- Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội thống nhất sẽ đề xuất thực hiện giải pháp bố trí giờ học, giờ làm lệch ca. Xung quanh đề xuất này, một số chuyên gia cho rằng, cần phải cẩn trọng và nghiên cứu kỹ nếu không sẽ thiếu hiệu quả.

Bạn đang ngày ngày ngồi sau vô lăng ô tô, đang điều khiển xe máy hoặc sử dụng phương tiện vận tải công cộng cũng đều liên quan đến những vấn đề 'nóng' của giao thông hiện nay.

Phân làn hay không, như thế nào cho hợp lý? Hạn chế xe máy ảnh hưởng ra sao với bạn? Thu phí ô tô vào nội đô, nên hay không? Vì quyền lợi của chính mình và cộng đồng, bạn sẽ đưa ra quan điểm?

VietNamNet mở diễn đàn đóng góp ý kiến về những vấn đề 'nóng' trên. Những ý kiến, bài viết tham gia xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn hoặc box "gửi ý kiến phản hồi' sau mỗi bài viết.


Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội: 

- Sở GTVT, Bộ GTVT đề xuất việc thay đổi giờ làm, giờ học. Theo ông việc này có giải quyết được vấn đề giao thông đô thị tại Hà Nội?

Hiện nay đây cũng mới chỉ là đề xuất, cần phải nghiên cứu thêm, cũng chưa có phương án cụ thể nào cả. Đấy cũng là một giải pháp trong giao thông đô thị, một số nước đã áp dụng và có thành công nhất định.

Tôi chỉ có ước mơ là 5 năm nữa giao thông Hà Nội vẫn như hiện nay, đấy đã là thành công, tức là không tắc nghẽn thêm, chứ đừng nghĩ là giờ cao điểm đường sẽ vắng.

Tiến sĩ Khuất Việt HùngẢnh: Petro Times

Trong trường hợp điều chỉnh hợp lý, chắc chắn sẽ có tác dụng, còn hiện nay chưa có phương án cụ thể nào để chứng minh rằng nó tác động tới đâu.

Theo tôi, trước tiên cần nghiên cứu chuỗi chuyến đi, nhóm dân cư trong đô thị, để xác định các chuyến đi logic với nhau như thế nào, từng nhóm dân cư một. Nghiên cứu hoạt động một ngày của mỗi cá nhân, một ngày anh đi những đâu, sau đấy xác định hoạt động nào trước, hoạt động nào sau, thành thứ tự sau đấy sẽ sắp xếp thời gian theo nhóm, trong khoảng thời gian nào có bao nhiêu chuyến đi, nhiều hay ít, trong thời điểm đấy hạ tầng giao thông có đáp ứng được không?

Sau đấy mới sắp xếp, nếu trong khoảng đó có số lượng chuyến đi quá nhiều, cần điều chỉnh lại, một nhóm đi trước, nhóm đi sau. Bao giờ trong giao thông đô thị cũng phải xây dựng mô hình đấy, thì mới để xuất được phương án phù hợp.

Hiện nay cũng chưa có nghiên cứu và cũng chưa có đề xuất sẽ thực hiện thế nào, nên chưa thể nói được gì. Nhưng bản thân tôi cho rằng có nhiều khả năng sẽ được áp dụng, còn khả thi đến đâu thì cần nghiên cứu thêm.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo Hà Nội nghiên cứu, và Bộ trưởng sẵn sàng ủng hộ nếu phương án đấy có hiệu quả. Giờ phải xem Hà Nội nghiên cứu như thế nào, đổi luồng, đổi tuyến như thế nào.

Tuy nhiên việc này cũng tồn tại một nguy cơ là làm tăng số lượng chuyến đi, đấy là hoàn toàn có thể xảy ra.

Kế hoạch này tôi hoàn toàn đồng ý, tuy nhiên phải có nghiên cứu, có câu trả lời cho một số câu hỏi nghi vấn, giải quyết tất cả những vấn đề có thể phát sinh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam:

- Ý kiến của ông về việc đổi giờ làm, giờ học để giảm thiểu ùn tắc giao thông vừa được đề xuất?

Việc đổi giờ làm không phải là mới với Hà Nội, trước đây cũng đã nhiều lần đưa ra phương án này. Tuy nhiên, Hà Nội có nhiều cơ quan với các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt với các trường học, nên đưa ra rất nhiều lần, nhưng vẫn không thực hiện được.

Giờ đặt vấn đề là giờ làm nhưng việc đảm bảo hoạt động bình thường của các đơn vị là rất quan trọng, vì thay đổi giờ làm có thể làm thay đổi hoạt động của xã hội, nên cần rất thận trọng.

Cần nghiên cứu kỹ xem hiệu quả của nó như thế nào có giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông đến mức nào, và cân đối với lợi ích của xã hội làm sao cho hài hòa. Vì nó có thể làm thay đổi sinh hoạt của gia đình, chồng làm sớm, vợ làm muộn, con đi học một giờ thì sẽ gây xáo trộn. Cần xem xét kỹ vấn đề đấy.

'Thay đổi giờ làm có thể làm thay đổi hoạt động của xã hội, nên cần rất thận trọng'.

- Hà Nội cũng từng đề xuất và thực hiện thay đổi giờ làm để giảm ùn tắc năm 2007, nhưng không thành công, vậy theo ông nguyên nhân thất bại chính là gì?

Nguyên nhân chính vẫn là do xáo trộn cuộc sống của gia đình, như tôi đã nói ở trên, bố mẹ thay đổi giờ làm, nhưng con lại không thay đổi giờ học, thành ra bố mẹ phải đi làm sớm để đưa con đi học, nên cuối cùng không thay đổi được gì.

Nếu đổi giờ học, thì nên đổi giờ học của mẫu giáo và tiểu học, vì lứa tuổi này bố mẹ đều phải đưa con đi học.

- Có ý kiến cho rằng, nếu đổi giờ học và giờ làm thì dẫn tới tình trạng con đã tan trường nhưng bố mẹ chưa được về để đón, dẫn tới các gia đình phải bố trí thêm người để đi đón con, và như vậy sức ép lên giao thông nội đô sẽ lớn hơn. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Việc thay đổi giờ làm và giờ học rất cần cân nhắc, vì xã hội Việt Nam rất khác với các nước, các nước thì họ có xe buýt đưa đón, nhưng nước ta thì bố mẹ phải đưa đón con tới trường.

Hơn nữa, điều kiện kinh tế Việt Nam cũng có hạn, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để thuê người đưa đón con. Mà trẻ con học xong rồi không có người tới đón để chơi bời lung tung cũng rất nguy hiểm.

Vì vậy, vấn đề điều chỉnh giờ làm, giờ học để giải quyết ùn tắc cũng nên cân nhắc với lợi ích gia đình, tế bào của xã hội.

- Như ông nói, tại nhiều nước họ đã làm và rất thành công, vậy ta có nên thử không?

Đặc thù Việt Nam khác với các nước rất nhiều, các nước họ cũng không đổi tất cả, mà chỉ đổi giờ ở một số ngày, một số giờ cao điểm thôi và ở những tuyến phố nhất định. Ta cũng không nên quá rập khuôn theo nước ngoài, chỉ nên tiếp thu có chọn lọc, cái nào áp dụng được, cái nào không.

Cũng không ở đâu quy hoạch đô thị như ở Việt Nam, công nhân các khu công nghiệp ở rải rác khắp nơi, đến giờ làm họ lại ùn ùn kéo tới, như vậy gây một sức ép rất lớn lên hạ tầng giao thông.

- Vây theo ông giải pháp trước mắt nào để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay?

Trước tiên là phải đặt mục tiêu giảm ùn tắc đến mức nào là được, chứ không phải là cứ thế mà làm và không biết mục tiêu là gì. Chẳng hạn giảm tỉ lệ ùn tắc từ 50 xuống còn 20, hoặc từ 50 điểm ùn tắc xuống còn 25 điểm trong 5 năm tới chẳng hạn.

Ngoài ra, cũng phải giải quyết tốt các vấn đề giao thông đô thị đang tồn tại rất nhiều hiện nay, như trả lại lòng đường cho phương tiện, vỉa hè cho người đi bộ; nghiên cứu lại giao cắc đường đô thị, chỗ nào có xung đột thì cần tìm giải pháp để giải quyết; giải quyết nhanh giao thông tĩnh, điểm đỗ cho xe cộ; phân làn phương tiện trên các tuyến phố đủ điều kiện; hạn chế phương tiện cá nhân vào những thời điểm nhất định, trên một vải tuyến phố...

TS. Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị cho biết:

Có thể thay đổi thời gian đi làm của các cơ quan, xí nghiệp trong đô thị, và giờ đi học của học sinh. Nhưng lưu ý phải cách nhau khoảng một tiếng đồng hồ, chứ không phải nửa tiếng như vừa rồi (kế hoạch năm 2007).

Ví dụ, học sinh cấp1 đi học lúc 7h, thì học sinh cấp 2 đi học lúc 8h, hoặc học sinh đi học lúc 7h thì các cơ quan đi làm lúc 8h, cách nhau khoảng 1 tiếng trở lên thì mới có tác dụng.

'Giải pháp nào cũng phải được tính toán kỹ, các em mầm non, cấp 1 cần phải gia đình đưa đón, thì ta phải tính toán sao cho hợp với thời gian đi làm của bố mẹ, rồi các trường hợp đặc biệt cũng phải tính toán'.

Còn giờ tan tầm, các cơ quan Trung ương về lúc 16h, còn các cơ quan của Hà Nội về lúc 17h. Đấy là việc bình thường không có vấn đề gì ảnh hưởng đến đời sống hay tập tập của người dân.

- Khi tan trường, trường học có thể sẽ tan sớm hơn các cơ quan, dẫn tới tình trạng phụ huynh chưa được nghỉ để tới đón con, phải thuê thêm người để đi đón con, thêm người tham gia giao thông? 

Giải pháp nào cũng phải được tính toán kỹ, các em mầm non, cấp 1 cần phải gia đình đưa đón, thì ta phải tính toán sao cho hợp với thời gian đi làm của bố mẹ, rồi các trường hợp đặc biệt cũng phải tính toán.

Các nước họ cũng làm nhiều, và có hiệu quả, thậm chí hiệu quả hơn nhiều các giải pháp cấm, hoặc buộc đi xe buýt, mang tính khiên cưỡng, áp đặt. Còn việc điều chỉnh giờ làm là mang tính công bằng hơn, người dân có thể chọn phương tiện để đi, thời gian rải ra để tránh bị dồn ứ cùng một thời điểm.

Bạn đang ngày ngày ngồi sau vô lăng ô tô, đang điều khiển xe máy hoặc sử dụng phương tiện vận tải công cộng cũng đều liên quan đến những vấn đề 'nóng' của giao thông hiện nay.

Phân làn hay không, như thế nào cho hợp lý? Hạn chế xe máy ảnh hưởng ra sao với bạn? Thu phí ô tô vào nội đô, nên hay không? Vì quyền lợi của chính mình và cộng đồng, bạn sẽ đưa ra quan điểm?

VietNamNet mở diễn đàn đóng góp ý kiến về những vấn đề 'nóng' trên. Những ý kiến, bài viết tham gia xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn hoặc box "gửi ý kiến phản hồi' sau mỗi bài viết.


Vũ Điệp (thực hiện)