- “Sở đang cố gắng hoàn thiện đề án tuyến phố đi bộ để sớm nhất cuối tháng 10 sẽ trình lên lãnh đạo UBND thành phố. Khi thí điểm sẽ cấm hoàn toàn ô tô và xe máy đi lại”, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết chiều 11/10.

Hà Nội đang lên kế hoạch phân làn hàng loạt tuyến phố. Trong khi đó, có nhiều bất cập xảy ra với những tuyến phố đã được phân làn cách đây 1 tháng.

Cơ quan chức năng của Hà Nội cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm Hà Nội sẽ chi khoảng 24 tỷ đồng để phân làn 12 tuyến phố.

Những nỗ lực này có giảm được ùn tắc giao thông để tiếp tục phát huy? Hãy đưa ra quan điểm và đề xuất giải pháp của mình!

Mọi thông tin xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.


Ông Tân cho hay, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng đề án tuyến phố đi bộ từ Đồng Xuân - Hàng Ngang - Hàng Đào - quanh hồ Hoàn Kiếm - Tràng Tiền, trước mắt sẽ thí điểm vào các ngày cuối tuần từ thứ 6 đến Chủ nhật, quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Để thực hiện kế hoạch này, Sở GTVT đang tiến hành điều tra xã hội học toàn bộ số dân đang sinh sống ở trên các tuyến phố này để giải quyết tất cả nhu cầu, như xe đi thế nào, trẻ em đi học, cấp cứu, cứu hỏa ra sao, đi bộ thì vệ sinh, uống nước ở đâu...
 
Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng đề án tuyến phố đi bộ, nếu đề án này được thông qua và thực hiện thí điểm thì sẽ cấm hoàn toàn ô tô và xe máy đi lại

”Hiện nay, Sở đang cố gắng hoàn thiện đề án tuyến phố đi bộ để sớm nhất cuối tháng 10 sẽ trình lên lãnh đạo UBND thành phố. Khi thí điểm sẽ cấm hoàn toàn ô tô và xe máy đi lại”,
ông Tân nói.

Ông Tân cho biết thêm, sau gần 1 tháng phân làn tại 4 tuyến phố, kết quả bước đầu đã tạo được sự đồng thuận của người tham gia giao thông. Người dân đã có ý thức đi đúng làn đường khi tham gia trên các tuyến đường tổ chức phân làn, tạo thói quen văn minh đô thị trên các tuyến phố.

Tại các tuyến phân làn các xung đột giao thông trên tuyến đã giảm đáng kể, tăng khả năng thông hành của các phương tiện lưu thông trong khu vực, giảm tai nạn giao thông.

Trả lời báo chí về những hạn chế của việc phân làn như đường hẹp, nhiều nút cắt, ông Tân cho biết: Với tốc độ quy định đi trong nội đô từ 25 đến 30 km/h cho các phương tiện giao thông cơ giới, chỉ cần cách các ngã ba, ngã tư khoảng 30m là các phương tiện trên đã có thể rẽ phải, rẽ trái rất an toàn.

Trước lo ngại về việc, Sở GTVT cho đặt các biển báo phân luồng ngay trên mặt đường, liệu có gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông? Ông Tân khẳng định, đây là việc làm cần thiết vì “không có cách nào khác ngoài việc phải cưỡng bức giao thông” đối với các phương tiện cố tình không đi đúng làn đường.
 
24 tỷ đồng để phân làn 12 tuyến phố
 
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, tuy mới tổ chức phân làn giao thông trên 4 tuyến phố trên nhưng thành phố đã phải chi khoảng kinh phí gần 5 tỷ đồng.

Dự kiến từ nay đến cuối năm Hà Nội sẽ chi khoảng 24 tỷ đồng để phân làn 12 tuyến phố.

Thời gian tới (trong 3 tháng cuối năm 2011), Sở sẽ phối hợp với Công an thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện phân làn tách dòng theo phương tiện trên các tuyến phố sau: Kim Mã (đoạn từ Voi Phục đến Bến xe Kim Mã); Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông) (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Lê Trọng Tấn (Hà Đông); Yên Phụ - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật; Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai; Lê Văn Lương; Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao QL5 - Nguyễn Văn Cừ đến cầu Vĩnh Tuy); Bắc Thăng Long -Nội Bài và đường Hoàng Quốc Việt

Gia Văn

Hà Nội đang lên kế hoạch phân làn hàng loạt tuyến phố. Trong khi đó, có nhiều bất cập xảy ra với những tuyến phố đã được phân làn cách đây 1 tháng.

Cơ quan chức năng của Hà Nội cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm Hà Nội sẽ chi khoảng 24 tỷ đồng để phân làn 12 tuyến phố.

Những nỗ lực này có giảm được ùn tắc giao thông để tiếp tục phát huy? Hãy đưa ra quan điểm và đề xuất giải pháp của mình!

Mọi thông tin xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.