- Làm công chức Nhà nước được 23 năm nhưng tính đến thời điểm này (khi lương cơ bản đã tăng lên 730.000 đồng/tháng) mỗi tháng chị T. nhận được khoảng 2 triệu đồng (sau khi trừ hết các khoản phí phải nộp).

LTS: Những bất cập về lương công chức không còn là vấn đề mới, nhưng luôn nóng trong dư luận. Dù đã nhiều lần đưa ra bàn bạc, kết quả là vẫn chưa có cuộc “cách mạng” nào diễn ra nhưng cứ mỗi lần được xới lên thì câu chuyện lương công chức vẫn trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.

 

Không phải ai là công chức cũng có cơ hội được ngồi ở vị trí có nhiều “bổng lộc”, cũng không phải ngành nghề nào cũng có thể mở các dịch vụ xã hội hóa nhằm tăng thu. Trên thực tế, có một bộ phận (có lẽ không nhỏ) những công chức đang phải sống chật vật với đồng lương còm cõi.

 

Họ thường xuyên rơi vào tình trạng “chưa hết tháng đã hết tiền”, thậm chí có những công chức trẻ đã phải đau đáu trước quyết định lập gia đình vì lương quá bèo bọt. Để có thể tồn tại (chưa nói đến phát triển), họ đang phải chắt chiu từng đồng, không hiếm người phải bươn chải làm thêm đủ việc ngoài giờ hành chính để kiếm thêm thu nhập.

 

VietNamNet "vẽ lại bức tranh" đời sống công chức hiện nay.


Hết lương ngay từ đầu tháng

Do thời gian tính ngạch bậc chậm so với thời điểm bắt đầu đi làm, nên đến nay, sau 23 năm làm việc, hệ số lương của chị T. (hiện đang công tác tại văn phòng Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia) là 3,3. Trước khi về làm công tác văn phòng, chị T. là quan trắc viên của Đài khí tượng thủy văn Việt Bắc. Năm nay chị 41 tuổi.

Chồng chị T. làm lái xe, cùng cơ quan với chị. Bậc lương của anh là 2,77. Tổng cộng mỗi tháng (sau khi trừ hết các khoản phí), cả 2 vợ chồng anh chị nhận được khoản lương khoảng 3,6 triệu đồng.

Công chức luôn sống trong cảnh chưa hết tháng đã hết tiền - Ảnh minh họa, nguồn Internet
“Nhà có 2 con nhỏ và ông bà nội, nhưng rất may ông bà nội còn khỏe và cũng có lương hưu nên con cái không phải gánh vác gì. Khoản tiền 3,6 triệu đó chỉ đủ cho 2 đứa nhỏ (1 đứa 9 tuổi, 1 đứa 6 tuổi) đóng học, ăn bán trú, học thêm, đường sữa bồi dưỡng.

"Như vậy, ngay từ đầu tháng, 4 miệng ăn đã không còn một đồng. Vợ chồng tôi thường rơi vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền, phải vay mượn hoặc tạm ứng để xoay sở với những việc khẩn cấp, đột xuất”, chị T. chia sẻ.

Còn chị H., sau hơn 20 năm làm trong ngành thống kê tại Hà Nội, chị nhận mức lương vỏn vẹn gần 3 triệu đồng/tháng. Chồng chị nghỉ hưu sớm vì ốm yếu với mức lương trên 1 triệu/tháng. Cả 4 miệng ăn trông vào khoản tiền 4 triệu còm cõi này.

Chị tính chi ly: Mỗi tháng gia đình chi cho chuyện ăn uống của 4 người (gạo, thức ăn, rau dưa mắm muối) khoảng 1,5-1,7 triệu đồng. Với điều kiện giá tăng chóng mặt như hiện nay thì khoản này có thể chênh lên đến 2,2 triệu đồng/tháng. Tiền điện thoại cố định hết 100 ngàn, điện thoại di động hết 150 ngàn, gas và tiền vệ sinh mất khoảng 100 ngàn, tiền xăng xe hết 200 ngàn, tiền xà phòng kem đánh răng và quần áo giày dép khoảng 300 ngàn.

Các con đi học đã đóng "một cục" các khoản từ đầu năm, nhưng hàng tháng 2 đứa vẫn mất khoảng 800.000 tiền học thêm các môn, chưa kể các khoản phát sinh như tiền photo tài liệu, tiền quỹ Đoàn quỹ hội… Bản thân chị H. còn phải đảm đương các công việc "đối nội đối ngoại" của cả gia đình. Tính chi ly, cả tháng gia đình chị không còn một đồng nào để dự phòng.

Chị H. chua chát kể lại câu chuyện có thật của mình: “Trong một lần đi họp lớp ĐH sau 20 năm ra trường, mỗi chúng tôi được thông báo mỗi người đóng góp 300 ngàn (chỉ định liên hoan ăn uống chứ không đi chơi).

Sau khi liên hoan xong, bạn bè cao hứng rủ đi hát, mỗi người đóng thêm 200 ngàn nữa. Tôi hoảng quá, liền tìm thời điểm thích hợp rồi lặng lẽ ra về. Biết đâu ở lại sẽ có thêm khoản gì phát sinh thì tôi biết tính sao? Đóng góp 300 ngàn đã là sự cố gắng và ủng hộ rất lớn của cả tôi lẫn chồng”.

Não nề lương công chức

Đọc câu chuyện cá nhân của chị T., chị H., nhiều công chức chắc chắn sẽ thấy hình ảnh của mình trong đó. Bởi, hàng ngày họ cũng đang phải đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền tương tự.

Trên thực tế, có một bộ phận (có lẽ không nhỏ) những công chức đang phải sống chật vật với đồng lương còm cõi - Ảnh minh họa, nguồn Internet
Kinh tế chật vật nhưng chị T. vẫn cảm thấy không quá khổ sở vì ít nhất chị không phải đi thuê nhà. Tại cơ quan của chị T., có những công chức trẻ đã có gia đình là người ngoại tỉnh đang phải đi thuê nhà thì cứ đến nửa tháng hoặc quãng 2/3 thời gian của tháng đã thấy mọi người ứng tiền để chi tiêu hoặc trả tiền thuê nhà (mặc dù đã dè sẻn hết mức). Công chức trẻ chưa lập gia đình cũng khốn đốn không kém vì đồng lương quá thấp.

Thuê nhà mãi đoạn gần cầu Đuống để được giá rẻ, mỗi tháng vợ chồng anh Kiên cũng mất 1 triệu đồng tiền nhà (cả điện, nước). Căn phòng chỉ khoảng 20m2, cô con gái nhỏ 14 tháng tuổi không còn chỗ mà chơi đùa nhưng anh Kiên không còn cách nào khác, bởi hàng tháng cả 2 vợ chồng chỉ được ngót nghét 4 triệu/tháng.

Anh Kiên và vợ đều là nhân viên tại một cơ quan Nhà nước về in ấn, xuất bản sách. “Khi chưa có con, cuộc sống còn “dễ thở”, không ngờ có con rồi lại lao đao thế này”, anh Kiên chua chát.

Cũng vì “lao đao” nên dù ông bà nội ngoại giục giã đưa cháu về chơi nhưng anh chị rất hiếm khi về quê. Anh Kiên ngồi tính chi li: “Mỗi lần về quê là trăm thứ tiền phát sinh, từ tiền đi lại tới quà cáp, biếu xén. Mỗi lần về quê xuống đây là cả 2 vợ chồng lại càng phải chắt bóp để túi tiền không bị thâm hụt thêm”.

Gần về hưu lương vẫn “ba cọc ba đồng”

Chọn lựa và khảo sát ngẫu nhiên của VietNamNet đối với lương của 770 công chức đang làm việc tại 5 cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy: Trong số 74 công chức sinh trước năm 1960 (nay đã sắp về hưu) không ai hưởng lương quá 4 triệu đồng/tháng.

Người lớn tuổi nhất trong nhóm được khảo sát sinh năm 1955, có thâm niên vượt khung đang hưởng mức lương 3.489.000 đồng/tháng. Người vừa có phụ cấp chức vụ, vừa có thâm niên vượt khung hưởng mức lương cao nhất là 3.898.000 đồng.

Nhóm công chức sinh năm 1960-1970 về cơ bản có mức lương dao động từ 2,3 đến 2,7 triệu đồng/tháng; nhóm công chức sinh năm 1970-1980 có mức lương dao động từ 1,9 đến 2,4 triệu đồng/tháng (dù nhỏ tuổi hơn nhưng thâm niên có thể nhiều hơn nên có một số đối tượng thuộc nhóm tuổi này có lương nhỉnh hơn nhóm sinh năm 1960-1970).

Đặc biệt là nhóm công chức trẻ (sinh từ năm 1980 trở đi) có mức lương “suy dinh dưỡng” từ 1.450.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/tháng.

Trong số này có những người làm quản lý (có phụ cấp chức vụ), đại đa số còn lại đều chỉ là nhân viên/chuyên viên thông thường và đều làm ở các cơ quan khó có “cửa” mở dịch vụ để tăng thu (như bảo tàng, thư viện, ngành thống kê, khí tượng, giáo viên mầm non, giáo viên dạy môn phụ, các vị trí hành chính, chuyên viên thông thường, v..v…).

Lại chuyện con gà – quả trứng?

Làm Nhà nước được nhiều người cho rằng nhàn hạ, ổn định, có thể có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Vì vậy, lương công chức hiện nay thấp so với mức sống chung của toàn xã hội nhưng không thấp so với hiệu quả công việc mà họ tạo ra.

Tuy nhiên, các công chức thì phản bác điều này. Họ cho rằng vì chúng ta cào bằng mọi thứ nên công chức làm ít hay làm nhiều cũng không có sự phân biệt, vì vậy không ai bảo ai nhưng không có ai làm hết công suất, chỉ đợi đến giờ về. Bằng chứng là tại các đơn vị sự nghiệp có thu, khi người ta có thể mở dịch vụ để vừa phục vụ xã hội vừa kiếm thêm thu nhập thì mọi người làm việc rất hăng say.



  • Cẩm Quyên

Bài 2: Đắn đo lập gia đình, không dám sinh con vì lương thấp