- Những ngày này, khi cả
nước đang chuẩn bị kỉ niêm 50 năm ngày thành lập đoàn tàu không số, kí ức về
những tháng ngày lênh đênh trên biển, đối mặt hiểm nguy trên con tàu không số
lại trở về vẹn nguyên như mới ngày hôm qua trong tâm trí người cựu binh Ngô Tất
Tiến 66 tuổi, ở thôn Nam, xã Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.
7 lần truy điệu sống
Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Nhân Trạch, năm 1964, khi chưa tròn 18 tuổi,
chàng trai trẻ Ngô Tất Tiến đã xung phong nhập ngũ.
Sau những thủ tục gắt gao, cuối cùng chàng trai vùng biển cũng được tuyển vào đơn vị hải quân, rồi tham gia vào “đoàn tàu không số” hiệu C55D2 Lữ đoàn 125 chở vũ khí, đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm… bí mật bằng đường biển tiếp tế cho chiến trường miền Nam.
Ông Tiến tự hào về hình ảnh đoàn tàu không số, nơi gắn bó với ông trong nhiều năm với 7 lần truy điệu sống. Ảnh: Trần Văn |
“Ngày đó để được tuyển vào chiến sĩ vận tải của đoàn tàu không số là khó khăn lắm. Tui sinh ra rồi lớn lên ở biển, quen với sóng nước, nắm rõ quy luật đường biển, lý lịch tốt… nên mới được tuyển vào.
Gia nhập vào đoàn tàu không số, chúng tôi được làm công
tác tư tưởng ngay từ đầu. Biết nhiệm vụ bí mật, vô cùng nguy hiểm nhưng tất cả
anh em chúng tôi đều vui vẻ. Sẵn sàng cống hiến, hi sinh” - ông Tiến tự hào kể
lại.
Làm nhiệm vụ đặc biệt, bí mật, hiểm nguy nên trước mỗi chuyến đi là anh em trên
“đoàn tàu không số” đều được làm lễ truy điệu sống.
Chiến sĩ Ngô Tất Tiến ngày đó đã có 7 lần cùng các anh
em trên con tàu không số hiệu C55D2 được tổ chức truy điệu sống.
“Dù biết nguy hiểm, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng chúng tôi không hề
sợ hãi. Luôn xác định sống hết mình vì tổ quốc, sẵn sang hi sinh cho Tổ quốc” -
ông Tiến hùng hồn.
Trên con tàu không số, ông Tiến còn nhớ như in những người đồng chí, đồng đội.
Tàu của ông có tất cả 17 người, thành lập hẳn một chi bộ.
Thuyền trưởng là đồng chí Phan Vinh, người Điện Bàn,
Quảng Nam. Thuyền phó là đồng chí Hồ Đức Thắng ở Trà Vinh, các anh em gồm anh Nô
ở Gia Lai, anh Quế ở Trà Vinh…
Với ông Tiến, niềm tự hào trong cuộc đời ông, của tập thể tàu không số hiệu
C55D2 là trong những lần truy điệu sống.
Càng tự hào hơn khi trên chuyến tàu đó, có 2 người được
phong anh hùng là thuyền trưởng Phan Vinh và thuyền phó Hồ Đức Thắng.
Sống chết trong gang tấc
Tham gia đoàn tàu không số, hiệu C55D2, ông Tiến đã cùng đoàn thực hiện được 7
chuyến, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm… cho
tiền tuyến miền Nam.
Hình ảnh oai hùng của những con tàu không số huyền thoại trên biển Đông. Ảnh tư liệu |
Kỉ niệm ấn tượng nhất là chuyến đi lần thứ 3 vào tháng 8 năm 1964. Trong chuyến này, tàu của ông có nhiệm vụ đặc biệt là chở 3 cán bộ cấp cao của Bộ Quốc phòng bí mật vào miền nam nhận công tác.
Trên tàu còn vận chuyển gần 100 tấn vũ khí, đạn dược,
thuốc men… xuất phát từ cảng Hải Phòng đi qua trục hạm Trung Quốc rồi theo hải
phận quốc tế tiến về miền Nam.
Lênh đênh trên biển 3 ngày, khi mới đáp vào bến Trà Vinh thì không may tàu bị
mắc cạn.
“Lúc đó chúng tôi được lệnh của thuyền trưởng Phan Vinh
chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, nếu giặc phát hiện, ập đến thì sẽ dùng thuốc
nổ phá hủy con tàu để giữ bí mật. Trước tình hình đó, tôi cùng đồng chí Nô người
Gia Lai, đồng chí Quế người Trà Vinh được giao nhiệm vụ bí mật hộ tống 3 cán bộ
về đơn vị mới".
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Tiến cùng anh em trở lại tàu bốc hàng suốt đêm
cho đến 12h trưa ngày hôm sau thì thủy triều lên, thuyền nổi dần, việc phá hủy
tàu đã không xảy ra.
Sau đó anh em tập trung xuống tàu ăn liên hoan rồi
nhanh chóng ra Bắc chuẩn bị cho chuyến hàng tiếp theo.
Rồi vào tháng 10/1965, khi thuyền đang lênh đênh ngoài hải phận quốc tế thì máy
bay của Mĩ quần thảo trên bầu trời, chao liên tục xuống kiểm tra.
"Chúng tôi được lệnh cứ bình tĩnh, chủ động mang lưới
ra ngụy trang là tàu ngư dân đang đánh cá. Thế là chúng nó đã bị đánh lừa, máy
bay đã bay vút lên cao rồi bỏ đi".
Hậu phương một lòng
Ông Tiến vững vàng vì có hậu phương một lòng ủng hộ |
Làm nhiệm vụ đặc biệt, hiểm nguy. Bố là liệt sĩ, anh
trai cũng biền biệt ở chiến trường miền nam nên khi đang làm nhiệm vụ, mẹ ông cứ
hối thúc ông lấy vợ kẻo chẳng may trúng bom, đạn thì…
Thế là trong một lần được nghỉ phép về nhà vào tháng 10/1969.
Qua sự giới thiệu của người quen, ông Tiến đã gặp cô gái trẻ xinh đẹp Nguyễn Thị Hát khi đó đang làm công tác an ninh xã, một đảng viên trẻ, năng động.
Thời gian gấp gáp, ông Tiến đã không ngần ngại nói rõ
mong muốn của mình.
Thấu hiểu nhiệm vụ đặc biệt của chàng trai hải quân, cô Hát xin cha mẹ cho hai
gia đình gặp nhau bàn chuyện. Thế là biết nhau không đầy một tuần thì hai người
tổ chức đám cưới.
“Lễ cưới trong thời buổi chiến tranh đơn giản lắm chú à. Chỉ làm một mâm cơm,
đại diện gia đình hai bên gặp nhau là xong” - bà Hát nhớ lại.
Niềm hạnh phúc ngọt ngào của đôi vợ chồng trẻ mới cưới chỉ được 4 ngày thì ông
Tiến hết phép, lại phải ba lô lên đường làm nhiệm vụ.
“Tui buồn lắm nhưng biết làm răng được. Vì nhiệm vụ của
chồng nên tui cũng cố che giấu nỗi buồn, động viên chồng yên tâm mà đi công
tác”.
“Chồng đi biền biệt không tin tức, nhiều người đã bàn tán này nọ nhưng tui không
bao giờ lay chuyển. Là một đảng viên tui thấu hiểu, tin tưởng và giữ trọn niềm
tin, chờ đợi ông ấy”, bà Hát thật thà kể.
Đến năm 1976, khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, ông Tiến xin phục viên trở
về quê hương. Tuổi xế chiều, hai ông bà chỉ ở nhà chơi với mấy đứa cháu nhỏ.
Kể chuyện về một thời bom đạn, tình yêu thời khói lửa của ông bà cho các cháu
nghe. Thỉnh thoảng có người bạn lính đến chơi họ lại ngồi bên nhau ôn lại những
kỉ niệm hào hùng một thời về huyền thoại đoàn tàu không số.
Trần Văn – Duy Tuấn
(còn nữa)