- Lũ trên sông Cửu Long lên mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây (kể từ năm 2003). Lũ thượng nguồn từ sông Mê Kông đổ về khiến mực nước ở sông Cửu Long dâng lên nhanh chóng.
Lũ lớn nhất trong 9 năm qua
Mực nước lúc 7 giờ sáng ngày 22/9 tại Viên Chăn: 10,32m; Tại Pắk Sế: 12,62m, trên báo động (BĐ) 3 là 0,62m; Tại Kra Chiê: 22,16m; trên BĐ1: 0,16m; Tại Cảng Phnôm Pênh: 9,45m, xấp xỉ mức BĐ1; Trên sông Tiền tại Tân Châu: 4,28m, dưới BĐ3: 0,22m; Trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,62m, trên BĐ2: 0,12m; Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa: 1,76m, xấp xỉ mức BĐ2.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TW cho biết trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và ở mức cao.
Người dân ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (Long An) mò cắt lúa chạy lũ. (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Đến ngày 26/9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,55m, trên BĐ3: 0,05m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,9m, dưới BĐ3: 0,1m.
Đến cuối tháng 9, lũ đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng vượt mức BĐ3 từ 0,1 – 0,2m; tại Tân Châu lên mức 4,7m, trên BĐ3: 0,2m; tại Châu Đốc lên mức 4,1m, trên BĐ3: 0,1m; các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3. Cần chủ động phòng chống lũ lớn xảy ra trên sông Cửu Long.
Trước tình hình này, lúc 20h30 ngày 22/9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang đề nghị triển khai các phương án đối phó với tình hình lũ trên sông Cửu Long.
Sạt lở nghiêm trọng
Liên quan đến thông tin lũ, báo Tuổi trẻ đưa tin: Ngay khi lũ đổ về tỉnh An Giang trong hơn 20 ngày qua, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra nhiều vụ lở đất bờ sông, nhiều hộ dân phải thực hiện di dời để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ cho người dân di dời, cùng với hỗ trợ tiền, bình quân là 10 triệu đồng/ hộ di dời.
Cơ quan khí tượng thủy văn An Giang cho biết hiện tại mực nước lũ đã trên báo động 2 và đang tăng dần trong những ngày tới, mỗi ngày tăng 3cm.
Lũ tại An Giang (Ảnh: VTC) |
Cơ quan này dự báo, trong những ngày tới nếu phía thượng nguồn thuộc Campuchia có một vài trận mưa lớn lũ sẽ tràn về hạ nguồn gây sạt lở nặng bờ kênh và nghiêm trọng nhất là làm vỡ đê bao và có nguy cơ ảnh hưởng 130.000ha lúa vụ 3 và khoảng 30.000ha hoa màu.
Hiện tại các đê bao chống lũ bảo vệ lúa, các công trình ở An Giang, Đồng Tháp chỉ có thể ngăn được đỉnh lũ tương đương báo động 3. Vì vậy 130.000 ha lúa vụ 3 tại An Giang đang bị đe dọa khi mùa lũ còn hơn một tháng nữa mới kết thúc. Ngày 15/9, hai đập tràn bằng cao su Trà Sư và Tha La đã xả lũ vào vùng Tứ giác Long Xuyên gây ngập đồng, hàng ngàn héc-ta lúa ngoài quy hoạch đang có nguy cơ mất trắng.
Thu hoạch nông sản non để chạy lũ
Phản ánh về tình hình người dân chạy lũ, thu hoạch nông sản, báo Thanh Niên đưa tin: Nước lũ lên nhanh, cộng mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua làm cả 1.000 ha lúa thu đông gần thu hoạch tại ĐBSCL bị ngã sập, chìm trong nước.
Nhiều diện tích lúa không còn thu hoạch được, chủ ruộng bán cho người chăn vịt chạy đồng với giá 17 giạ lúa/công. Nhiều nơi nông dân tranh thủ gặt dù lúa vẫn còn xanh.
Người dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thu hoạch mía sớm (Ảnh: Dân Việt) |
Cũng liên quan đến tình hình lũ, báo Cần Thơ cho hay nông dân ở các địa phương vùng ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch lúa vụ 3 (thu đông) trong điều kiện rất bất lợi như mưa dầm liên tục, nước lũ lên nhanh, lúa đổ ngã, đồng ruộng ngập nước làm cho máy gặt đập liên hợp khó hoạt động.
Do vậy, giá công thu hoạch lúa tăng rất cao nhưng lại khan hiếm. Tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp... giá cắt lúa lên đến 300.000-450.000 đồng/công (1.000m2), chưa kể công thu gom, vác lúa từ 150.000-200.000 đồng/công.
Đặc biệt, tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang còn hơn 300ha lúa hè thu sắp thu hoạch, tập trung ở xã Vĩnh Phú và Vĩnh Điều. Hiện nước đã ngập đến bông nên bằng mọi cách phải thu hoạch gấp. Thế nhưng, hiện nông dân không thuê được nhân công dù ra giá rất cao.
Ngoài lúa non, mía cũng là loại nông sản đang gấp rút thu hoạch sớm để tránh lũ dữ. Báo Dân Việt cho biết nông dân trồng mía ở vùng không có đê bao ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang tất bật thu hoạch mía để né lũ.
Những ngày này, tại vùng nguyên liệu mía huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang (vùng nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL), nông dân đang vào vụ thu hoạch mía dù các nhà máy đường trong vùng vẫn chưa hoạt động. Hiện tại, chỉ có mía giống ROC 16 đạt 9,6 chữ đường (CCS), còn các giống khác chỉ đạt dưới 7 CCS. Tuy nhiên, nông dân đã thu hoạch với diện tích khá lớn.
Ở xã Phụng Hiệp có 333ha mía thì hàng năm có khoảng 200ha bị ngập nước do không có đê bao. Đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch được khoảng 70ha.
Ông Lê Văn Chí - Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp cho biết: “Đến tháng 10 năm nay thì toàn bộ diện tích mía trong xã sẽ bị ngập nước nên nông dân tranh thủ đốn mía sớm”.
Toàn miền Trung mưa lớn Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn ở các tỉnh Bắc Trung bộ đã mở rộng đến các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định. Toàn miền Trung có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa to rất to và rải rác có dông. Cụ thể: Tại Tuyên Hóa (Quảng Bình) lượng mưa ngày 22/9 là 118mm; Đông Hà (Quảng Trị): 93mm; A Lưới (Thừa Thiên Huế): 60mm; TP Huế (Thừa Thiên Huế): 135mm; Phú Ốc (Thừa Thiên Huế): lượng mưa từ 20 đến 22/9 lên tới 202mm; ... Mưa lớn khiến mực nước các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, từ Phú Yên đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đang lên. Dự báo ngày 23/9, mực nước các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên tiếp tục lên, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1 – BĐ2, có nơi trên BĐ2. |
Ngọc Anh (Tổng hợp)