Vượt hơn 100 km theo đường mòn Hồ Chí Minh trong màn mây mù bao phủ, sương giăng kín trên các ngọn đồi, đỉnh đèo, chúng tôi tìm đến đồng bào Rục ở bản Ón (xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình) trên biên giới Việt – Lào để “mục sở thị” loài chuột đá mà các nhà khoa học tưởng rằng nó đã tuyệt chủng từ 11 triệu năm trước.
Bản ăn… thịt chuột
Theo chân một người thanh niên dẫn vào bản, qua trò chuyện biết chúng tôi muốn tìm hiểu về loài chuột đá.
Anh này bảo: “Không biết chuột đá là như răng (ra sao - PV) chứ ở bản này thì có nhiều người đi bẫy chuột lắm. Bẫy được đủ thứ chuột khác nhau”.
Chuột đá được cho là tuyệt chủng 11 triệu năm được phát hiện ở bản Ón. Ảnh: FFI |
Nói rồi anh dẫn tôi vào nhà già làng Cao Xuân Chờn (80 tuổi), người được mệnh danh là “vua” bẫy chuột của bản.
Bên bếp lửa, cụ Chờn kể: “Từ khi mới 9 tuổi tui đã theo cha đi bẫy chuột, ngày đó chuột nhiều lắm. Cứ buổi chiều đi đặt bẫy, sáng ra đã có một giỏ chuột đủ loại mang về làm thịt. Nào là chuột Lồ ô, chuột Cà Nệ Coọng, Cà Nệ Đang, thỉnh thoảng còn gặp Cà Nệ Khụng nữa”.
Khi tôi hỏi trong số các loài chuột đó, loài nào có sự khác biệt nhất, cụ Chờn nói: “Con Cà Nệ Khụng (còn gọi con Ninh Cùng) là khác biệt hơn cả. Chân hắn như chân nhím, đuôi dài hơn một gang tay, xòe ra trông như đuôi sóc, long mượt, đen nhánh rất đẹp. Con cái mình tròn, mập. Con đực thon dài”.
“Loài chuột Cà Nệ Khụng chỉ ăn trái, sống ở hang đá cao, khô. Nó là chúa của khôn. Nếu để nó đánh hơi người thì sẽ khó mà bẫy được. Thịt của hắn mềm, xương mềm, ăn không ngon bằng các loài chuột khác’’.
Anh Cao Xuân Tiến đặt bẫy chuột trên hang đá |
Một ‘‘lão làng’’ trong nghề đánh bẫy chuột còn có ông Cao Xuân Yên. Theo như giới thiệu của anh Trần Xuân Bổ, công an viên của bản: ‘Ông Yên bẫy chuột giỏi lắm, mà chăm vào rừng lắm. Mỗi ngày ông đặt hàng chục chiếc bẫy trên các ngọn núi, hang đá. Trong nhà khi mô cũng có món tươi sống để nhấm với rượu’’.
Anh Bổ nói thêm: ‘‘Cách đây gần một tháng, một anh tên Lương giới thiệu là nhà nghiên cứu động vật tìm đến bản đưa cho tui một tấm hình rồi bảo nó là loài chuột đá đã tuyệt chủng 11 triệu năm.
Anh ấy bảo, nếu thấy có ai bẫy được con chuột giống trong hình thì mua lại giúp rồi gọi cho anh ấy. Tui đã đưa tấm hình đó đến cho mấy người hay đi bẫy chuột xem và dặn bẫy được thì gọi để tui mua cho anh cán bộ đó.
‘‘Vua” bẫy chuột Cao Xuân Chờn (80 tuổi) kể cuộc đời ông đã ăn hàng ngàn con Cà Nệ Khụng |
Sau 2 ngày, ông Cao Xuân Yên đã mang về 3 con chuột giống hệt con vật trong tấm hình hôm trước.
Tui gọi cho anh Lương lên. Anh mừng lắm và khẳng định chắc chắn đó là con chuột đá mà họ các nhà khoa học cho là đã tuyệt chủng 11 triệu năm. Hóa ra đó là con chuột ‘‘Cà Nệ Khụng’’ người trong bản vẫn bẫy và ăn thịt từ lâu nay’’.
Anh Bổ dẫn chúng tôi đến nhà ông Yên, nhưng người vợ cho biết ông ấy đi đánh bẫy 2 ngày chưa về. Thời gian ông sống ngoài rừng nhiều hơn ở nhà.
Lên núi đá... bẫy chuột đá
Ở bản Ón, từ người già cho đến trẻ con đều biết đi bẫy chuột. Những ngày này, đàn ông, trai tráng trong bản đều đi rừng gần hết. Họ đi làm gỗ, bắt cá, bẫy chuột.
Bày tỏ muốn được đi thăm bẫy để biết được cách thức bẫy chuột thế nào, anh Bổ dẫn chúng tôi đến nhà anh Cao Xuân Tiến, một thanh niên có tài bẫy chuột không thua kém gì các bậc tiền bối.
“Siêu” bẫy chuột một thời Cao Xuân Chuyên bị tai nạn gẫy chân trong một lần đi bẫy chuột ở hang đá. |
Anh Tiến nhiệt tình mang theo rựa, dẫn chúng tôi đi thăm những chiếc bẫy mà anh đã đặt trên lèn đá. Phải đi bộ hơn 2 cây số, cuối cùng chúng tôi cũng tận mắt chứng kiến những chiếc bẫy chuột của người Rục đã sát hại bao nhiêu loài chuột từ bao đời nay, trong đó có cả loài chuột đá quý hiếm.
Chiếc bẫy chuột của anh Tiến rất đơn giản. Nó chỉ có mấy cái que nhỏ cắm xuống đất thành một hàng, có trừ một lỗ nhỏ để chuột chui qua. Ở cái cửa đó có một sợi dây thắt. Phía trên sợi dây buộc vào một cái cọc rất căng kéo cho cọc đó uốn cong.
Anh Trần Xuân Bổ, Công an viên bản Ón kể lại ngày mua được 3 con chuột đá của ông Cao Xuân Yên mà các nhà khoa học cho là đã tuyệt chủng 11 triệu năm, một phát hiện gây “sốc” |
Phía trước cửa bẫy, sợi dây được giữ bởi một cái thanh ngang. Khi chuột bò qua cửa đó, sẽ sập xuống, sợi dây đã căng sắn sẽ tự động bị giật lên. Con chuột sẽ bị sợi dây xiết ngang người thế là dính bẫy.
‘‘Tui lúc nhỏ đã theo bố và anh trai đi bẫy chuột khắp rừng. Con Cà Nệ Khụng tui bẫy được nhiều rồi. Hắn to hơn các loài chuột khác, con to nặng khoảng 3- 4 lượng. Thịt hắn chỉ có nấu với riềng, sả như nấu thịt chó là ngon nhất’’, anh Tiến chia sẻ.
Dẫn chúng tôi đi thăm mấy cái bẫy đặt cách nhau chừng 30m dọc theo lèn đá. Tất cả đều chưa có con nào dính bẫy.
Anh Tiến lắc đầu: "Trước đây đi thăm bẫy về không khi mô mà không có chuột mang về làm thịt, uống rượu. Giờ thì ít rồi, ai giỏi bẫy lắm thì thỉnh thoảng cũng chỉ được 5- 7 con thôi’’.
Trên đường đi thăm bẫy về, chúng tôi tình cờ gặp một người đàn ông đang ngồi bên đường. Anh Tiến cho biết đó là anh Cao Xuân Chuyên, một tay siêu hạng trong nghề bắt rắn, bẫy chim, và nhất là bẫy chuột.
Nhưng tiếc là anh đã phải bỏ nghề sau một lần đi thăm bẫy chuột bị sục chân xuống hang đá gãy ngang chân, phải cắt bỏ luôn.
Nghe vậy, tôi liền ghé đến hỏi thăm. ‘’Nghe nói trước đây anh bẫy chuột giỏi lắm. Thế anh đã từng bẫy được con Cà Nệ Khụng chưa?’’, tôi hỏi. ‘‘Ồ, tưởng gì chứ con đó ngày còn đi rừng, tui bẫy được nhiều lắm. Thịt hắn mềm nhũn, không ngon đâu. Nhiều bữa bẫy về ăn không hết tui còn cho mấy đứa em làm uống rượu nữa đó’’, Chuyên đáp lời.
Đưa cái chân bị cụt lên, giọng anh trầm buồn: "Cũng vì ăn của rừng nhiều quá nên tụi bị trời phạt đây. Cái lần đó tui khiếp cả đời luôn’.’
Đã 8 năm nay anh Chuyên không thể đi rừng. Anh chỉ quanh quẩn ở nhà, giỏi lắm thì anh cũng chỉ ra sau nương gần nhà bứt được bó chè, nhặt bó củi giúp vợ.
Nguy cơ biến mất
Loài chuột đá tưởng đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm, được phát hiện còn tồn tại ở bản Ón, xã Thượng Hóa đã khiến giới khoa học, cũng như đông đảo người dân ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, người Rục ở bản Ón vẫn đi đánh bẫy, vẫn ăn thịt, làm mồi nhậu loài chuột đá quý hiếm này như chưa hề hay biết gì.
Chúng tôi đã hỏi một số người hay đi bẫy chuột ở Bản Ón rằng họ có biết con Cà Nệ Khụng chính là loài chuột đá quý hiếm cần bảo vệ không, thì nhiều người lắc đầu.
Trên các ngọn núi đá vôi, người Rục ở bản Ón thường bẫy được chuột đá đã tuyệt chủng 11 triệu năm. |
‘‘Mình không biết hắn quý như răng, chứ lâu ni bẫy được về thì cũng cứ ăn thịt, uống rượu như loài chuột khác rứa thôi. Có nghe trưởng bản, công an viên nhắc nhở đừng bẫy nó nữa’ - anh Cao Xuân Tiến cho biết.
Ông Trần Xuân Tư, trưởng bản Ón cũng thừa nhận: ‘‘Chúng tôi cũng chưa nhận được chỉ đạo, nhắc nhở của cơ quan chức năng, ngành kiểm lâm là cần bảo vệ loài chuột đá đó nên người dân trong bản vẫn đi đánh bẫy như trước, bắt được nó thì vẫn ăn thịt bình thường. Nếu nhận được chỉ đạo cấm bẫy chuột Cà Nệ Khụng đó thì tui sẽ tuyên truyền đến bà con để họ nghiêm chỉnh chấp hành’.’
Rời bản Ón khi trời đã về chiều, sương mù đã giăng trắng trên các ngọn núi, lèn đá, trong đầu chúng tôi vẫn băn khoăn, nếu tình trạng người dân vẫn cứ đi bẫy, ăn thịt loài chuột quý hiếm này một cách vô tư như thế thì chỉ trong nay, mai loài chuột đá tưởng đã tuyệt chủng 11 triệu năm sẽ thật sự biến mất trên trái đất này.
Loài chuột đá được các nhà khoa
học cho là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm có tên khoa học
Laonastes
anigmamuse, người Rục gọi là Cà Nệ Khụng, hay Ninh Cùng.
Đầu tháng 9.2011, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và nhóm chuyên gia điều tra đa dạng sinh học của VN ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuyên bố là đã phát hiện loài này. |
Trần Văn – Duy Tuấn