- Mưa lớn nhiều ngày đã khiến miền Trung ngập trên diện rộng. Sông Thạch Hãn dâng cao khiến cửa ngõ vào thị xã Quảng Trị tắc đường nhiều km.

Quảng Trị: Đã có 2 người bị lũ cuốn chết
 
Mưa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã khiến hàng ngàn ngôi nhà bị cô lập tại các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Vĩnh Linh.

Nước đã ngập sâu tại nhiều khu vực dân cư từ 0,5 đến 1m, khoảng 10.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
 
Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh, đến 17 giờ ngày 16/10, đã có có 7 xã vùng trũng của huyện Hải Lăng bị ngập úng hoàn toàn, mực nước ngập đến 1 m.
 
Các tuyến giao thông từ trung tâm huyện về các xã đã bị chia cắt, việc đi lại của người dân chủ yếu là bằng thuyền. Tại huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh mưa lớn khiến nước tràn vào nhà hàng ngàn hộ dân ở ven sông Thạch Hãn và Hiền Lương.
 






Mực nước dâng cao đột ngột, khiến trên địa bàn tỉnh đã có 2 người chết do nước lũ cuốn là: em Trương Công Minh (17 tuổi, trú tại xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng) và chị Nguyễn Thị Hương (SN 1971, trú tại Cộp, xã Hướng Phụng, Hướng Hoá, quê tại Quảng Bình).
 
Thông tin từ Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Trị cho biết đang có kế hoạch di dời khoảng 6.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm trong đêm 16 và sáng 17/10. Để tránh những nơi ngập lụt nguy hiểm, vùng thường xuyên có lũ ống lũ quét và nhằm tránh thiệt hại về người có thể tiếp tục xảy ra.

Mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đã gây ngập trên diện rộng ở nhiều tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị.

Thừa Thiên - Huế: Nước sông đồng loạt dâng cao

Liên tiếp nhiều ngày qua tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có lượng mưa to khiến mực nước các sông chính trên địa bàn đồng loạt dâng cao, hàng ngàn hộ dân bị cô lập trong nước.



Theo số liệu của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến sáng nay, mực nước sông Hương đã trên báo động 2, sông Bồ trên báo động và sông Ô Lâu trên báo động 3, khiến các huyện Hương Trà và Quảng Điền đang bị ngập sâu trong nước.
 
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng lên các phương án sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng sạt lở ven biển, cửa sông, đầm phá, khu vực miền núi, vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất...

Do lượng mưa quá lớn, khiến nhiều tuyến đường trong nội thành TP. Huế bị chia cắt. Nhiều tuyến đường QL49B và QL1A đi qua các xã Phong Hoà, Phong Bình (huyện Quảng Điền) bị ngập lụt, mất điện hoàn toàn.

Ách tắc giao thông trên quốc lộ 1A

Đường Hồ Chí Minh nhiều đoạn chạy qua các tỉnh miền Trung đã ngập lớn khiến hàng ngàn nhà dân chìm trong nước.

Đêm 16/10, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ trên tuyến đường 1A địa phận tỉnh Quảng Trị đã khiến các phương tiện không thể lưu thông.



Tắc đường nhiều cây số tại địa phận huyện Hải Lăng khiến cửa ngõ vào thị xã Quảng Trị bị dồn ứ từ 20h tối ngày 16/10 đến sáng 17/10.

 

Lực lượng chức năng đã chặn chốt hai đầu vào cửa ngõ thị xã Quảng Trị khiến đoàn xe xếp hàng cả chục km về hai đầu.

Sáng 17/10, theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, nước sông Thạch Hãn dâng cao chừng 1m gây ngập nhà dân hai bên sông.



 

Tại cửa ngõ vào thị xã Quảng Trị, hàng ngàn xe ô tô các loại đã bị chặn lại từ nửa đêm hôm trước do ngập cục bộ khiến các phương tiện không thể lưu thông.  

Hồ thuỷ điện tích nước gây tắc đường

Ngay sau khi tích nước hồ chứa nhà máy thuỷ điện Đắk Mi 4 đã gây ngập nhiều tuyến đường về các xã vùng cao huyện Phước Sơn (Quảng Nam), người dân chuyển qua dùng ghe đò di chuyển gây mất an toàn giao thông đường thuỷ...

Để đảm bảo an toàn giao thông, sáng ngày 17-10, đoàn công tác liên ngành huyện Phước Sơn cho biết đã chính thức ra quyết định đình chỉ 4 phương tiện chở khách không có giấy phép và không đảm bảo an toàn giao thông trên lòng hồ thủy điện Đắc My 4.

Người dân dùng ghe nan đi lại trong vùng ngập lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 rất nguy hiểm

Ngay sau khi đình chỉ các phương tiện chở khách trên lòng hồ, toàn bộ tuyến giao thông từ trung tâm huyện Phước Sơn đi các xã vùng cao trong huyện như Phước Kim, Phước Thành, Phước Chánh, Phước Công... đã bị tê liệt do nước ngập và không còn phương tiện nào đến được các địa bàn trên.

Nhiều cán bộ, giáo viên bị ách tắc không lên được các xã để công tác.

Để đảm bảo an toàn cho cầu Nông Sơn tại khu vực mở than Nông Sơn, trước đó Sở Giao thông cũng đã đình chỉ bến phà của mỏ than Nông Sơn vì không đảm bảo an toàn giao thông.

Mặc dù bị đình chỉ hoạt động, nhưng mỗi ngày tại bến phà này vẫn đưa đón hàng chục lượt phương tiện cơ giới chở than qua bến phà này gây nguy hiểm cho cầu Nông Sơn ở hạ lưu. Trong khi đó, nước lũ đầu nguồn sông Thu đang lên trên mức báo động 2.

Hiện trên địa bàn các huyện miền núi, các tuyến đường lên các xã vùng cao bị chia cắt và tắc nghẽn hoàn toàn do sát lở núi, do đường bị ngập tại một số công trình thuỷ điện, đã khiến đời sống của hàng nghìn người dân và cán bộ gặp khó khăn.

Vũ Trung


Kiên Trung - Quốc Huy