- Thấy một nhóm gồm 3 người từ quán bia đi ra mặt phừng phừng hơi men bước lên chiếc xe ô tô mang BKS 30S – 72.., thượng sĩ Tú bật bộ đàm thông báo cho một chiến sĩ đứng chốt ngay đầu đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để kiểm tra nồng độ cồn.

12h trưa, theo chỉ đạo phân công, tổ chuyên đề “xử lý người điều khiển giao thông sử dụng bia rượu” của đội CSGT số 1 (phòng CSGT Công an Hà Nội) gồm 8 đồng chí đã có mặt tại ngã năm đường Trần Hưng Đạo – Lê Thánh Tông.

Đây là khu vực có nhiều người thường tập trung tới các quán nhậu vào buổi trưa.

Mặc thường phục nhận diện

8 chiến sĩ CSGT do Thượng uý Vũ Xuân Hồng Thái làm tổ trưởng đã phân công từng người đứng chốt chặn ở khắp ngả đường.

Riêng hai thượng sĩ Ngô Bá Ngọc và Nguyễn Xuân Tú mặc thường phục được trang bị bộ đàm đứng ngay ở khu vực gần các quán bia trên đường Trần Hưng Đạo và Lê Thánh Tông để… nhận diện chỉ điểm đối tượng.



Dừng xe kiểm tra nồng độ cồn

 
Tại một quán bia trên đường Trần Hưng Đạo, 12h30, nhận thấy một nhóm gồm 3 người từ quán đi ra, mặt phừng phừng hơi men bước lên chiếc xe ô tô mang BKS 30S – 72.., thượng sĩ Tú bật bộ đàm thông báo cho một chiến sĩ đứng chốt ngay đầu đường Trần Hưng Đạo chuẩn bị sẵn sàng yêu cầu dừng xe vào lề đường để kiểm tra nồng độ cồn.

Khi chiếc xe 30S - 72.. vừa di chuyển đến đầu cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, ngay lập tức Thiếu uý Nguyễn Văn Sắc ra hiệu cho xe dừng lại và yêu cầu được kiểm tra nồng độ cồn.

Người điều khiển xe ô tô bước xuồng và được Thượng uý Thái yêu cầu thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn nhưng tài xế lái xe đã nhiều lần kiên quyết không hợp tác. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng thượng uý Thái đã thuyết phục tài xế thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn.
 


Đội CSGT (Phòng CSGT TP.Hà Nội) tiến hành cho thổi kiểm tra nồng độ cồn với những người sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông.

Kết quả, người điều khiển chiếc xe BKS 30S – 72... tên Trần Huy Hùng có nồng độ cồn vượt quá quy định với nồng độ đạt mức 0,210 mlg/lít. Theo quy định, anh Hùng bị tạm giữ giấy phép lái xe với thời hạn 30 ngày và phải nộp phạt từ 1 triệu – 1,4 triệu đồng.

12h45, khách rời các quán nhậu trên đường Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư… ngày càng đông. Nhiều người bước ra khỏi quán trong tình trạng mặt đỏ bừng hơi men vẫn ngồi lên xe phóng đi với tốc độ cao.

Lúc này, tổ “xử lý người điều khiển giao thông sử dụng bia rượu” trở nên bận rộn hơn. Trên đường Lê Thánh Tông, thượng sĩ Ngô Bá Ngọc vừa quan sát người điều khiển phương tiện từ quán bia đi ra, vừa quan sát những người điều khiển xe trên đường có dấu hiệu sử dụng bia rượu để thông báo chỉ huy.
 
Máy báo nồng độ cồn.

Nhận thấy một đối tượng điều khiển xe máy đi từ đường Lê Thánh Tông mặt đỏ phừng phừng trong tư thế đi không vững, thiếu uý Sắc đã ra hiệu lệch cho xe dừng lại thì ngay lập tức đối tượng bỏ xe lại, mắt lờ đờ bước đi loạng choạng lại quán nước đường Trần Hưng Đạo ngồi.

Sau hơn 30 phút ngồi nghỉ uống nước, cuối cùng tài xế đã quay lại nhận xe và đồng ý thổi vào máy đo nồng độ cồn và chấp nhận bị xử phạt.

Thượng uý Thái cho biết, với những đối tượng uống bia rượu quá mức cho phép khi điều khiển xe trên đường sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông. Với những đối tượng này nếu không kịp kiểm tra xử lý thì nguy cơ gây tai nạn giao thông sẽ rất cao.

Chạy vòng trốn CSGT

Theo các cơ quan chức năng, sau một thời gian thực hiện xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng bia rượu quá nồng độ cho phép, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa triệt để.

Người sử dụng bia rượu khi điều khiển ô tô, xe máy vẫn còn diễn ra trên các tuyến phố có nhiều quán nhậu vào các giờ cao điểm giữa trưa và chập tối.  

Biên bản xử phạt sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông.

Ghi nhận của PV  tại các quán bia trên đường Trần Nhật Duật cho thấy, có rất nhiều người sau khi rời khỏi quán nhậu vẫn tự điều khiển ô tô, xe máy trên đường. Nhiều người còn có ý thức lẩn trốn lực lượng CSGT sau khi từ trong quán nhậu đi ra.

Tại quán bia Vân Bảo Khánh (25 Trần Khách Dư), câu chuyện xử phạt người tham gia giao thông sử dụng bia rượu vẫn được mọi người đưa ra bàn tán, nhưng khi rời khỏi quán nhậu thì phần đông đều không chấp hành đúng quy định.

Anh Minh, nhà ở gần khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) ngồi uống bia trên phố Trần Nhật Duật thành thật: “Vẫn biết uống rượu bia quá nồng độ cho phép khi điều khiển ô tô xe máy sẽ bị xử phạt, nhưng chẳng lẽ uống xong rồi để xe lại quán thì rất bất tiện, nên cư liều đi về, nếu thấy CSGT thì vòng lại trốn đi đường khác, còn nếu bị bắt thì chấp nhận kiểm tra nộp phạt”.
 


Lực lượng CSGT xử lý mềm mỏng nhưng cương quyết.

Cũng theo phản ánh của người tham gia giao thông, khi được CSGT yêu cầu thổi qua ống thở máy kiểm tra, nhiều người thường ngại thổi vì... sợ mất vệ sinh.

Chị Ly người  từng được CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn khi đang lái xe ô tô trên đường Nguyễn Sơn (Gia Lâm) cho biết: Lúc được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn qua máy kiểm tra, nhìn thấy ống thở chị sợ mất vệ sinh vì cho rằng nhiều người cùng thổi chung một ống nên kiên quyết không thổi. Chỉ sau khi nghe CSGT giải thích, chị Ly mới chấp nhận kiểm tra theo yêu cầu của CSGT.

Thượng uý Vũ Xuân Hồng Thái, Đội 1, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết: Tất cả các ống thổi khi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn chỉ được sử dụng một lần rồi bỏ đi.

“Trước khi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn chúng tôi đã chuẩn bị đủ ống thổi và không có chuyện một ống thổi của máy kiểm tra được sử dụng nhiều lần”, Thượng uý Thái khẳng định.

 
Theo quy định, đối với người điều khiển mô tô  vi phạm có nồng độ cồn vượt quá từ 0,25-0,4miligam/lít khí thở thì mức xử lý hành chính trung bình từ 200.000đ - 400.000đ; nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam thì sẽ bị xử phạt từ 500.000đ -1.000.000đ và tạm giữ xe 10 ngày.
Đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn thấp hơn 0,25 miligam/lít khí thở sẽ phải chịu mức phạt thấp nhất là 1triệu đồng, mức trung bình là 5triệu đồng và tạm giữ xe 10 ngày.

Sắp có quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu

Chính phủ vừa ra Nghị quyết số 88 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT. Theo đó,Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thời gian qua, các vụ tai nạn giao thông đã giảm nhưng chưa bền vững, số người bị thương do tai nạn giao thông vẫn cao và còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Bởi vậy, Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu bia.
Trong đó, Bộ Y tế và Bộ Công an trong quý IV năm nay phải ban hành được quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người tham gia điều khiển phương tiện giao thông.
 

Gia Văn