- Để đến trường học chữ, từ bao đời nay, hàng trăm học sinh dân tộc Mường ở các bản Trô, bản Pắc Nặm, bản Ang chỉ có cách duy nhất là cược tính mạng qua sông trên chiếc bè mảng mong manh.

Qua sông lụy… mảng

Nằm cách trung tâm TP. Thanh Hóa hơn 120km về phía Tây, xã Giao An được coi là địa phương nhiều khó khăn nhất về giao thông của huyện vùng cao Lang Chánh (Thanh Hóa).

Thượng nguồn dòng sông Âm chảy qua, chia tách xã Giao An thành hai phía, tả sông có 3 bản là bản Trô, bản Pắc Nặm và bản Ang, với hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Mường sinh sống.

Dòng nước lũ thượng nguồn sông Âm vốn rất hung dữ, khiến hiểm nguy luôn rình rập trên mỗi buổi đến trường của học sinh bản Mường. Chiếc mảng được ghép tạm bợ từ những cây luồng do dân bản đóng ghóp, trên chiếc mảng ghép tạm bợ không hề có một chiếc phao cứu sinh.
 

Do trung tâm xã nằm bên hữu sông Âm nên người dân 3 bản Mường nói trên chỉ có một cách duy nhất là vượt qua sông mỗi khi muốn sang trung tâm xã. Từ xưa đến nay, phương tiện duy nhất dùng để chuyên chở người và hàng hóa qua bến Bãi Gỗ là một cái mảng được ghép từ cây luồng hay gỗ rừng do bà con trong bản đóng góp.

Vì không có điều kiện làm cột bê tông với ròng rọc dây cáp, bất đắc dĩ dân bản đã tận dụng một sợi dây điện cáp quang do một công ty viễn thông sau khi thi công bỏ sót lại để thay thế dây cáp. Sợi dây to bằng ngón tay được buộc vào hai gốc cây mọc sát bên bờ sông.

Không có điều kiện làm cột bê tông với ròng rọc dây cáp, bất đắc dĩ dân bản đã tận dụng một sợi dây điện cáp quang do một công ty viễn thông bỏ sót lại để thay thế dây cáp... Chiếc dây mong manh có thể đứt phăng bất cứ lúc nào.
 

Người lớn cũng như trẻ nhỏ, ai muốn qua sông đều phải lên chiếc mảng ấy rồi căng sức kéo dây vượt qua dòng nước chảy xiết.

Từ nhiều năm nay, hàng trăm học sinh trường THCS Giao An đều phải qua sông đi học như thế.

Vì không thể đưa xe đạp qua sông nên các em chỉ có cách đi bộ đến trường, có em nhà xa phải đi bộ cả 4 - 5km đường rừng. Những ngày đi học, các em phải rời nhà từ tờ mờ sáng mới kịp giờ lên lớp.

Khi ra đến bờ sông, từng tốp từ 8 đến 10 em làm thành một nhóm leo lên chiếc mảng, hò nhau lấy đà để kéo bè. Các anh chị lớn có sức khỏe sẽ đứng ra kéo, còn các em học sinh nhỏ đứng nép vào giữa chờ anh chị kéo qua sông.

Qua được bờ sông bên kia cũng là lúc hai lòng bàn tay các em bỏng rát, cũng có em áo quần ướt sũng, mặt mũi lấm lem...

Bề mặt sông Âm mùa nước lũ rộng chừng hơn 100 mét, nếu là sức người lớn thì chỉ mất khoảng 10 - 15 phút là qua được bờ sông bên kia, nhưng sức các cháu học sinh thì phải mất chừng 20 - 30 phút mới sang sông được.

"Vào mùa lũ, tụi em phải nghỉ học dài ngày vì nước thượng nguồn sông Âm vốn chảy xiết, không thể qua được”, em Nguyễn Thị Hân, học sinh lớp 8, trường THCS Giao An nói.

Thực tế đã có lần sợi dây bị đứt, học sinh lại phải bơi qua sông để kịp giờ lên lớp
 

Em Phạm Văn Quang, học sinh lớp 8 trường THCS Giao An vẫn nhớ như in ngày tập bơi để đến trường đi học: “Ngày đầu đi học, mấy đứa bạn dẫn em ra bờ sông nói muốn đi học thì phải biết bơi qua bên kia sông. Em thích đi học nhưng nhìn nước chảy mạnh quá nên cứ bước xuống lại nhảy lên bờ.

Mấy bạn vừa bơi vừa kéo em qua, bì bõm mãi rồi cũng học bơi thành công. Cũng may là biết bơi chứ nếu không chúng em đã nhiều phen bị nước lũ cuốn trôi rồi”.

“Mỗi khi mùa nước lũ về, chúng em lại lo phải nghỉ học dài ngày vì nước sông dâng cao, chảy rất xiết có khi còn bị lật bè, không thể sang sông được. Biết là rất nguy hiểm, nhưng chúng em vẫn muốn được đến trường để học chữ. Cứ vào mùa mưa lũ là chúng em phải nghỉ học cả tuần”, Quang chia sẻ thêm.

Mong manh tính mạng học trò

“Người ở bản chưa ai gặp nạn ở đoạn sông này nhưng hiểm nguy có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Mỗi ngày các cháu đến trường là một ngày mẹ cha thấp thỏm, lo lắng nhưng cũng không còn cách nào khác bởi còn phải bươn bả với cuộc mưu sinh, sao có thể ngày mấy buổi đưa con qua sông được.

Bà con ai cũng muốn có được một cây cầu để cho tụi nhỏ đi học, người lớn đi làm mà mong hoài chưa được”, một người dân bản Trô tâm sự.

Chỉ khi nào qua được bờ sông bên kia, các trò mới thở phào nhẹ nhõm
 

Hiệu phó trường THCS Giao An - thầy Nguyễn Văn Hà cho biết, hiện tại trường có tổng số 119 học sinh, trong đó có tới 58 em hàng ngày phải qua sông Âm.

Vào mùa lũ, hầu như học sinh đều phải nghỉ rất nhiều buổi học, có đợt nghỉ đến cả 2 - 3 tuần liền. Hôm nào trời không mưa thì học sinh đến lớp còn đầy đủ chứ hễ có mưa, nước sông dâng cao là lượng học sinh đếp lớp lại giảm sút rõ rệt. .

“Hơn mười năm gắn bó với học trò vùng cao, mình thương học trò lắm. Nhiều hôm nhìn cảnh học trò đến lớp với bộ quần áo và cặp sách ướt sũng, các thầy cô chỉ biết ứa nước mắt.

Ở đây mưa rừng dữ lắm, chỉ cần 2 tiếng đồng hồ mưa lớn là nước trên các sườn núi ào ào đổ xuống. Có hôm, mưa lớn các em không thể trở về nhà sau buổi học, đành tá túc lại với thầy cô chờ nước rút”.

Vì chiếc mảng chỉ chở được rất ít người nên việc học sinh chậm giờ đến trường là chuyện thường.

 

Cũng theo thầy Hà, những ngày học 2 buổi, hoặc khi nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, học trò ở các bản Trô, Ang và Pắc Nặm phải chuẩn bị sẵn đùm cơm nắm lá cọ với cá khô để ở lại lớp, vì qua sông sẽ không kịp giờ học.

Đã có nhiều cháu vì điều kiện đi lại khó khăn, nguy hiểm nên bố mẹ đã bắt phải thôi học.

Nguy cơ mất an toàn luôn rình rập trên những chuyến bè mảng qua sông Âm mỗi ngày. Trên bè không hề có một chiếc áo phao hay phao cứu sinh nào. Vô vàn lí do có thể khiến tai nạn xảy ra trên những chuyến qua sông này.

Ông Lê Hồng Chuyên, Bí thư Đảng ủy xã Giao An cho biết, thực tế tai nạn đã xảy ra, cách đây ít ngày, mưa lớn, lũ về, một tốp học sinh đang trên đường về nhà sau giờ tan lớp, khi bè đi đến giữa dòng, bất ngờ sợi dây điện (được dùng làm dây cáp) bị đứt.

Cả nhóm học sinh chới với giữa dòng nước lũ, may mắn là các em đều biết bơi nên không có tai nạn đáng tiếc nào.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, bắt buộc phải gắn cuộc sống mưu sinh, sinh hoạt hằng ngày của mình với những chuyến bè ấy. Người dân trong 3 làng tả sông Âm đã từng nhiều lần làm cầu tạm bằng luồng bắc qua khúc sông này, nhưng chỉ cần một trận mưa lớn là cầu lại bị nước lũ cuốn phăng đi mất. Một cây cầu kiên cố vẫn là ước mơ của người dân xã Giao An và bà con trong vùng”, ông Chuyên tâm sự.

Thanh Lê – Duy Tuấn