- Liên quan đến thông tin ông Nguyễn Bá Toàn (60 tuổi, trú tại ngõ 118, Phú Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) trong khi đi thu gom lưới bắt được con ba ba nặng 22kg, dài 1m, rộng 50cm, trên mai có một số đặc điểm giống rùa Hồ Gươm, PV VietNamNet đã liên lạc với những chuyên gia hàng đầu về thủy sản và những người trực tiếp tham gia công tác chữa trị rùa Hồ Gươm để kiểm chứng thông tin này.
Trao đổi với PV VietNamNet,
ông Nguyễn Viết Để, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản – Sở NN&PTNT Hà Nội cho
biết: “Rùa Hồ Gươm ở Việt Nam đã được các nhà phân loại trong và ngoài nước
khẳng định là chỉ có một cá thể. Cá thể rùa Hồ Gươm đã được đăng ký trong Ngân
hàng Gene ở Thụy Sĩ.
Theo các nhà Rùa học Quốc tế thì còn có thể có một cá thể nữa ở Đồng Mô. Tuy
nhiên, kể cả điều này cũng chỉ là giả thuyết chứ chưa ai khẳng định. Rùa phân ra
làm 2 loại, một loại mai cứng và một loại mai mềm.
Ta phải xem cho kĩ, nếu là mai cứng thì không đúng. Còn nếu là rùa mai mềm thì có thể là con ba ba hoặc con giải. Rùa hoặc ba ba 22kg chỉ là bình thường, không có gì ghê gớm vì rùa sống lâu thì khắc to. Giờ môi trường ở Việt Nam, các con vật bị tận diệt nhiều quá nên rùa to như vậy thành ra hiếm mà thôi”.
Ba ba "khủng" 22kg ngoài sông Hồng |
Đồng ý kiến với ông Để, TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản đã từng tham gia vào việc chữa trị rùa hồ Gươm bày tỏ quan điểm: “Giờ để mọi người tin rằng đó không phải là rùa Hồ Gươm thì quá đơn giản. Chỉ cần chụp ảnh con rùa đó thật kĩ, lấy mẫu trên người rùa rồi so sánh với mẫu của Rùa Hồ Gươm, thử gene là ra ngay thôi”.
Một bảo vệ của nhà hàng Thủy Tạ cạnh Hồ Gươm kể lại, chuyện bắt được ba ba hay rùa to là chuyện quá bình thường. Vì ngay trong Hồ Gươm, trước khi mọi người bắt đầu chú ý đến việc chữa trị cho Rùa Hồ Gươm thì vài thanh niên nhà quanh đó thi thoảng cũng bắt được con ba ba có khi lên đến 20kg trong hồ để làm thịt.
Hồi đó, do là bắt trộm nên không ai dám khoe, mọi người không biết có con rùa như thế thôi.
Rùa Hồ Gươm |
Trong sáng 13/10, PGS Hà Đình Đức nói rằng việc người dân thông tin mai của con ba ba bắt được ngoài sông Hồng có một số đặc điểm giống Rùa Hồ Gươm là không đúng.
Giáo sư Đức cho biết, ông đã nhìn thấy ảnh chụp trên báo VietNamNet và khẳng định đây là con Ba ba Nam Bộ, ở trong miền Nam còn gọi là con Cua Đinh chứ chắc chắn không thể giống với rùa Hồ Gươm được.
Thông tin thêm về tình hình Rùa Hồ Gươm, giáo sư Hà Đình Đức cho biết, đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, Rùa Hồ Gươm đã hoàn toàn khỏe mạnh.
Cụ Rùa nổi liên tục trong thời gian gần đây. Tháng 7 nổi 1 lần. Tháng 8 nổi 3 lần. Tháng 9 nổi 5 lần và gần đây nhất là tháng 10 cụ Rùa cũng nổi 5 lần.
Thu Lý