- “Việc thực hiện phân làn trên các tuyến phố ở Hà Nội đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự đồng thuận nhất trí của nhân dân. Sở dĩ việc phân làn trước đây và trên 5 tuyến phố mới triển khai từ ngày 20-9 vừa qua gặp nhiều khó khăn là do chưa có sự phối hợp đồng bộ, chưa triệt để thực hiện các giải pháp đặt ra”.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định như vậy tại buổi họp giao ban Thành phố ngày 14/10.

Chưa thống nhất kẻ vạch phân đường

Theo ông Thảo, còn thiếu sự đồng bộ trong việc phân làn, phân tuyến. Mặc dù phân rõ hai làn đường nhưng chưa chỉ rõ đối với các trường hợp rẽ phải, rẽ trái, đường dành cho xe buýt, các điểm dừng, đỗ xe,…

Cùng với đó là việc chưa triệt để thực hiện việc thống nhất kẻ vạch phân đường (vạch đứt hay vạch liền), rồi cột báo hiệu, dải phân cách, sơn phản quang đặt như thế nào cho hợp lý.

Hơn nữa, chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các sở ngành, quận – huyện, các cơ quan đoàn thể nhằm phối hợp với liên ngành giao thông vận tải, công an thành phố để thực hiện tốt việc phân làn, tách dòng phương tiện.

Theo ông Thảo: Bất cập phân làn là do chưa có sự phối hợp đồng bộ, chưa triệt để thực hiện các giải pháp đặt ra.


Từ những thực tiễn nêu trên, ông Thảo đề xuất kiên tiếp tục khảo sát lên phương án tổ chức tách dòng theo phương tiện trên tất cả các tuyến phố nhằm đảm bảo kỹ thuật hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố.

Rà soát lại việc phân làn, phân tuyến, lập phương án thiết kế cụ thể đối với từng tuyến đường để chỉ đạo thực hiện đúng tiến trình. Thống nhất việc phân vạch kẻ đường, các cột biển báo, dải phân cách, sơn phản quang, đinh phản quang.

Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cần phải tiếp thu các ý kiến đóng góp, tổ chức đếm xe, thu thập đầy đủ các dữ liệu về ùn tắc và tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến phố trước và sau khi tách dòng, chủ động phát hiện những vướng mắc phát sinh để đề xuất xử lý, giải quyết kịp thời trên các tuyến.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, không chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ. Rà soát lại các phương tiện công cộng, chủ yếu là xe buýt, tăng số lượng xe buýt lên để phục vụ nhu cầu đi lại. Giao GTVT tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, hiến kế cho giao thông Hà Nội.

Va quệt cột biển phân làn diễn ra phổ biến

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Việc tổ chức phân làn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục tại các tuyến phố phân làn. Các tuyến đã phân làn có lượng phương tiện lưu thông lớn, nhiều thành phần, các phương tiện liên tục có nhu cầu tách - nhập làn, nguy cơ ùn tắc cao.

Các tuyến đã phân làn có khoảng cách giữa các nút giao thông ngắn; mặt cắt trên toàn tuyến không đồng đều; không có làn đường dành riêng cho xe buýt, khi xe buýt ra vào đón trả khách gây ảnh hưởng tới khả năng lưu thông với các phương tiện còn lại; tình trạng cố tình đi sai làn còn nhiều; xảy ra nhiều va chạm với hệ thống biển báo, dải phân cách do thiếu quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu...


Chủ tịch Hà Nội đề nghị rà soát lại việc phân làn, phân tuyến, lập phương án thiết kế cụ thể đối với từng tuyến đường để chỉ đạo thực hiện đúng tiến trình. Thống nhất việc phân vạch kẻ đường, các cột biển báo, dải phân cách, sơn phản quang, đinh phản quang.

Đặc biệt, tình trạng va quệt với các cột báo, dải phân cách phân làn xảy ra khá phổ biến, hàng chục cột biển báo bị đâm gãy đổ, 23 cột phải thay mới, 138 cột phải trồng lại; 4 đồng chí Thanh tra giao thông vận tải đang thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn giao thông bị xe va quệt phải...

“Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của bộ phận người tham gia giao thông còn chưa cao dẫn đến cố tình đi sai làn và xảy ra nhiều va chạm với hệ thống biển báo, dải phân cách do thiếu quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu, nhất là  thời điểm không có lực lượng chức năng chốt trực, hướng dẫn”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng nêu ra khó khăn khi cho rằng: Công tác hướng dẫn và xử lý vi phạm đòi hỏi số lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia nhiều. Lực lượng dàn trải gây khó khăn trong công tác hướng dẫn, điều hành giao thông. Chưa huy động được hết các lực lượng chức năng tham gia công tác hướng dẫn, điều hành giao thông.

Tại buổi họp giao ban, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: Trước mắt, trong 3 tháng cuối năm 2011, giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an Thành phố tổ chức thực hiện phân làn tách dòng theo phương tiện trên các tuyến phố: Kim Mã (đoạn từ Voi Phục đến bến xe Kim Mã); Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (đoạn từ Ngã Tư Sở đến đường Lê Trọng Tấn của quận Hà Đông); Tuyến Yên Phụ - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật; Tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai; Tuyến Lê Văn Lương; Tuyến Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Quốc lộ 5 – Nguyễn Văn Cừ đến cầu Vĩnh Tuy); Tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài.


Gia Văn

Hà Nội: Trọng thương vì đâm biển báo phân làn
Sau khi Hà Nội phân làn một số tuyến phố, một số bất cập đã bộc lộ. Đặc biệt là đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khi người điều khiển phương tiện giao thông đâm phải biển báo phân làn...
 
Hà Nội phân làn giao thông: Như phim mạo hiểm!
Hà Nội mới chỉ phân làn trên một số tuyến phố mà tình hình giao thông đã rối như canh hẹ, sắp tới, trên tất cả các tuyến phố thủ đô đều được phân làn thì không hiểu giao thông có thành một... phim trường với những cảnh mạo hiểm?
 
Hà Nội: Tai nạn liên tiếp từ biển báo phân làn
Sau gần nữa tháng tiến hành lắp cột biển báo, dải phân cách cứng để phân lan giao thông tại 4 tuyến phố, đến nay đã có rất nhiều biển báo và dải phân cách bị hư hỏng, méo mó do phương tiện giao thông và quệt..