- Bắt đầu từ tháng 9/2011, 5 bệnh viện lớn nhất tại Hà Nội đã được chọn để “thí điểm” triển khai Quy tắc ứng xử nâng cao Y đức, trong đó có nội dung: “Nói không với phong bì”.

5 bệnh viện được Bộ Y tế chọn thí điểm để thực hiện triển khai Quy tắc ứng xử, nâng cao Y đức (trong đó có nội dung “nói không với phong bì”) gồm: Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện E, bệnh viện Phụ sản TW và bệnh viện K.

Việc giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện Quy tắc ứng xử, nâng cao Y đức tại mỗi bệnh viện được thực hiện làm hai đợt (tháng 9 và tháng 10).

Trong số các tiêu chí để đánh giá bệnh viện văn minh có 5 tiêu chí đối với cán bộ nhân viên y tế là phải có lời chào thân thiện, chỉ dẫn tận tình, thăm khám chu đáo cho bệnh nhân, nói không với phong bì và tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Bác sỹ của BV Việt Đức đang chăm sóc bệnh nhân (Ảnh: Cẩm Quyên)

Qua đợt 1 thực hiện (trong tháng 9/2011), PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết bệnh viện Việt Đức đã triển khai triệt để tới các cán bộ y tế (và kể cả trước khi có chương trình “thí điểm” này thì bệnh viện của ông cũng đã làm rồi). Theo đó, không có phản ánh nào về việc bác sỹ đòi phong bì.

Tuy nhiên, ông Quyết cũng lưu ý: “Khi triển khai thí điểm hay làm trên diện rộng thì cũng phải phân định cho rõ. Nếu đó là phong bì mà bác sỹ, điều dưỡng “vòi vĩnh”, đòi bệnh nhân đưa rồi mới khám hay chăm sóc thì cần xử lý nghiêm khắc nhưng nếu đã hoàn tất việc khám hay điều trị thì đó lại là chuyện khác”.

Trên thực tế, ông Quyết cho biết có không ít trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện rồi quay lại cũng dùng phong bì để cảm ơn bác sỹ. Trong những trường hợp đó, nếu bác sỹ có nhận thì cũng không thể xử phạt được.

Trước đây, trong một bài phỏng vấn trên VietNamNet, ông Quyết cũng bày tỏ quan điểm của mình về nạn phong bì trong ngành y tế.

Theo đó, ông Quyết cho rằng “có hàng vạn, hàng vạn người công tác trong ngành y và không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc. Có những thầy thuốc cả đời không nhận một đồng tiền nào của người bệnh, sống hoàn toàn bằng đồng lương trong sạch.

Hiện nay, một số hiện tượng tiêu cực vẫn xảy ra trong ngành y nhưng theo tôi là rất ít. Hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân chỉ xảy ra ở một số người, thậm chí rất ít người. Đó chỉ là một vài “hạt sạn” trong đội ngũ cán bộ y tế mà thôi”.

Về chuyện phong bì ở riêng bệnh viện Việt Đức, ông Quyết khẳng định: Với bệnh viện của tôi (bệnh viện Việt Đức), ai nói là y tá, bác sĩ của bệnh viện này vòi vĩnh là “không xong” với tôi! Tôi đố ai tìm được cán bộ nào của bệnh viện nhận phong bì. Bệnh nhân mà đưa phong bì có khi còn bị mắng là đằng khác.

Tôi không khẳng định 100% là không bao giờ có tiêu cực nhưng chắc chắn không có chuyện cán bộ y tế của viện tôi vòi vĩnh, nhũng nhiễu theo kiểu phải có phong bì mới làm tốt, không có thì không làm tốt.

Tuy nhiên, nếu bác sĩ chăm sóc tốt cho người bệnh rồi, và chăm sóc một cách “vô tư”, khi họ ra viện, đưa phong bì có khi bác sĩ vẫn lấy. Điều này thì tôi công nhận là có”.


Những việc cán bộ, viên chức không được làm với người bệnh và gia đình người bệnh (trích nội dung “Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế”)

a) Có hành vi tiêu cực, lạm dụng nghề nghiệp để thu lợi trong quá trình phục vụ, chăm sóc người bệnh, như: biểu hiện ban ơn, có thái độ, cử chỉ gợi ý nhận tiền, quà biếu của người bệnh và gia đình người bệnh;

b) Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn đối với người bệnh, gia đình người bệnh;

c) Làm trái quy chế chuyên môn trong thi hành nhiệm vụ.

Cẩm Quyên