- Lúc 17h30 ngày 30/9, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW đã phát đi bản tin đầu tiên về cơn bão Nalgae. Dự báo đến chiều tối ngày mai (1/10), cơn bão này sẽ đi vào biển Đông (cơn bão số 6) và mạnh cấp 13, 14, giật cấp 15, 16.
Trong khi đó, ngoài khơi phía đông của Philippines lại vừa xuất hiện một áp thấp nhiệt đới nữa (mang tên Ramo) có hướng di chuyển gần giống bão Nalgae và sẽ vào đất liền trong vài ngày tới.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW biết: Hồi 16 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 126,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều mai (1/10) vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. |
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 16 giờ ngày 01/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Tây đảo Lu - Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km.
Như vậy, khoảng chiều tối và đêm 1/10, bão sẽ đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông.
Đến 16 giờ ngày 2/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp14, cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều mai (1/10) vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Trước việc các cơn bão mạnh liên tiếp xuất hiện với mật độ dày đặc như ở thời điểm này, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc TT dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết: "Bão ở Thái Bình Dương hình thành do các dải hội tụ nhiệt đới. Có thể trong thời điểm tháng 9 này, các dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh nên sinh ra nhiều bão".
Ông Hải cũng cho biết, chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy biến đổi khí hậu khiến số lượng các cơn bão tăng lên nhưng làm gia tăng số lượng các cơn bão mạnh.
Ngọc Anh