- Thời tiết nồm ẩm lúc giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại muỗi sinh sôi nảy nở khiến bệnh sốt xuất huyết đang “nóng” trên địa bàn toàn thành phố HN.

Bé gái tử vong vì sốt xuất huyết
Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM chưa kịp hạ nhiệt thì ngày 5/10 lại vừa có một em bé qua đời vì bệnh sốt xuất huyết.


Tại thời điểm này, bệnh viện bệnh Nhiệt đới TW mỗi ngày đều tiếp nhận khoảng 20 ca sốt xuất huyết đến khám, trong đó có một nửa phải nhập viện. Bệnh nhân nhập viện thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, thuộc tất cả các khu vực nội, ngoại thành của Hà Nội và cả các tỉnh lân cận.

Trong số những bệnh nhân nhập viện, có những người đã ở tình trạng nặng, điều trị tới 10 ngày mới ổn định.

Ngoài bệnh viện bệnh nhiệt đới TW, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều địa điểm tiếp nhận khám và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Thống kê trên toàn địa bàn thành phố, Tiến sỹ Nguyễn Nhật Cảm, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết: “Mỗi tuần toàn thành phố có thêm hàng trăm ca mắc sốt xuất huyết, phân bố rải rác ở tất cả các quận huyện và tập trung ở các quận nội thành do mật độ dân số cao, tình trạng ô nhiễm nặng hơn”.

Trong 9 tháng đầu năm 2011, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố HN là 9.215 ca, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 5 ca tử vong.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới TW trong dịch sốt xuất huyết năm 2009 (Ảnh: NAnh)


Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, tháng 8 là thời điểm có số người nhập viện vì sốt xuất huyết cao nhất, trung bình hơn 250 ca/tuần, hiện còn khoảng 150 ca nhập viện/tuần, giảm hơn 20%.

Đây là kết quả bước đầu của chiến dịch phòng bệnh sốt xuất huyết do Trung tâm Y tế dự phòng thành phố phát động, với 76.000 con cá 7 màu được cấp phát cho các hộ dân để diệt bọ gậy.

Tuy nhiên, Sở Y tế cũng lưu ý, dù tình hình dịch bệnh đã giảm nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ bùng phát vì đang vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa, do vậy mọi người dân đều phải tiếp tục cảnh giác phòng bệnh.

Ngoài ra, ông Cảm cũng cho rằng dịch tay chân miệng đang là nỗi lo của nhiều gia đình có con nhỏ nhưng ngoài bệnh này, người dân cần hết sức cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, bởi đây cũng là loại bệnh nguy hiểm, không thể chủ quan.

Theo ông Cảm, người dân cần tích cực chủ động phối hợp với ngành y tế bằng cách gìn giữ môi trường sạch sẽ, phòng chống muỗi bằng cách trồng cây (như cây phất lộc chẳng hạn) và không để tình trạng nước ứ đọng trong các dụng cụ chứa, tạo điều kiện cho muỗi có nơi trú ẩn, sinh sôi. Ngoài ra, khi có dấu hiệu của bệnh, người dân cần đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Dịch còn “căng” đến hết tháng 10 âm lịch

Theo Ths. Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi Dengue. Vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, một loại muỗi sống ở nơi bùn lầy nước đọng, hay những nơi ẩm thấp tối tăm. Vì thế, bệnh thường gặp ở những nơi đông dân cư, vệ sinh môi trường kém. Cao điểm của bệnh thường vào đầu mùa mưa, nhất là từ tháng 6-10 âm lịch và giảm dần vào các tháng cuối năm.

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết là bệnh nhân bị sốt cao đột ngột, liên tục, kéo dài 2-7 ngày, xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch, dễ đưa đến tử vong nếu điều trị không kịp thời. Cùng với các nốt xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da, chảy máu cam, ói ra máu, còn có  một số triệu chứng như chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng…

Các bác sĩ khuyến cáo: Ngay khi đã có các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà như: nghỉ ngơi, tránh vận động nặng, cho ăn cháo, súp, sữa, uống nhiều nước, không hạ sốt bằng Aspirin, không cạo gió, không quấn kín hoặc mặc nhiều áo.

Hiện vẫn chưa có thuốc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Vì thế, cần chú trọng phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết bằng việc diệt lăng quăng, bọ gậy, dọn dẹp các nơi bùn lầy, nước đọng, nhất là các vật chứa nước cặn, hay dùng hóa chất hoặc hun khói để diệt muỗi, phải ngủ màn.

N.Anh