- Chiếc xe khách Tân An - Mộc Hóa vừa dừng lại, đứa bé gái trạc 12 -13 tuổi, nước da đen nhẻm địu một bé khác chừng 2 tuổi nhanh như sóc vọt lên trước tiên. Đến từng hàng ghế, không nói một lời bé gái chìa cái ca uống nước ra trước mặt khách xin tiền.
 
Điều lạ trong quán cà phê
 
Chúng tôi có mặt tại quán cà phê góc ngã tư Lộ Mới (P.6, TP.Tân An, Long An) trên quốc lộ 62.

Quán không đông nhưng có lẽ không bao giờ vắng vì đây là nơi dừng chân chờ xe tiếp tục hành trình. 

Sát lề, nhiều quầy hàng, xe đẩy đông người. Người bán hàng, người bán vé số dạo và khoảng 10 đứa trẻ chạy tung tăng tạo nên một hoạt cảnh sinh động.

Cái bang bủa vây...

Nhìn kỹ những đứa trẻ đang tung tăng đó, có 3 bé gái ở độ tuổi từ 10 - 15 bế theo 3 đứa nhỏ khoảng 1- 2 tuổi.

Những đứa trẻ này nước da ngăm đen, ăn mặc rách rưới lôi thôi. Mặt mũi lem luốc, tay chân đầy cáu bẩn, đứa có dép đứa không nhưng tất cả đều quàng trên vai chiếc túi nhỏ, tay cầm ca uống nước.

Chưa có chiếc xe khách nào ghé vào, chúng đùa giỡn vui chơi một cách hồn nhiên.

Bỗng, một đứa trẻ trong nhóm hô lên một tràng bằng ngôn ngữ lạ lẫm, cả bọn đứng bật dậy. Một chiếc xe khách tuyến TP.HCM - Mộc Hoá vừa qua ngã tư đang tấp vào lề.

Thường thì người lớn bồng một trẻ nhỏ để người qua đường dễ xúc động

Xe chưa kịp dừng, khách chưa xuống và lên, bọn trẻ đã có mặt tại hai cửa. Cửa mở, hai đứa bé gái địu theo 2 bé nhỏ phóng nhanh lên xe. Khách lên và xuống cũng mặc, chúng đi đến từng hàng ghế chìa ca trước mặt từng người.

Một số khách nhìn thấy ái ngại móc tiền bỏ vào ca. Ở dưới đất, số trẻ còn lại chặn từng người khách lên, khách xuống xin tiền bằng cách biểu hiện cử chỉ. Chúng không nói một lời...

Xe chạy. Chúng trở lại với sinh hoạt cũ. Điệp khúc này tái diễn mỗi khi có xe ghé vào. Chỉ cần nhìn nét mặt chúng cũng đoán được số khách trên xe. Khách đông chúng hớn hở vui mừng nhưng sẽ đượm buồn khi chuyến xe ế khách.

Sau gần một giờ ngồi quan sát, chúng tôi ghi nhận dường như chúng đều có một cử chỉ rập khuôn một cách thuần thục và nhuần nhuyễn. Du khách có cho tiền hay không chúng cũng không có phản ứng. Có điều ai cho, chúng chắp tay cúi đầu như biểu lộ một lời tri ân.

Tuổi thơ đã sớm vào đời

Một người khách thường xuyên ngồi ở quán này nói với chúng tôi, đó là những đứa trẻ người Campuchia vượt sang vào để xin ăn.

Mấy năm trước, chúng đi thẳng về Sài Gòn nhưng dạo này trên đó “quần” quá, bị 'hốt' nhiều nên tấp vào Tân An.

Ở quán này, hàng ngày có khoảng 60 đứa trẻ như thế nhưng hôm nay chỉ còn khoảng gần 20 đứa.

Anh này còn nói thếm, cách nay 10 hôm, có mấy thanh niên chừng 20 tuổi đến tụ tập chúng lại phân công đứa về đứa ở. Những đứa về mừng rơn vỗ tay reo mừng và dĩ nhiên những đứa ở lại buồn bã vô cùng.

Những thanh niên này đón một chuyến xe về cửa khẩu Vĩnh Hưng cho bọn nhỏ về quê đón tết Oóc Om Bóc.

Vi khách giải thích cho chúng tôi, người Khmer có 3 lễ tết chính trong năm gồm Chôl-Chnăm-Thmây là Tết mừng năm mới diễn ra vào tháng 4, Đôn Ta lễ hội nhớ ơn cha mẹ và xá tội vong nhân tương tự như Vu Lan vào tháng 7 và Oóc Om Bóc vào tháng 8 giống như tết Trung thu. Bọn trẻ được cho về quê lần này là để dự Đôn ta và Oóc Om Bóc.

Bọn trẻ được huấn luyện rất kỹ càng


Theo nhận xét của ông khách, bọn trẻ dường như được huấn luyện kỹ càng. Chúng không quậy phá, không hỗn láo và nhất là không phản ứng bất cứ một sự cố nào xảy ra.

Điều này được minh chứng khi chúng tôi đưa máy ghi hình, chúng phát hiện tản mỏng ra hoặc nếu không thể chạy được chúng lấy áo che mặt. Chỉ thế thôi, chúng không nói một lời nào để biểu lộ sự không đồng ý.

Chiều, trước khi về đến điểm tập kết là bên bờ kè kênh Bảo Định phía sau chợ Tân An, chúng giao nộp tất cả tiền xin được trong ngày cho một phụ nữ.

Trần Chánh Nghĩa

(Còn nữa)