- Được đưa về Trung tâm dạy nghề nhân đạo, từ nay, ba bố con ông Sùng A Páo tạm biệt những ngày sống trong hang đá, dã từ cuộc sống của “người rừng”.

Những người khốn khổ

Được đưa lên Hà Nội vào 2 giờ sáng ngày 13/10, bố con họ quấn quýt lấy nhau, cả ba luôn rạng rỡ nụ cười hạnh phúc bởi từ đây họ được giã từ những ngày sống như “người rừng” ở cái “lỗ đá” lạnh ngắt giữa chốn rừng thiêng nước độc.

Người đầu tiên phát hiện ra câu chuyện về ba bố con “người rừng” phải sống cùng cực trong một “lỗ đá” ở bản Nà Bon, xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng là một em học sinh cấp hai.

Nhà ở gần chợ, ngày nào em cũng thấy một bé trai chừng 7 tuổi khi thì cõng bó củi to hơn người, lúc lại ôm nắm măng rừng, thiểu não mang những thứ nông sản sơ xài đó ra chợ đổi lấy đồ ăn mang về nuôi cha già, em nhỏ.

Thời buổi này người ta dùng bếp gas là chính nên bó củi của cậu bé mời mãi chẳng có ai mua. Thấy cậu bé tội nghiệp, người ta thay nhau mua cho cậu bó củi với giá 10.000 đồng.

3 bố con ông Páo khi đã rời khỏi hang đá


Khi khác là cho cậu bé vài gói mỳ tôm, hoặc nắm bánh đa trắng để cậu mang về nuôi bố và đứa em nhỏ ở nhà đang cồn cào đói mong cậu.

Cô bé học cấp hai đã cùng vài người bạn gom tiền lại cho cậu bé rồi theo chân cậu về tận nhà. Quãng đường đi bộ từ chợ về đến nhà cậu bé mất hơn một giờ đồng hồ, đường lổn nhổn đá, qua vài con suối, có những đoạn phải trèo leo khổ sở.

Đến tới nơi, cô bé tốt bụng ngỡ ngàng khi thấy cậu bé nhỏ tuổi sống trong một cái “lỗ đá” cùng người cha già và đứa em nhỏ 3 tuổi lúc nào cũng trần như nhộng.

Cô bé lấy điện thoại quay lại “lỗ đá” hoang sơ của ba bố con “người rừng” mang về cho bố mình xem. Rồi đoạn clip đó đến tay chị Hoài Phương, phóng viên đài truyền hình Cao Bằng.

Chị đã rớt nước mắt trước hình ảnh tội nghiệp của ba bố con “người rừng” và bắt đầu đi tìm nguồn cơn nỗi cùng cực của họ.

Cậu bé kể trên có cái tên là Sùng A Lự, 8 tuổi, người dân tộc Mông. Bố cậu là ông Sùng A Páo. Ông không nhớ nổi mình sinh năm bao nhiêu, chỉ áng chừng năm nay ông 60 tuổi. Ông sống như người rừng khi chứng minh thư chẳng có, giấy khai sinh cũng không, chẳng bao giờ biết đi bầu cử...

Cũng như những thanh niên người dân tộc khác, ông lấy vợ từ năm 15 tuổi. Ông có với người vợ này 8 người con. Nhưng vợ ông sau khi “đi theo trai” và lỡ có bầu với người đàn ông khác đã tìm đến đường chết bằng lá ngón.

Sau lần đó, ông Sùng A Páo kết hôn với một người vợ thứ hai kém ông khá nhiều tuổi. Khi đó, các con ông cũng đã yên bề gia thất, mỗi người một nhà. Nhưng rồi ở lần lấy vợ thứ hai, ông Sùng A Páo cũng chẳng được ở bên vợ lâu khi vợ ông cũng đột nhiên mất tích.

Có người kể rằng, cách đây chừng một năm, cô vợ sinh năm 1984 của ông Páo bị người ta lừa về chợ, cho ăn phở và bộ quần áo mới rồi ốp lên xe máy bán sang bên kia biên giới, ép làm vợ một người Trung Quốc.

Kể từ đó ông Páo sống một mình gà trống nuôi con. Ông được ba người con với cô vợ trẻ này nhưng một đứa đã chết vì sống trong cảnh đói ăn, môi trường sống lại quá mất vệ sinh. Nó đã chết vì ngộ độc thứ thức ăn ôi thiu.

Ông Páo đã từng có một ngôi nhà nhưng qua những gì ông kể thì đã bán nó với giá 20 nghìn đồng, cùng hai chai rượu. Ông Páo nói tiếng Kinh rất khó nghe, câu được câu mất nên câu chuyện của ông, ngày tháng cứ lộn xộn không rõ ràng.

"Nhà ấy cũng rách đến mức không ở được nữa, trong khi họ đòi tiền nợ ghê quá, tôi phải bán. Cái nền nhà cũng của người khác mà", lời ông Páo.

Sau khi không còn nhà, ông dắt díu hai con ra cái “lỗ đá” ở trong rừng sâu để sống. Được một thời gian, không chịu được nắng mưa cứ hắt ào ào vào “nhà”, ông dắt hai con đến ở nhờ nhà con trai lớn ở xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm.

Nhưng ba bố con ông cũng chẳng ở đó được lâu khi cậu con trai và cô con dâu chả ưa gì thứ “của nợ” như bố con ông. Vậy là ba bố con lại dắt díu nhau quay về tá túc ở cái “lỗ đá”, sống qua ngày.

Tài sản trong “nhà” đó là tấm liếp để dưới nền đất lạnh để ngủ, vài cái xoong, dăm bộ quần áo rách.

Hàng ngày, ông Páo vào rừng kiếm củi, kiếm măng rừng để Sùng A Lự vượt quãng đườngđi bộ hơn một giờ đồng hồ mang ra chợ thị trấn đổi lấy khi thì vài ba gói mỳ tôm, lúc là nắm mỳ trắng mang về ba bố con nấu ăn với nhau.

Có những ngày mưa rừng, gió bấc, ông Páo không đi vào rừng kiếm nông sản được thì ba bố con chỉ còn biết nhịn đói.

Kỷ lục, ba bố con ông từng phải nhịn đói 3 ngày liền. Khi trời quang mây tạnh trở lại, Sùng A Lự vác bó củi to hơn người loạng choạng bước đi, nó mệt thỉu, ngã dúi xuống dòng suối cùng.

Có người nhìn thấy thương hại đưa nó vào nhà cho ăn uống. Khi đã hồi tỉnh, thằng bé lại cuống cuồng vác bó củi lên người, bước tiếp ra đến chợ huyện để đổi lấy thức ăn mang về nuôi bố và em. Không được đi học, ngày nào Lự cũng lặp lại hành trình vác củi như vậy.

Hành trình đó của Lự khiến ba bố con có cái ăn, chủ yếu là mỳ. Có lúc họ chan nước suối vào ăn với mỳ, có lúc bóc ra ăn sống, hôm nào “chỉnh tề” thì nấu nóng hổi lên ăn. Thi thoảng bố con ông Páo được ăn cơm, nhưng cũng chỉ dặt có cơm với ớt và đu đủ hái trên núi.

Bóng tối lùi xa

Tất cả những điều khổ cực trên, giờ đối với bố con ông Páo đã là quá khứ. Sau khi biết được câu chuyện về “những người khốn khổ” trên, ông Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo đã lên tận nơi đón ba bố con “người rừng” về trung tâm.

Súng sính trong bộ quần báo mới

Thấy người lạ đến đón đi, lúc đầu vì sợ mà ông Sùng A Páo thay đổi quyết định xoành xoạch. Ông đồng ý đi, rồi vài phút sau lại đổi ý. Vài lần như vậy rồi ông mới yên tâm theo ông Hải về Hà Nội.

Đến chỗ ở mới, bố con ông tươi rói trong bộ quần áo mới tinh, những đôi chân đen nhẻm sau bao ngày chỉ biết đạp đất giờ đã có đôi dép mới để đi.

Dẫn chúng tôi lên gác ba của Trung tâm, ông Hải chỉ chỗ ở của ba bố con ông Páo, một căn phòng chật hẹp với những chiếc giường tầng tuy còn quá đơn sơ, nhưng chắc chắn là nó hơn hẳn cái “lỗ đá” lạnh lẽo mà ba bố con ông vẫn chui ra chui vào.

Vậy là mùa đông năm nay, bố con ông đã có chăn ấm nệm êm để ngủ, không phải co ro dưới nền đất lạnh trong cãi “lỗ đá’, sống cuộc sống của “người tiền sử”.

Sùng A Lự đưa đôi mắt đen nhánh và lúc nào cũng như tư lự nhìn chỗ ở mới, nó không cười nhiều như đứa em nhỏ, nhưng nét mặt cũng ánh lên niềm vui khi đã qua rồi những ngày khổ cực.

Ông Hải cho hay, ông sẽ cho giúp ba bố con ông Páo học tiếng Kinh. Khi nào ông Páo đã nói tốt tiếng Kinh, ông Hải sẽ xin cho ông Páo đi làm bảo vệ ở một doanh nghiệp. Công việc đóng mở cổng cơ quan đơn giản như thế  chắc cũng giúp ông kiếm được vài triệu đồng/tháng.

Đó là số tiền mà trước đây có mơ ông cũng không dám ước có được.

“Còn hai cháu bé sẽ được nuôi ăn, ở, được cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa khác”, ông Hải nói.

T.Nhung