- “Phố biển” Hoàng Sa (Đà Nẵng) - một vùng đảo thân thương, niềm tự hào của người dân đã quá đỗi quen thuộc mỗi khi gợi nhắc đến tình và người Đà Nẵng. “Phố biển” ngày nay vẫn vĩnh hằng và luôn hiện hữu trong tâm trí của những nhân chứng sống một thời gắn bó tuổi trẻ của mình với quần đảo ruột thịt.
Phố trong lòng biển khơi
Quá khứ đã đi qua, thời gian phần nào xoa dịu nỗi đau của những người cống hiến sức mình cho Hoàng Sa, nhưng càng về cuối cuộc đời, họ luôn hoài niệm, trăn trở về chủ quyền của đất nước.
Mỗi lần đặt chân ra biển, nghe tiếng sóng vỗ xô bờ, ông Phạm Khôi (1942, trú 128/5 đường Quang Trung, phường Thạch Than, Quận Hải Châu) cảm thấy lòng mình trào dâng bao cảm xúc khi nhớ lại những kỷ niệm đẹp một thời ghi dấu hành trình đặt chân ra “phố biển” Hoàng Sa.
Ông Phạm Khôi với sơ đồ phác họa về dao Hoàng Sa |
Ông ngày ngày tìm đọc những bài báo viết về Hoàng Sa với hy vọng biết được chút ít về tình hình, những thay đổi trên đảo khi đã quá nhiều năm xa cách.
Ngày đầu tiên ông ra Hoàng Sa nhằm ngày 23/12/1969, ông theo đoàn xuất phát từ Đà Nẵng tầm 3 giờ chiều trải qua sóng gió dập dìu đến mãi 9 giờ sáng hôm sau mới ra đến đảo trong tâm trạng mệt lử người.
Cứ ngỡ rằng sẽ phải đến một vùng đất hoang vu, khô cằn khốc liệt giữa biển cả, nhưng ra đến đảo ông và đồng nghiệp (cũng lần đầu ra Hoàng Sa) đã vô cùng ngỡ ngàng trước khung cảnh sông nước hữu tình.
Ông bảo: Vùng đảo rộng mỗi chiều cũng phải hơn 1km, đảo không có núi, đất bằng phẳng, chỉ cao hơn mặt biển độ hơn 1m, nhiều loại cây mọc xanh tươi trong đó nhiều nhất là thông.
Ông Lê Lan trăn trở liệu giới trẻ ngày nay biết gì, nghĩ gì về Hoàng Sa |
Đường lên đảo đi bằng đoạn đường đổ bê tông khoảng 50 m, tiếp đến là đường lát đá san hô và hàng loạt công trình xây dựng như nhà chỉ huy, trạm khí tượng, doanh trại lính, giếng nước, hệ thống bể nước, có cả nhà cầu nguyện, miếu thờ Phật bà Quan Âm...
Đồng tâm trạng đó, ông Lê Lan (SN 1952, tổ dân phố số 13, khu phố 3, phường Sơn Phong, TP. Hội An, Quảng Nam) với 2 lần ra Hoàng Sa vào năm 1971 và cuối 1973-đầu 1974 (mỗi lần 3 tháng).
Ngày đó, từ khi còn nhỏ, ông đã biết về Hoàng Sa qua lời kể của những người đi trước truyền lại nào là kinh nghiệm đi thuyền, đánh bắt và cách để thích nghi với cuộc sống trên đảo…
Và rồi, ông có dịp được công tác ra đảo với chức danh là người thầy thuốc nhưng điều mà ông cảm nhận được sau những ngày sống trên đảo. Đó là nguồn tài nguyên biển vô cùng phong phú của biển đảo quê hương.
…Vẫn mãi thôi thúc “người về”
“Phố biển” Hoàng Sa ngày ấy, người “đi có, về không” và những người về bây giờ đã lớn tuổi, kí ức về đảo vẫn mãi thiêng liêng, trường tồn và họ sẳn sàng truyền đạt lại những gì biết được cho thế hệ trẻ hôm nay.
Đã sắp bước sang tuổi 70, sức khỏe không còn như trước nữa nhưng những gì gặt hái được sau chuyến đi Hoàng Sa của mình, ông Phạm Khôi cố nhớ và thể hiện lại bằng sơ đồ bao quát về Hoàng Sa.
Bản đồ chỉ mang tính phát họa khái quát về đảo, nhưng khi nhìn vào đó, ông tưởng chừng như mình đã thuộc làu từng ngõ nghách của Hoàng Sa sau thời gian công tác ở đảo.
Ông Cúc cùng bức ảnh kỉ niệm của mình ở Hoàng Sa |
Điều mà ông trăn trở bao lâu nay là muốn vẻ một sơ đồ phát họa chi tiết hơn về “phố biển” và treo ở nơi nhiều người đến để lớp trẻ phần nào hình dung được những công trình trên đảo ngày xưa.
Còn ông Trần Huynh (trú thôn Dương Lâm 2, Hòa Phong, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) lấy cho chúng tôi xem một nhành hoa san hô nhỏ, ông nói đây là kỷ vật cuối cùng ông còn giữ lại về những năm tháng phụ trách Trạm khí tượng ngoài đảo Hoàng Sa.
Ông kể: Công việc của ông ở Trạm khí tượng lúc đó là nấu cơm cho kỹ sư, công nhân của trạm. Thời gian rảnh rỗi, ông thường đi dạo chơi hoặc vỡ đất trồng rau.
Cá ngoài đảo thì nhiều vô kể, chỉ cần ngồi câu khoảng một tiếng đồng hồ đã được cả chục ký cá, toàn loại cá to và ngon…Còn bây giờ muốn đánh bắt cũng khó.
Ông Nguyễn Văn Cúc (hiện trú tổ 11, Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng) thì kỷ niệm về Hoàng Sa trong lòng lại như một điều tiếc nuối, ông bảo: “Nếu không có biến cố cuối năm 1972 (11-1972), thì tôi được tham gia thiết kế, xây dựng một sân bay lớn trên đảo Hoàng Sa”.
Lớn lên đã biết về Hoàng Sa
Cất công tìm kiếm những nhân chứng sống về từ Hoàng Sa, chúng tôi mới cảm nhận hết được tình cảm cũng như “sức nóng” của những người về từ Hoàng Sa.
Ông Lê Lan đã 2 lần đặt chân ra đảo, trong ông những ký ức về vùng đảo luôn ẩn hiện trong tâm trí dù rằng giờ đây ông đã về bên gia đình, không còn nữa những tháng ngày xa vợ con công tác ra Hoàng Sa.
Sơ đồ phác họa về Hoàng Sa của ông Phạm Khôi |
Ông bảo: “Lúc tôi khoảng 9-10 tuổi đã biết về Hoàng Sa qua những người đi trước kể lại và dường như hình ảnh cao quý của những người lính về từ Hoàng Sa đã ăn sâu vào trí nhớ”.
Còn bây giờ, ông ngậm ngùi khi nghĩ về lớp trẻ ngày nay, đừng nói đâu xa ngay các con của ông, dù biết bố 2 lần ra Hoàng Sa nhưng chúng chưa một lần hỏi đến.
Ông xúc động: “Chúng tôi bây giờ tuổi đã lớn, sức khoẻ không còn nữa, và cũng đã công hiến cho Hoàng Sa với những gì mình biết được. Điều ông trăn trở mong rằng lớp trẻ ngày nay sẽ luôn nhớ đến Hoàng Sa bởi nơi đó vẫn còn rất nhiều xương máu của ông cha ta nằm lại.
Tuyết Phan