Lần đầu tiên sau 62 năm thành lập, Hội Nhà văn Việt Nam (số 9, Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã quyết định… đi kiện. Bị đơn là UBND quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội.

Người đứng đơn khởi kiện vụ án hành chính là ông Nguyễn Trí Huân – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người được Hội ủy quyền. Bị đơn là UBND quận Hai Bà Trưng, người đại diện là ông Phan Tiến Bình – Chủ tịch UBND quận.

Ngày 20/10/2011, TAND quận Hai Bà Trưng đã tiếp nhận đơn kiện của Hội NVVN. Theo đó, Hội Nhà văn VN khởi kiện QĐ số 234.61.QĐUB/2007 của UBND quận Hai Bà Trưng về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhị và ông Trần Duy Bình (số nhà 9A – Nguyễn Đình Chiểu, phường Nguyễn Du) vì chiếm dụng đất công sản đã được giao cho Hội NVVN quản lý sử dụng.

Lần đầu tiên sau 62 năm thành lập, hội Nhà văn Việt Nam quyết định đi kiện.
 

Năm 1990, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có văn bản số 3379.QT chuyển giao quyền sử dụng và quản lý ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, HN) cho Hội NVVN với tổng diện tích 700m2, gồm: khu nhà chính 3 tầng (152m2); nhà phụ 1 tầng mái ngói (59m2); bếp và nhà ăn mái bằng (21m2) cùng toàn bộ sân vườn.

Trước đó, trụ sở này thuộc quyền quản lý của Ủy ban TWMTTQVN. Bà Nguyễn Thị Nhị là nhân viên của cơ quan này.

Khi tiến hành xây dựng trên phần diện tích nói trên, Hội Nhà văn Việt Nam có cho bà Nguyễn Thị Nhị (là cán bộ cũ của Ủy ban TƯMTTQ) mượn một ngôi nhà cấp bốn sát với mặt đường Nguyễn Đình Chiểu có diện tích 26m2 để ở tạm.

Qua gần 20 năm, bà Nhị đã không di chuyển mà còn nhiều lần làm đơn đề nghị Hội NVVN cho bà được sửa chữa, cải tạo chỗ ở. Năm 2010, bà Nhị tiến hành xây dựng ngôi nhà bốn tầng khang trang trên thửa đất mà Hội NVVN trước đây cho mượn.

“Hội đã nhiều lần gửi giấy mời gia đình bà Nhị gặp gỡ để trao đổi vấn đề trên nhưng bà Nhị không chấp nhận. Việc làm trên của bà Nhị là hành động lấn chiếm đất đang thuộc quyền quản lý và sử dụng hợp pháp của Hội NVVN” - ông Đỗ Văn Hàn, Chánh Văn phòng Hội NVVN bức xúc.

Ngôi nhà số 9A theo những căn cứ pháp lý của Hội Nhà văn VN thuộc đất công sản đã giao cho Hội quản lý và sử dụng từ năm 1990.

Tháng 10/2010, Hội NVVN có văn bản số 608/HNV gửi UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng); UBND quận HBT, Sở Xây dựng TP.Hà Nội; Cục quản lý Công sản (Bộ Tài chính); Sở Tài nguyên – Môi trường TP.Hà Nội để báo cáo và kiến nghị giải quyết vụ việc trên.

Ngày 28/11/2010, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản phúc đáp Công văn 608 của Hội Nhà văn với nội dung: Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhị tại địa chỉ số 9 Nguyễn Đình Chiểu đã được UBND quận HBT cấp giấy phép xây dựng với quy mô 03 tầng có một gác lửng; tổng diện tích sàn: 176,61m2 theo giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất do phó chủ tịch UBND quận HBT Lâm Anh Tuấn ký cấp phép ngày 24/12/2007.

Đến lúc này, Hội Nhà văn VN mới ngỡ ngàng khi biết đất công sản của Hội cho mượn đã bị người dân chiếm dụng và được UBND quận HBT “hợp pháp hóa” bằng việc cấp sổ đỏ cho bà Nguyễn Thị Nhị.

“Sau đó, qua tìm hiểu và làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, Hội NVVN được biết, việc cấp giấy CNQSDĐ và nhà ở cho bà Nhị dựa trên cơ sở tờ trình số 454/TTr-CGCN kèm theo dự thảo giấy chứng nhận của Cty Quản lý và Phát triển nhà HN gửi tới UBND quận HBT đề nghị cấp” – ông Hàn thông tin.

“Việc ban hành và quy trình thực hiện để cấp các QĐHC nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật”. 

Ông Hàn dẫn chứng: Ngày 18/11/2010, Bộ Tài chính có văn bản số 15726/BTC-QLCS trả lời công văn 608 của Hội NVVN. Trong văn bản này, Bộ Tài chính nêu rõ: Cơ sở số 9 Nguyễn Đình Chiểu do Hội NVVN quản lý, sử dụng.

Bộ Tài chính đề nghị Hội NVVN cùng các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội phối hợp, thực hiện việc di dời hộ bà Nguyễn Thị Nhị ra khỏi khuôn viên cơ sở trên, đồng thời có Hội có trách nhiệm hỗ trợ chi phí di dời cho gia đình bà Nhị theo quy định pháp luật hiện hành.

Kiên Trung

(còn nữa)