- Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh An Giang cho biết: Trong đêm 28 rạng sáng ngày 29/9, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra 4 vụ vỡ bờ bao ngăn lũ, gây thiệt hại hơn 1700 ha lúa vụ 3 và hoa màu ở huyện Tịnh Biên và Châu Phú.

Lũ dâng cao, vỡ đê hoàng loạt
Theo dự báo, đến đầu tháng 10 sẽ xuất hiện đỉnh lũ. Tuy nhiên, ngày 28/9, nước lũ dâng cao đã khiến nhiều tuyến đê tại Đồng bằng sông Cửu Long bị vỡ.
 
Lũ cuốn trôi đường, 700 người bị chia cắt
Mưa lũ mấy ngày qua đã khiến nhiều địa bàn tại các tỉnh miền Trung bị ngập lụt, chia cắt. Trong khi đó, theo dự báo, bão số 4 đang hướng thẳng vào miền Trung và sẽ còn có mưa to.


An Giang: Đóng đập kiểm soát lũ

Tại huyện Châu Phú, ông Võ Thanh Tráng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, vào khoảng 21 giờ, một đoạn đê bao ven kênh quốc gia thuộc địa phận ấp Bình Chiến xã Bình Long bị nước lũ tràn vào nhấn chìm 110 ha lúa.

Tiếp đó, vào khoảng 23 giờ một đoạn tuyến đê bao kênh Ranh, ven rạch ông Quít, giáp huyện Châu Thành thuộc ấp Bình Hưng 2 xã Bình Mỹ bị vỡ, gây thiệt hại hơn 440 ha lúa vụ thu đông trong tiểu vùng.



 

Hơn một tiếng sau đó, tức vào khoảng 1 giờ 30 phút rạng sáng ngày 29/9, tuyến kênh 11 và 13 thuộc địa phận ấp Long Châu xã Thạnh Mỹ Tây đã bị nước lũ phá vỡ nhấn chìm bên trong 630 ha lúa vụ thu đông.

Về những khó khăn mà huyện Châu Phú đang gặp phải trong công tác phòng chống lũ hiện nay, ông Võ Thanh Tráng cho biết: "Sự khác thường so với các năm trước ở chỗ nước lên đến đỉnh lũ như hiện nay là từ 15/9 đến bây giờ nên lực lượng anh em tại các địa phương phải túc trực rất cực, thậm chí ngồi đâu ngủ đó cho nên việc vỡ đê ở Châu Phú xảy ra vào ban đêm. Thứ hai, trong thời điểm này, thời điểm mà lũ đã dâng cao cộng với trời mưa đêm và triều cường lên nên rất khó".



 

Tại huyện Tịnh Biên, vào khoảng 0 giờ 30 phút ngày 29/9, tuyến đê bao thuộc ấp Vĩnh Hạ xã Vĩnh Trung đã bị nước lũ phá vỡ một đoạn dài hơn 10 mét.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Anh Kiệt đã có mặt kịp thời ngay trong đêm để chỉ đạo công tác khắc phục vỡ đê.

Tuy áp lực nước rất lớn nhưng nhờ sự tập trung cao độ của các lực lượng, nhất là sự có mặt kịp thời của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Đại đội bộ binh huyện Tịnh Biên, công tác khắc phục ngăn dòng chảy được tiến hành liên tục từ suốt đêm đến sáng nay đã tạm ổn, hơn 563 ha lúa vụ ba bên trong không bị ảnh hưởng nhiều.



 
 

Như vậy, tính chung trong 3 ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ sạt lở đê bao tại các huyện Tri Tôn, An Phú, Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành và thành phố Long Xuyên.

Tính chung toàn tỉnh, từ đầu mùa lũ đến nay, lũ đã gây thiệt hại trên 4.500 ha lúa vụ 3.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, sáng 29/9, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh đã trực tiếp thị sát tình hình lũ tại các nơi xung yếu trên toàn tỉnh và quyết định tạm đóng ngay 2 đập kiểm soát lũ Tha La và Trà Sư để giảm áp lực nước từ thượng nguồn đổ vào vùng Tứ Giác Long Xuyên.

Trước mắt, với diện tích lúa vụ 3 đã bị chìm trong lũ, ông Thạnh yêu cầu các địa phương tổ chức họp dân lấy ý kiến xác định mức độ thiệt hại để bơm nước chống úng trong điều kiện có thể thu hoạch được.

Đồng Tháp: Gần bằng đỉnh lũ năm 2000

Thông tin từ ngành Giáo dục đào tạo Đồng Tháp, tính đến ngày 29/9 đã có 87 điểm trường phải nghỉ học trong đó có 474 lớp với 11.705 học sinh các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Hiện nay, tại Đồng Tháp, triều cường kết hợp lũ thượng nguồn đổ về gây ngập cục bộ, phá vỡ nhiều đoạn bờ bao gây ngập ruộng lúa, vườn cây ăn trái, ao nuôi thủy sản.

Chiến sĩ công an tham gia gia cố dê bao cứu lúa cho dân

Riêng huyện Châu Thành có 300 ha nhãn bị ngập có nguy cơ hư hại nghiêm trọng. 68km đường giao thông trong huyện này bị ngập nặng. Ở một số tuyến tỉnh lộ 842, 843, 848 bị nước tràn qua làm sạt lở nhiều đoạn gây gián đoạn giao thông.

Tính đến thời điểm này, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

Trước mắt, tỉnh Đồng Tháp chi 6 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí thực hiện di dời dân, gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông chưa thu hoạch tại các huyện, thị đầu nguồn.

Thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng mỗi nơi được hỗ trợ 2 tỷ đồng, huyện Hồng Ngự và huyện Thanh Bình được hỗ trợ 1 tỷ đồng mỗi huyện.

Hiện mực nước tại các huyện đầu nguồn tiếp tục lên nhanh vượt mức báo động 3 từ 0,17 – 0,32m và nhiều đoạn đê bao đang bị sạt lở mái, nước rò rỉ qua thân đê, cống. Mức nước lũ tại Đồng Tháp thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 là 0,29m.

Chiến sĩ Nguyễn Thành Trung tại bệnh viện

Sáng 29/9, đại tá Nguyễn Hân Hoan, Trưởng phòng công tác chính trị và công tác quần chúng Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, một chiến sĩ công an thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ bị thương trong lúc cùng 50 đồng đội tham gia gia cố đê bao bảo vệ lúc vụ 3 tại xã Thông Bình H. Tân Hồng.

Đó là chiến sĩ Nguyễn Thành Trung. Anh bị cây ngã đè gãy chân trái đã được chuyển Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp cấp cứu.

Được biết, Công an Đồng Tháp đã điều động hơn 500 cán bộ chiến sĩ đến các huyện bị ngập cùng với lực lượng địa phương tham gia gia cố đê bao bảo vệ tính mạng tài sản người dân.

Lũ sông Mê Kông tại Căm Pu Chia đã đạt đỉnh và đang xuống chậm; vùng đầu nguồn sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang lên; vùng cuối nguồn đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Lũ trên sông Cửu Long tại các trạm đều vượt báo động 3 và vượt đỉnh lũ lịch sử các năm trước đây.

Dự báo trong 2 – 4 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) sẽ lần lượt đạt đỉnh; sau đó xuống chậm.

Đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,9m, cao hơn BĐ3: 0,4m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,3m, cao hơn BĐ3: 0,3m; sau đó xuống chậm, nhưng còn duy trì trên BĐ3 đến giữa tháng 10. Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động phòng chống lũ lớn , ngập sâu ở vùng đầu nguồn và Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên.

(Cẩm Quyên)

Trần Chánh Nghĩa - Mai Hữu