- Đúng như dự báo, chiều nay, bão Nalgae đã vượt qua đảo Lu-dông (Philippines), đi vào khu vực biển Đông và trở thành cơn bão thứ 6 hoạt động trên khu vực biển Đông.
Bão di chuyển nhanh trong biển Đông
Hồi 16 giờ ngày 1/10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 120,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Bão Nalgae đã vào biển Đông, mạnh cấp 12, 13, giật cấp 14, 15,
chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa 370km và khoảng ngày 4-5/10 sẽ ảnh hưởng đến đất
liền (Ảnh: NCHMF)
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km.
Đến 16 giờ ngày 2/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.
Đến 16 giờ ngày 3/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp14, cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 5 để đối phó bão số 6
Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng. Để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương – Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện đến Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu các tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, yêu cầu các tỉnh thành này gấp rút triển khai biện pháp phòng chống bão số 6.
Theo đó các tỉnh thành này cần kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi; thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh; không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; các tàu thuyền đánh bắt xa bờ biết thông tin về bão để chủ động kế hoạch ra khơi. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng phía Bắc Vĩ tuyến 14.
Các địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng của bão số 5 cần chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 5 và triển khai các phương án sẵn sàng đối phó với tình huống bão số 6 đổ bộ vào nước ta.
Ngoài ra, cần kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sống ở những vùng thấp, trũng ven biển, ven sông suối; vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án di dời đề phòng nước dâng do bão và ngập lụt do mưa lớn gây lũ.
Lũ đặc biệt lớn trên sông Cửu Long Trung
tâm dự báo Khí tượng thủy văn TW cho biết lũ vùng đầu nguồn sông Cửu
Long, Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang dao động ở
mức đỉnh và ở mức lũ đặc biệt lớn, một số nơi đã vượt đỉnh lũ lịch sử. Dự
báo trong 1-2 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn nguồn sông Cửu Long, Đồng
Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên tiếp tục dao động ở mức đỉnh sau đó
xuống dần nhưng vẫn ở mức rất cao. Đến
ngày 05/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 4,8m (trên
BĐ3: 0,3m), tại Châu Đốc xuống mức 4,2m (trên BĐ3: 0,2m), các trạm chính
vùng ĐTM&TGLX ở mức BĐ2-BĐ3, trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa ở mức
2,4m (BĐ3). Cần chủ động phòng chống lũ đặc biệt lớn, ngập sâu ở vùng đầu nguồn và Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên.
Ngọc Anh