- Tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và UBND TP.HCM ngày 23-9, Bộ trưởng Bộ GTVT, Đinh La Thăng cho biết: Với tốc độ tăng phương tiện chóng mặt như hiện nay thì đương nhiên không có hạ tầng giao thông nào có thể đảm bảo nổi. Biện pháp hạn chế xe cá nhân vào trung tâm thành phố là cần thiết.

Hạ tầng giao thông quá tải


Tại buổi làm việc, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: Dù là đầu mối giao thông lớn với tất cả các loại hình vận tải nhưng hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông của TP đã trở nên quá tải. Để hạn chế quá tải trên đường bộ, biện pháp quan trọng là phải hạn chế xe cá nhân.

Để hạn chế quá tải trên đường bộ, biện pháp quan trọng là phải hạn chế xe cá nhân
Ông Phượng cũng nói rõ, dự án thu phí ôtô vào khu vực trung tâm TP đang được Sở GTVT phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Dự án này sẽ phải lấy ý kiến của các bộ, ngành trước khi triển khai các bước tiếp theo. “Sở GTVT TP.HCM sẽ chủ động thực hiện, nhưng có tiếng nói của bộ vấn đề mới được đẩy nhanh” - ông Phượng cho biết.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đang “cân nhắc” về dự án này, nhưng việc dần hạn chế xe máy và ôtô là việc cần phải làm vì với sự phát triển phương tiện như hiện nay (mỗi tháng TP.HCM có khoảng 20.000 xe gắn máy và 3.000 ôtô đăng ký mới), TP.HCM sẽ không còn chỗ để lưu thông.

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí bên lề buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT, Đinh La Thăng đã ủng hộ TP HCM  việc đưa ra dự án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

“Quan điểm của tôi là hoàn toàn ủng hộ TP.HCM để thực hiện hiệu quả việc quản lý GTVT trên địa bàn cũng như việc phân luồng, phân làn để tránh được ùn tắc giao thông trong địa bàn TP”, Bộ trưởng Thăng cho biết.


Ông Thăng cũng dẫn chứng: Không phải chỉ có mỗi Việt Nam thu phí xe ôtô vào trung tâm thành phố. Trên thế giới và trong khu vực cũng đã có nhiều nước thực hiện dự án này. Nếu đi sang Singapore mới biết đi ôtô cực khổ chứ chưa nói đến xe máy. Vừa phải kiếm chỗ đỗ khó khăn, vừa phải nộp đủ thứ lệ phí...

Tính đến tháng 8/2011 TP.HCM có khoảng 5,3 triệu phương tiện giao thông, trong đó có gần 500 ngàn xe ôtô (chiếm gần 1/3 tổng số cả nước). Hàng ngày có thêm 1 triệu xe môtô, xe gắn máy và 60.000 xe ôtô mang biển số các tỉnh thành khác vào thành phố và có khoảng 1.000 xe máy, 100 ôtô đăng ký mới. Mật độ dân số cao, số lượng phương tiện lớn, trong khi quỹ đất cho giao thông của TP hiện nay rất thấp.

"Với tốc độ tăng chóng mặt như thế thì đương nhiên không có hạ tầng giao thông nào có thể đảm bảo nỗi. Biện pháp hạn chế xe cá nhân vào trung tâm thành phố là cần thiết", ông Thăng cho biết.

Cần có lộ trình hạn chế xe máy lưu thông

Để kéo giảm ùn tắc, bên cạnh việc hạn chế xe cá nhân, sắp tới TP.HCM sẽ đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng và mở rộng đường, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc xuyên tâm và đường vành đai.

Từ nay tới năm 2020, TP.HCM sẽ xây dựng sáu tuyến đường sắt đô thị (metro), ba tuyến xe điện mặt đất hoặc monorail (tàu điện một ray). Sáu tuyến metro có tổng chiều dài 108km, tổng mức đầu tư khoảng 6 tỉ USD, trong đó tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 18km đang được thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng. Năm tuyến còn lại cũng đang trong giai đoạn đầu tư. Bộ GTVT đề nghị TP.HCM đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và chuẩn bị kỹ dự án để báo cáo Quốc hội vào cuối năm nay. Các tuyến đường cao tốc xuyên tâm và đường vành đai cũng đang được TP.HCM đẩy mạnh xây dựng.

Phát biểu cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cần có những đột phá về GTVT, trong đó sự phát triển của hai đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM rất quan trọng. Để có thể đi nhanh hơn, đi trước các địa phương khác, TP.HCM cần có cách đi riêng và quyết liệt hơn nữa.

Về xử lý ùn tắc giao thông, bộ trưởng Thăng đề nghị TP. HCM phải kiên quyết làm được ba việc. Thứ nhất là không cho thuê lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, đỗ xe. Thứ hai là phải có lộ trình để hạn chế xe máy lưu thông trên địa bàn, trước hết cấm ở một số tuyến phố, sau đó đi đến cấm trên các đường vành đai 1, vành đai 2... Thứ ba là phải xử phạt rất nghiêm, áp dụng hình phạt cao nhất đối với người tham gia đua xe trái phép như thu xe vĩnh viễn, thu xong hủy luôn...

Cần vốn cho hạ tầng giao thông

Ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, một số dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư trên địa bàn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng vì kinh phí vượt quá khả năng khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Ví dụ, dự án nâng cấp quốc lộ 50, kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn qua TP HCM là 675 tỷ đồng và thành phố đã đồng ý sử dụng ngân sách để chi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khoản tiền dự kiến tăng lên khoảng 1.280 tỷ đồng.

"Thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất theo phương thức: Ngân sách thành phố góp 78% chi phí giải phóng mặt bằng, 22% còn lại do Bộ GTVT lo", ông Phượng nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng cần ưu tiên vốn cho các công trình hạ tầng giao thông. Nghị quyết 11 ra đời vì lợi ích của cả nước, ngành giao thông không đòi hỏi ưu tiên, nhưng khi thực hiện nghị quyết này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các công trình đang thi công dở dang.

“Các phương tiện, máy móc phải phơi mưa phơi nắng sẽ hư hỏng rất nhanh, tới khi khởi động lại dự án phải sắm mới sẽ rất lãng phí. Mặt khác, các tuyến đường bị phá để thi công mới bị dừng/giãn sẽ dở dang, ảnh hưởng tới đi lại của người dân và dễ gây tai nạn giao thông” - Bộ trưởng Đinh La Thăng phân tích. Bộ trưởng đề nghị TP.HCM và các địa phương cần ưu tiên vốn cho hạ tầng giao thông vì “có đột phá được hạ tầng thì mới đột phá được phát triển kinh tế - xã hội”.

Gia Văn (Tổng hợp)