– Do ảnh hưởng của không khí lạnh, miền Bắc và đặc biệt là miền Trung đã có mưa lớn những ngày vừa qua. Đợt mưa này chưa chấm dứt thì ngoài khơi biển Đông lại xuất hiện một áp thấp mới khiến tình hình thời tiết xấu thêm khi hoàn lưu của áp thấp này sẽ gây mưa to đến rất to trên đất liền.

Căng mình đối phó

Ngày 21/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục có lượng mưa lớn, gây ngập úng cục bộ tại các huyện như Con Cuông; Anh Sơn; Tương Dương; dọc bờ sông Lam tại huyện Hưng Nguyên và một số địa điểm tại TP. Vinh (Nghệ An). 

Tại huyện Tương Dương, mưa nhỏ từ ngày 16 đến 21/9, đã có một người bị chết đuối vào ngày 16/9, xác định danh tính là cháu Lữ Hắc Kiệt (SN 2006) bị rơi bè gỗ chết đuối và sáng nay đã tìm thấy thi thể để đưa về mai táng.
 
Ngoài ra còn có 3 ngôi nhà phải di dời tại xã Lượng Minh và Thạch Giám và 23 ngôi nhà bị ngập úng tại xã Tam Thái (huyện Tương Dương). Bên cạnh đó có nhiều công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, hàng chục ha lúa tại xã Yên Thắng, Tam Thái, Thạch Giám (huyện Tương Dương) bị hư hỏng.

Thuỷ điện Bản Vẽ xả nước lũ gây ngập úng tại một số huyện phía xuôi sông Lam - (Ảnh: Q. Huy).
 

Còn tại huyện Con Cuông, đêm 20 và sáng 21/9 có mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ tại thị trấn và một số xã lân cận, gây sạt lở một số đoạn dọc đường QL7A.
 
Chiều tối 21/9, trao đổi với VietNamNet, ông Hoàng Đình Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân huyện Con Cuông. Hiện nay đã có một đồng chí công an viên bị thương do sập tường phải cắt chân. Có khoảng hơn 2 ngàn m bờ rào bị sập đổ; 116 con lợn bị cuốn trôi và hơn 1 ngàn con gia cầm bị cuốn theo nước lũ. Ước tính thiệt hại ban đầu lên đến trên 60 tỷ đồng”.



Nông dân các huyện Nam Đàn, Anh Sơn, Hưng Nguyên (Nghệ An) căng mình thu hoạch lúa, ngô trong tình trạng nước ngập trắng đồng. (Ảnh: Q. Huy.)


Danh tính nạn nhân bị thương được xác đinh là anh Nguyễn Tất Dương, Công an viên khối 5, thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông, Nghệ An) trong lúc giúp dân chạy lũ, đã bị tường sập đè lên bị thương và đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Con Cuông.
 
Do vết thương quá nặng, anh Dương đã phải chuyển ra Bệnh viện 108 tại Hà Nội và cắt bộ một cái chân.
 
Tại địa phương này, nhiều đoạn đường bị sạt lở trên tuyến QL7A  taluy tại Km110; Km 174; Km 224 và một số điểm trên QL 48C.
 
Phía dưới thượng nguồn, sau khi Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ xả nước lũ đã gây ngập úng tại các xã ven sông Lam tại huyện Hưng Nguyên.

Hàng trăm người dân đã phải tranh thu hoạch lúa vội khi bị nước lũ dâng lên. Một số xã như Nam Cường, Nam Kim (huyện Nam Đàn) mưa lớn đã khiến nhiều bà con nông dân phải căng mình thu hoạch lúa, ngô trong tình trạng nước ngập úng.

Nước sông dâng cao

Mưa lớn đã diễn ra trên diện rộng tại miền Trung do ảnh hưởng của không khí lạnh. Lượng mưa ngày 21/9 đo được tại TP Thanh Hóa là 191mm, Hồi Xuân (Thanh Hóa): 65mm, Tĩnh Gia (Thanh Hóa): 69mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An): 93mm, Hòn Ngư (Nghệ An): 92mm, Huế: 52mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi): 102mm, Nha Trang (Khánh Hòa): 81mm, …

Mưa to đã làm mực nước các sông ở Thanh Hóa và khu vực Tây Nguyên đang lên nhanh. Ngày 22/09, mực nước các sông ở Thanh Hóa và khu vực Tây Nguyên tiếp tục lên, nhưng còn ở mức thấp. Dự báo các sông ở Trung Trung Bộ sẽ có một đợt lũ.

Trong khi tình hình mưa, ngập tại miền Trung chưa chấm dứt thì áp thấp mới xuất hiện trên biển Đông đã mang đến nỗi lo kép cho các địa phương này - (Ảnh: Quốc Huy).


Hồ thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) đã xả lũ để đảm bảo an toàn. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã thông báo tình hình xả lũ hồ thủy điện sông Ba Hạ và yêu cầu Ban chỉ huy PCLB & TKCN các huyện, thành phố ở hạ du tổ chức các biện pháp phòng tránh.

Trong khi tình hình mưa, ngập tại miền Trung chưa chấm dứt thì áp thấp mới xuất hiện trên biển Đông đã mang đến nỗi lo kép cho các địa phương này.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết: Hồi 7 giờ ngày 22/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15.0 đến 17.0 độ Vĩ Bắc; 111.0 đến 113.0 độ Kinh Đông. Trong khoảng 24 giờ tới, vùng áp thấp này hầu như ít di chuyển và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp nên khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Biển động, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực Giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Chủ động đối phó với lũ lớn trên đất liền

Để chủ động đối phó với thời tiết xấu trên biển có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới gần bờ và mưa to đến rất to trên đất liền, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Kiên Giang cần chủ động triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ kép.

Theo đó, các địa phương này cần thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến thời tiết nguy hiểm để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận: Sẵn sàng các phương án đối phó với tình huống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, nhân dân; an toàn đê điều, hồ đập và các công trình đang thi công.


Cẩm Quyên -
Quốc Huy