- Sốt xuất huyết đang có số lượng người mắc đứng thứ 3, số ca tử vong đứng thứ nhất trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, từ đó trở thành tiêu điểm cần giải quyết của ngành y tế.
Đó là nhận định của ông Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM trong cuộc họp báo về Cập nhật tình hình bệnh sốt xuất huyết và sự phát triển của vắc xin phòng sốt xuất huyết diễn ra tại TP.HCM ngày 12/10.
Cũng trong cuộc họp báo, bác sĩ Trần Thanh Dương, Cục phó Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết tính từ đầu năm đến hết tháng 9, toàn quốc đã ghi nhận 45.142 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 39 người tử vong vì căn bệnh này.
Số người mắc và tử vong chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phía Nam.
Sốt xuất huyết là vấn nạn của ngành y tế. Ảnh: Thanh Huyền.
Kết quả nghiên cứu 7 tháng đầu năm nay cho thấy virus gây bệnh sốt xuất huyết ở cả 4 tuýp. Trong đó, nhóm Den – 1 chiếm 53, 1%, nhóm Den – 2 chiếm 27,6 %.
“Suốt 30 năm qua sốt xuất huyết lưu hành và biến đổi theo một chu kỳ. Cứ từ 3 đến 5 năm là dịch lại tang cao một lần” – Ông Dương nói.
Không chỉ riêng ở Việt Nam mà sốt xuất huyết cũng là vấn nạn của các nước láng giềng cũng như các quốc gia trên thế giới.
Hiện căn bệnh này đang lưu hành trên 125 quốc gia, khoảng 2,5 tỷ người có nguy cơ bị nhiễm sốt xuất huyết mỗi năm.
Tính từ 1/9 đến nay, Campuchia có 10.258 ca sốt xuất huyết, 48 ca tử vong, tăng hơn cùng kỳ năm 2010 1,3 lần. Lào cũng có 2.196 ca sốt xuất huyết (5 ca tử vong), Malaysia có 13.100 ca sốt xuất huyết (21ca tử vong)…
Đỉnh cao của dịch sốt xuất huyết thường diễn ra vào tháng 8,9,10.
Để khắc phục tình sạng dịch sốt xuất huyết lan rộng, ngoài những giải pháp về như tuyên truyền, điều trị thì việc nghiên cứu khoa học, test xét nghiệm, phát triển vắc xin phòng chống bệnh vẫn là hữu hiệu nhất.
Hiện nay vắc xin phòng sốt xuất huyết 4 tuýp đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, mở ra một sự hứa hẹn thoả mãn các nhu cầu y khoa chưa được đáp ứng và thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.
Thanh Huyền