- Với những cứ liệu lịch sử qua nghiên cứu khảo cổ của các nhà khảo cổ học người Pháp đầu thế kỷ 20 đã khẳng định, Khu phật viện Đồng Dương chỉ là một kiến trúc Chăm Pa làm nơi thờ cúng.

Rêu phong tháp cổ

Những ngày còn bé, tôi cùng đám bạn học kéo nhau lên khu tháp cổ để hái sim và chơi trốn tìm. Thời của những năm 70 của thế kỷ trước, Phật viện Đồng Dương là khu rừng bí ẩn với lũ trẻ chúng tôi. Nhưng với người lớn thì khu tháp cổ là nơi mưu sinh từ rà tìm phế liệu chiến tranh đến việc đào vàng, tìm gạch xây nhà.

Trong tâm trí trẻ con chúng tôi thời đó, Phật viện Đồng Dương ngoài những bức tượng đã rêu phong không dám đụng đến là những bức tường gạch ẩn mình dưới rặng cây cần phải tránh xa. Chỉ có vùng đồi rộng lớn với cơ man nào là sim bầu, chà là chín mọng luôn mời gọi là có quyền hái ăn nhưng không được mang về nhà.

Làng Đồng Dương, nơi tồn tại di tích Phật viện với nhiều huyền thoại

Đó là luật bất thành văn của cha mẹ khi những đứa trẻ nếu trót tìm đến vùng tháp cổ. Với chúng tôi, mỗi lần lén tìm đến, ngoài ăn no sim bầu, chà là chín mọng đen rủ nơi gốc vẫn nhớ là không hái mang về nhà. Nếu mang về là bị cha mẹ đánh đòn ngay, vì lo sợ ma theo về nhà.

Trong tâm trí non nớt của mình, mãi đến bây giờ câu chuyện những bóng ma nơi tháp cổ Đồng Dương vào những đêm đen vẫn còn là nỗi ám ảnh. Những câu chuyện của người già trong làng khiến khu tháp cổ Đồng Dương đối với chúng tôi càng thêm kỳ bí hoang đường.

Ông Trà Tấn Đường, người làng Đồng Dương đã từng kể cho tôi nghe nhiều chuyện hoang đường về những bóng ma. Ngày đó ông là người già nhất làng còn nhớ chuyện về khu tháp cổ và những chuyện bí mật mà chỉ có ông mới hiểu tận tường.

Một góc khu tháp của Phật viện Đồng Dương nằm chìm giữa rừng cây keo

Ông Nguyễn Quang Mới, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Định (cũ) những năm sau giải phóng nhớ lại trận chiến đẫm máu tại làng Đồng Dương giữa ta và địch vào tháng 12-1965.

Đó là chuyện hai bên dàn binh chuẩn bị đánh nhau để chiếm khu tháp cổ Đồng Dương, lực lượng quân giải phóng đào hầm nguỵ trang ẩn nấp chờ lệnh khai hoả. Nhưng không may bọn thám báo phát hiện và cắt đường dây điện báo từ sở chỉ huy kết nối với lực lượng chiến đấu tiền phương đặt tại khu vực ao Vuông cách tháp cổ khoảng 500 m đường chim bay.

Khu tháp sáng của Phật viện đang được chống chằng sơ sài và có nguy cơ đổ sập

Không nhận được lệnh khai hoả đánh đoàn xe tăng của địch vì đường dây bị cắt, lực lượng bộ đội nằm yên dưới hầm chờ lệnh.

Lúc đó xe tăng Mỹ bắt đầu càn nát khu vực bộ đội ẩn nấp. Vì biết trước nơi phục kích, nên quân Mỹ đã cho xe tăng càn nát cả khu vực, và cả một trung đội của ta đã hy sinh.

Nhiều trận đánh kinh hoàng giữa quân giải phóng và quân Mỹ vào khu tháp cổ Đồng Dương đã khiến nơi này thành bãi chiến trường suốt nhiều năm với bom, pháo đã biến khu tháp cổ thành bình địa.

Cuộc tìm kiếm kho vàng Hời

Đối với trẻ con, khu tháp cổ Phật viện Đồng Dương mãi mãi là những bí ẩn và 'nỗi kinh hoàng'.

Trụ đá còn sót lại nơi tháp Sáng của Phật viện Đồng Dương

Câu hỏi và những giả thiết được đặt ra đối với những kẻ khát thèm kho báu cứ thế được đồn thổi. Những năm sau giải phóng, vào đêm tối, trong khu tháp cổ thoắt ẩn thoắt hiện những bóng người từ nhiều nơi đổ về đào bới, và câu chuyện ma luôn được đồn thổi để người chung quanh run sợ không dám đến nơi này giúp những kẻ săn tìm kho báu yên tâm đào bới.

Cuộc tìm kiếm cứ thế tiếp diễn suốt mấy chục năm sau giải phóng, người dân nghèo quanh tháp mang họ Trà thì vô tư lên tháp cổ đào gạch đưa về xây nhà.

Việc đào gạch chỉ là cái cớ, bởi cái điều người ta thi nhau đào bới trong khu Phật viện Đồng Dương với mục đích tìm kiếm khó báu vàng và những cổ vật.

Nhiều tảng đá nằm chìm dưới cây rừng bị đất đá vùi lấp do nạn đào tìm cổ vật và săn tìm vàng

Rồi công cuộc dựng xây của thời đổi công vào Hợp tác xã, nhiều công trình dân sinh, trụ sở hợp tác xã thời đó cũng được địa phương huy động sức dân lên tháp cổ lấy gạch về xây dựng. Tháp cổ ngày càng lụi tàn bởi chiến tranh và bàn tay tàn phá của con người với lòng tham đi tìm kho báu.

Ông Trà Tấn Dự, một cư dân ở làng Đồng Dương kể lại rằng, ngày còn nhỏ ông lên tháp cổ để chơi, tháp vẫn còn một phần nguyên vẹn, mặc dù bị bom đạn chiến tranh tàn phá. Sau giải phóng, người dân trong làng lên đào lấy gạch về xây nhà.

Chuyện đào gạch từ tháp cổ về xây nhà thời sau giải phóng được lưu truyền là chỉ có con cháu mang họ Trà mới sử dụng được gạch Chăm lấy nơi tháp cổ và không được mang đi nơi khác. Nếu không phải là con cháu họ Trà, mà lấy gạch Chăm nơi tháp về xây nhà thì bị đau ốm. Chính vì vậy người dân ngoài họ Trà không ai dám đến lấy gạch.

Nhưng sau đó chính quyền địa phương lấy gạch về xây dựng trường học, hợp tác xã. Rồi nhiều người không mang họ Trà vẫn vô tư lên tháp cổ đào bới chẳng thấy ai đau ốm. Thế là người dân ùn ùn kéo nhau về tháp cổ đào bới tìm gạch và tìm cổ vật, săn vàng.

Gạch Chăm nơi tháp cổ được người dân đào đưa về xây lò nấu đường

Đỉnh điểm của cuộc đào bới băm nát tháp cổ diễn ra vào năm 1978, khi một nhóm người đào bới trong khu tháp đã phát hiện một tượng đồng. Chính quyền địa phương lập tức lên tịch thu. Nhưng chuyện đồn thổi lan nhanh rằng họ đã đào được tượng đồng đen giá trị quí hơn vàng.

Hai quả lựu trên hai bàn tay của bức tượng được người đào bới thu giữ. May nhờ công an xã đến tịch thu và cất giữ tại xã đến nay như một báu vật.

Tin đồn ngày càng lan nhanh đã khiến nhiều tốp người từ các nơi đổ về lén lút đào bới kiếm tìm nơi tháp cổ vào ban đêm. Thời đó, chính quyền địa phương chỉ lo chuyện bảo vệ an ninh trật tự và lo cái ăn, chẳng ai quan tâm đến chuyện đào bới nơi tháp cổ.

Vì vậy, cuộc kiếm tìm đồ cổ, kho báu vàng cứ thế tiếp diễn hết năm này qua năm khác. Khi cả khu tháp cổ gần như bị xoá sổ, những người tìm kiếm bắt đầu mở rộng công cuộc săn tìm ra khu vực xung quanh tháp trong bán kính khoảng 1 km đường chim bay.

Những năm 80 của thế kỷ trước, những người tìm vàng đã phát hiện nhiều bãi vàng dọc sông Ly Ly, suối Ruột Gà. Đặc biệt là bãi vàng trên đỉnh núi Ngang. Những người tìm vàng đã đào đãi và tìm thấy những hạt vàng, đồ trang sức của người xưa.

Ông Trần Hoàng, một thợ kim hoàn nổi tiếng tại Thăng Bình đã từng có một thời thu mua vàng cho biết tuổi vàng này rất thấp, nên giá trị không cao.

Vũ Trung

Kỳ III

Đường hầm bí ẩn nơi giếng cổ giữa lòng Phật viện

Vẫn chưa có tài liệu nào ghi lại, ngôi giếng đào giữa lòng Phật Viện Đồng Dương đến bây giờ đã bị vùi lấp do nạn đào tìm cổ vật. Nhưng truyền thuyết về giếng cổ này vẫn được kể lại với bao bí ẩn vẫn chưa được giải đáp...