- “Bộ GTVT sẽ công khai trên công luận cũng như lấy ý kiến các chuyên gia và các nhà lãnh đạo ngành để đưa ra trình tự ưu tiên cho các dự án. Dự án nào cần thiết thì sẽ làm trước và sẽ cho thi công dứt điểm chứ không có chuyện khởi công xong rồi để đấy”.

Trong sáng 5/10, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định như vậy. Dưới đây là cuộc trao đổi của ông Thăng với các PV.

- Dư luận đang rất quan tâm đến chuyện Bộ trưởng vừa thay Trưởng ban quản lý dự án sân bay Đà Nẵng vì chậm tiến độ. Vậy ông sẽ giải quyết như thế nào đối với việc nâng cao chất lượng các công trình giao thông cũng như xử lý các công trình chậm tiến độ?

Cùng với việc tránh tình trạng chậm tiến độ thì việc nâng cao chất lượng công trình đã được Bộ thông qua bằng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo chất lượng công trình.

Cụ thể, sẽ nâng cao trách nhiệm từ người thực hiện dự án đến nhà thầu, giám sát và cả bên nghiệm thu…

Ngoài ra, chúng tôi sẽ ra soát lại toàn bộ các danh mục dự án đầu tư. Chúng tôi sẽ công bố công khai trên công luận cũng như lấy ý kiến các chuyên gia và các nhà lãnh đạo ngành để đưa ra trình tự ưu tiên cho các dự án.

Dự án nào cần thiết sẽ cho làm trước, cho thi công dứt điểm chứ không có chuyện dự án khởi công xong rồi để đấy.

Để đủ vốn xây dựng hạ tầng trong điều kiện vốn hạn hẹp, Bộ trưởng đã huy động như thế nào, nhất là trong điều kiện hiện tại có rất nhiều công trình đang “đói”, công nhân đang thiếu việc làm và bị nợ lương?

Việc đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông cần nguồn vốn đầu tư dài hạn.

Nước ta đang thực hiện phát triển kinh tế giai đoạn đến 2020 để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì phải cần rất nhiều vốn cho đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đô thị lớn.

Chính vì vậy, Chính phủ đã xác định trọng tâm cho 5 - 10 năm tới sẽ tập trung đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng


Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải ưu tiên kiềm chế lạm phát, các mục tiêu an sinh xã hội. Vì thế, Bộ đang chỉ đạo xây dựng cơ chế đột phá để xây dựng mọi nguồn lực tham gia phát triển hạ tầng giao thông, triển khai và đền bù giải phóng mặt bằng.

Với huy động vốn, Bộ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dự án như: BOT, VPP, BT…. Sẽ thực hiện phí và lệ phí sử dụng hạ tầng theo cơ chế thị trường.

Rà soát lại toàn bộ danh mục các dự án đầu tư, công bố rộng rãi và lấy ý kiến chuyên gia về các dự án này, để có trình tự ưu tiên cho các dự án thi công dứt điểm. Trong 5 năm tới sẽ hoàn thành dự án nào, 10 năm là dự án nào, chứ không để tồn tại tình trạng khởi công xong để đấy.

Với các giải pháp tổng thể, phù hợp thì trong hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ cố gắng có những dự án 'ra tấm ra món' cho hạ tầng giao thông. Trước hết là phát triển đường bộ Bắc Nam, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không.

Một vấn đề 'nóng' khách đang được người dân quan tâm là hạn chế phương tiện cá nhân. Bộ trưởng có thể đưa ra mốc cụ thể?

Giải quyết ùn tắc giao thông là vấn đề rất bức xúc của toàn xã hội, hiện nay chúng ta đang thực hiện nghị Quyết 16 cũng như Nghị quyết 88 của Chính phủ, trong đó sẽ thực hiện việc hạn chế phương tiện cá nhân, đồng thời tăng cường nâng cao chất lượng vận tải công cộng.

Để giải quyết việc ùn tắc này, chúng tôi đang làm và có đưa ra lộ trình, còn cụ thể như thế nào thì hiện nay đang xây dựng và có báo cáo Chính phủ cũng như lấy ý kiến từ người dân.

Việc hạn chế phương tiện các nhân, quý IV năm nay chúng tôi sẽ hoàn thành và quý I sang năm sẽ trình Chính phủ. Sau đó chúng tôi sẽ có lộ trình hết sức cụ thể chứ bây giờ bảo lúc nào hạn chế được phương tiện cá nhân thì chưa nói được.

Chúng tôi muốn các đề án của ngành giao thông phải là đề án đã được đa số người dân chấp thuận và người dân cũng là người thực hiện.

Tôi tin với toàn bộ hệ thống Chính trị vào cuộc, toàn bộ người dân vào cuộc chắc chắn việc hạn chế ùn tắc sẽ thành công.  

- Trong việc thực hiện việc đội mũ bão hiểm, ngành giao thông đã đi trước 3 năm khi cán bộ nhân viên của ngành tiến hành đội mũ bảo hiểm trước. Vậy trong việc thực hiện hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc, Bộ GTVT có chủ trương thực hiện trước trong cơ quan mình không?

Đối với ngành GTVT, trong các cuộc họp giao ban chúng tôi đã có cuộc vận động từ Bộ trưởng đến Thứ trưởng và toàn thể cán bộ công nhân viên một tuần có ít nhất một ngày đi phương tiện giao thông vận tải công cộng.

- Số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ngày càng tăng, vậy Bộ đã có giải pháp nào để hạn chế?

Vấn đề tai nạn giao thông cũng là vấn đề rất bức xúc. Đúng là số vụ tai nạn có giảm, nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng lại xuất hiện nhiều hơn. Để giải quyết vấn đề này chúng tôi sẽ nâng cao vai trò quản lý nhà nước, nhất là nâng cao trách nhiệm của những người thi hành công vụ như lực lượng công an, lực lượng Thanh tra giao thông…

Bộ GTVT cũng đã đề nghị với Bộ Công an và Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ xử lý nghiêm khắc với những người thực hiện công vụ vi phạm.

Ngoài ra, để nâng ý thức của người tham gia giao thông, ngoài việc nhắc nhở thì sẽ tăng cường biện pháp xử lý hành chính bằng việc phạt nặng để nâng với người tham gia giao thông

- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc TP.HCM đề xuất mức xử phạt cao nhất đối với đối tượng đua xe?


Tôi hoàn toàn ủng hộ! Việc này tôi còn đề nghị biện pháp cao hơn nhưng chưa được Chính phủ chấp thuận, đó là đua xe khi bị thu giữ sẽ hủy luôn như một số nước chứ không phải chỉ thu xe.

- Xin cám ơn Bộ trưởng!

Vũ Điệp
(ghi)