– Bão số 4 vẫn duy trì hướng tiến vào miền Trung, hiện đang mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Toàn miền Trung sẽ mưa lớn từ trưa và chiều nay (26/9), lũ dự báo sẽ lên nhanh.
 
Nóng trong tuần: Bão nhằm thẳng miền Trung
Việt - Mỹ đối thoại chính sách quốc phòng; Tranh cãi nảy lửa về giá xăng dầu; Miền Bắc mưa to, miền Trung ngập nặng, bão sắp đổ bộ; hạn chế xe máy nội đô; Ca tử vong vì tay chân miệng đầu tiên ở Hà Nội...
 
Bão đang vào, miền Trung sắp mưa lớn
Sáng 25/9, áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 4). Bão số 4 đang di chuyển nhanh và nhắm thẳng miền Trung.
Hồi 4 giờ ngày 26/9 vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 340 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 4 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ Hà Tĩnh - Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Bão số 4 đang hướng thẳng vào miền Trung, gây mưa lũ lớn (Ảnh: NCHMF)

Dự báo trong khoảng 24 - 48 giờ tiếp theo bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế rồi suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên vùng biên giới Lào - Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão vùng biển phía Tây của khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa dông mạnh. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Ngày hôm nay (26/9), vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Hiện ngoài khơi Philippines xuất hiện một cơn bão cực mạnh (tên quốc tế là Nesat), có thể đạt cấp 13-14 trong những ngày tới. Hiện cơn bão này chưa có dự báo diễn biến cụ thể. Nếu có ảnh hưởng đến Việt Nam thì cũng phải tới 30/9 hoặc 1/10. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW sẽ theo dõi sát sao 2 cơn bão để có những dự báo kịp thời.

Lũ lớn, gấp rút gặt lúa xanh

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Do ảnh hưởng mưa của cơn bão số 4, từ chiều và đêm nay (26/9), mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam và khu vực bắc Tây Nguyên sẽ lên nhanh.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo thu hoạch lúa ở miền Trung theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” - Ảnh: Tuổi Trẻ


Trong đợt lũ này, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, khu vực bắc Tây Nguyên và thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3; các sông ở Nghệ An, Quảng Nam và hạ lưu các sông ở Hà Tĩnh lên mức báo động 1 đến báo động 2.

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh từ Nghệ An  đến Quảng Nam  và khu vực bắc Tây Nguyên.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương ven biển miền Trung triển khai cho bà con thu hoạch lúa sớm theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra.

Miền Trung gấp rút đón bão

Do thời gian rất gấp, để chủ động đối phó với bão và mưa to đến rất to trên đất liền, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố và các Bộ phải khẩn trương bằng mọi biện pháp trong ngày 25 và 26/9 liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão biết các thông tin để chủ động đối phó; yêu cầu chủ các phương tiện nhanh chóng thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, đặc biệt lưu ý các tàu thuyền đang hoạt động ở vùng Hoàng Sa và ven bờ.

Triển khai các phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ (lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm,...) sẵn sàng đối phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn, sạt lở đất đảm bảo an toàn cho người, tài sản.

Khẩn trương sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào đất liền;

Hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn khi có bão. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

N.Anh