- Một trong những điểm
mới được bổ sung của Bộ luật Lao động sửa đổi là khi thuê người giúp việc gia
đình (GVGĐ, người dân còn gọi là ô sin), người thuê phải ký hợp đồng lao động và thực hiện những quyền lợi
cho lao động theo quy định. Tuy nhiên, do GVGĐ là công việc đặc thù nên để thực
hiện được thì vẫn còn nhiều băn khoăn…
Công việc đặc thù dễ bị lạm dụng
Sau 2 tháng rời quê ra Hà Nội làm giúp việc cho một gia đình có 3 thế hệ với mức
lương 1,8 triệu đồng/tháng, chị Lê Thị Sen (huyện Nông Cống, Thanh Hoá) phải trở
về quê với thân hình gầy gò, ốm yếu.
“Tôi phải làm quần quật suốt ngày, từ việc trông trẻ, nấu ăn, giặt quần áo cho
đến việc chăm sóc người già ốm khiến tôi không lúc nào có thời gian được nghỉ
ngơi. Thậm chí, nửa đêm cháu bé đi vệ sinh vợ chồng trẻ cũng gọi tôi dậy.
Nhiều hôm trong người thấy mệt,
tôi xin nghỉ một hai hôm thì bị nhà chủ mắng mỏ và dọa trừ lương. Không chịu
được nên tôi quyết định về quê sau 2 tháng làm việc cực nhọc”, chị Sen nói.
Xu hướng hiện nay, nhu cầu thuê GVGĐ ngày càng tăng nhưng vấn đề coi GVGĐ là một nghề vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều - Ảnh minh hoạ |
Cũng như chị Sen, chị Nguyễn Thị Duyên, ở Thanh Liêm (Hà Nam) cũng lên Hà Nội
làm người giúp việc cho một cặp vợ chồng trẻ ở khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội)
chưa đầy một tháng đã phải xin nghỉ về quê.
Chị Duyên cho biết, ngoài phải làm tất cả các công việc trong gia đình hàng
ngày, chị thường xuyên bị vợ chống trẻ này chửi mắng bằng những lời lẽ không
hay.
“Cũng là con người với nhau, dù
đi làm kiếm tiền thật, nhưng cứ thỉnh thoảng có việc gì không vừa ý là lại chửi
mắng không ra gì nên tôi không thể ở lại làm đươc”, chị Duyên nói.
Đấy là từ phía người GVGĐ, còn ngay những người cần thuê cũng có nhiều phàn nàn
về sự thiếu chuyên nghiệp từ những người giúp việc.
Anh Lê Ngọc Tú (khu đô thị Việt Hưng) phàn nàn: trong vòng 3 tháng, anh đã thuê 4 người giúp việc nhưng không có người nào ở quá được 1 tháng. Người ít thì ở được 5 đến 7 hôm, người nào lâu nhất cũng được 3 tuần là xin về quê rồi mất hút luôn, đó là chưa kể có người còn có tính tắt mắt…
Thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) cho thấy, hiện có khoảng 60% người GVGĐ trông coi trẻ em hàng ngày, khoảng 20% chăm sóc người già và 20% chỉ làm các công việc nội trợ.
Xu hướng hiện nay, nhu cầu thuê GVGĐ ngày càng tăng nhưng vấn đề coi GVGĐ là một nghề vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Chính sự thiếu chuyên nghiệp của những người làm nghề GVGĐ, tính chất đặc thù khó kiểm soát của công việc này đã đặt ra vấn đề cấp bách cần có sự ràng buộc về mặt pháp lý.
GVGĐ sẽ được đóng BHXH
Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động lần cuối đã hoàn chỉnh và sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10 tới để xin ý kiến.
Theo ông San, sang kỳ họp năm
sau, nếu không phải sửa đổi gì thì trình Quốc hội xét duyệt thông qua. Sau đó,
các vấn đề liên quan sẽ có các nghị định quy định cụ thể.
Trong Dự thảo Bô luật lần này, sẽ hướng tới quy định về hợp đồng bằng văn bản
đối với những công việc mang tính chất dài hạn. Hợp đồng sẽ quy định về thời giờ
làm việc. Người thuê lao động GVGĐ phải dành cho người GVGĐ thời gian nghỉ phép,
có ngày nghỉ.
Sẽ có các quy định về tiền lương,
điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm thêm
giờ, quy định về cho thôi việc, trả trợ cấp thôi việc… Trong trường hợp người
GVGĐ có nhu cầu đi học, chủ sử dụng phải tạo điều kiện...
Theo Dự thảo Bộ luật Lao động, chủ sử dụng thuê người GVGĐ ổn định lâu dài sẽ
phải ký hợp đồng lao động, trong đó có điều khoản về lương tối thiểu, thời giờ
làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, điều kiện lao động, các
chế độ khác cho người lao động như Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm
thất nghiệp…
Khi xảy ra tranh chấp, nếu là vấn đề tranh chấp lao động, thì ra toà án lao
động, tranh chấp dân sự thì ra toà dân sự.
Với những quy định này, GVGĐ sẽ được xã hội nhìn nhận ở mức độ cao hơn, coi như một nghề lao động và sẽ được chủ sử dụng trả công xứng đáng hơn. Còn với bản thân người giúp việc cũng phải nâng cao dần nghiệp vụ, tư cách và trách nhiệm khi làm GVGĐ, trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, không được tự ý nghỉ việc.
Ông San cũng cho biết thêm: Quy
định về lao động giúp việc đã được quy định trong Bộ Luật lao động cũ. Tuy
nhiên, do sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng lao động giúp việc ngày
một cao cho nên trong dự thảo sửa đổi Bộ Luật lao động lần này có bổ sung cụ thể
hóa hơn.
“Việc chủ sử dụng và người giúp việc phải ký hợp đồng lao động là một trong
những nội dung quan trọng. Hợp đồng là văn bản quy định quyền, nghĩa vụ, trách
nhiệm của mỗi bên. Mục đích cuối cùng là nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của
các bên liên quan", ông San nói.
Gia Văn
(còn nữa)