- Trước tình trạng dịch tay chân miệng “căng như dây đàn”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có công văn hỏa tốc đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố “quan tâm chỉ đạo hoạt động của các sở, ban, ngành trong công tác phòng, chống dịch, giảm tử vong do bệnh tay chân miệng.
Quyết không công bố dịch tay chân miệng
Hà Nội: Bệnh nhi thứ 2 tử vong vì tay chân miệng
Trong công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị cần “làm rõ và phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, tổ trưởng tổ tự quản trong hướng dẫn kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng tại các hộ gia đình, đặc biệt các hộ có trẻ dưới 5 tuổi”.
Lãnh đạo ngành y tế cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần “đẩy mạnh và ưu tiên kinh phí cho hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về biện pháp phòng chống bệnh vào các giờ cao điểm”.
Ngoài ra, Hội phụ nữ, nhân viên y tế thôn bản cần trực tiếp tuyên truyền đến tận hộ gia đình, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng.
Trước khi có công văn hỏa tốc này, báo Sức khỏe đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế - đã có bài phản ánh hiện tượng “đùn đẩy” trách nhiệm giữa các sở, ban, ngành ở các địa phương có dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết.
Báo này lấy một ví dụ điển hình tại tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, ông Nguyễn Tấn Khương, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, Bạc Liêu - một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh bức xúc nói: “Mặc dù công tác phòng chống dịch bệnh đã được triển khai hơn 2 tháng qua nhưng đến nay còn một số cấp ủy, chính quyền xã chưa thực sự vào cuộc, còn đùn đẩy trách nhiệm, khoán trắng cho ngành y tế”.
Cụ thể, tại xã An Trạch của huyện này có đến hơn 100 ca sốt xuất huyết, 14 ca tay chân miệng, nhưng khi vào giám sát, kiểm tra thì cán bộ xã, ấp, khóm còn mơ hồ về số lượng người bệnh, nơi xảy ra dịch bệnh.
Ông Tăng Trọng Thủy, GĐ Trung tâm Y tế huyện Đông Hải cho biết, tính đến đầu tháng 10, toàn huyện có gần 300 ca bệnh sốt xuất huyết và hơn 130 ca tay chân miệng, trong đó tử vong 1 ca. Theo ông Thủy, nguyên nhân bệnh tăng nhanh là do ý thức người dân kém, cộng thêm chính quyền, cấp ủy, cơ quan đoàn thể chưa thật sự quan tâm.
Điều đáng nói là, 2 bệnh trên xảy ra nhiều từ đầu tháng 7 đến nay, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng tổ chức nhiều cuộc họp nhằm bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng đến nay còn một số huyện, xã chỉ mới triển khai bước đầu!
Tính đến ngày 3/10, tỉnh Bạc Liêu có 1.011 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, có 6 trường hợp tử vong và hơn 1.430 mắc bệnh sốt xuất huyết. Bệnh tay chân miệng đang lây lan nhanh trong hệ thống trường học, có 4 trường mầm non tạm đóng cửa và nhiều trường khác có số trẻ mắc bệnh, trong đó có 2 trường tiểu học.
Nhằm khống chế và tiến tới loại trừ dịch bệnh trong thời gian tới, báo Sức khỏe đời sống đưa tin: Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng liên quan nhanh chóng khắc phục những hạn chế và chuyển từ khẩu hiệu tuyên truyền sang thực hiện, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong chỉ đạo, thực hiện của chính quyền các cấp từ nay đến cuối năm!
Box: Số bệnh nhân mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng vẫn không ngừng tăng. Số liệu mới nhất do Bộ Y tế công bố ngày 10/10 cho thấy: Cả nước hiện có trên 66.000 người mắc bệnh tay chân miệng, tăng 5.000 bệnh nhân so với 10 ngày trước. Số tử vong đã lên tới 119 ca (tăng 5 ca so với 10 ngày trước). Tuy nhiên, ngành y tế các địa phương vẫn cương quyết không công bố dịch!
Ngọc Anh (Tổng hợp)