Cống đã kịp thời hỗ trợ mì tôm cho 124 hộ gia đình thuộc thôn Kén Thôn, xã Tượng
Sơn, một trong những thôn bị ngập lụt nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua. Đến
13/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mưa đã dần ngớt, người dân các địa phương đã
khẩn trương triển khai mọi biện pháp tiêu úng cho đồng ruộng.
Các công ty thủy nông trên địa bàn tỉnh đang vận hành hết công suất để tiêu úng
cứu lúa kịp thời cứu lúa. Tại cống tiêu Quảng Châu, chi nhánh thủy nông Quảng
Xương đã tiến hành trục vớt các vật cản và mở tối đa 4 cửa cống tiêu nước.
Đến thời điểm này, gần 3.000 ha
lúa thuộc các huyện Đông Sơn, Quảng Xương và thành phố Thanh Hóa đã được tiêu
thoát nước kịp thời.
Tuy nhiên, triều cường lên cao nên số giờ mở các cống tiêu bị hạn chế, mặt khác
nước trong nội đồng tiêu chậm do hệ thống kênh mương bị bồi lắng xuống cấp, một
số nơi vẫn còn mưa nên lượng nước tồn đọng còn phổ biến.
Theo thống kê sơ bộ của BCH Phòng chống lụt bão Thanh Hóa, do mưa lớn vào những
ngày qua đã khiến hơn 12.000ha lúa mùa bị ngập nặng và có khả năng mất trắng,
714 hộ dân bị ngập, 1.198 ha mía, ngô lạc bị ngã đổ; 1.182ha hoa màu các loại bị
ngập úng; 7 hồ đập bị tràn và vỡ; 6 đoạn đê bị tràn gây nên vỡ đê (dài 1.500m)
hơn 22.000 m3 đê điều bị sạt lở; hàng ngàn m3 đất đá trên các tuyến giao thông
nông thôn bị cuốn trôi… Ước tính thiệt hại lên tới trên 385 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa và Ban phòng chống lụt bão tỉnh tập
trung chỉ đạo sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, vùng thấp đến nơi an toàn, hỗ trợ
nhu yếu phẩm cho công tác di dân. Bố trí lực lượng canh gác các công trình đang
thi công và các công trình hồ đập, giao thông có nguy cơ vỡ tràn bởi mưa lũ.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có công văn xin Chính phủ hỗ trợ giống hoa màu, lương thực, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Hỗ trợ cho tỉnh 100 tỷ đồng khắc phục các công trình hồ đập, các tuyên đê sông, đê biển và đường giao thông bị sạt lở do mưa lũ.
- Thanh Lê – Thuý Phan