Xung quanh thị xã Cao Bằng có tới gần chục bãi tập kết quặng thô. Có thể kể tên như: trạm cân km5, phường Đề Thám, bãi tập kết tại công ty sản xuất phân bón Quang Minh (thôn Khau Đồn, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An), các bãi tập kết trong khu đô thị mới (ngã 5 đường mới)… Những bãi quặng này sẽ được đưa đi đâu?

>> Bài 1: Bán quặng xuyên biên giới như ... bán rau!
>> Bài 2: Phá cả nhà để đào quặng đem bán

>> Bài 3: Xâm nhập điểm "tập kết" quặng vùng biên

Đi ăn… quặng bẩn!

 

Một đêm cuối tháng 9, chúng tôi gia nhập đoàn xe chở quặng thuê sang cửa khẩu Tà Lùng. Điểm bốc quặng là một mỏ sắt có tên Nà Lủng thuộc cây số 12, xã Chu Trinh, thị xã Cao Bằng.

 

20h30 tối, xe chúng tôi bắt đầu khởi hành. Bỏ qua con phố thắp đèn sáng trưng của thị xã, chiếc xe gầm gừ lao vào màn đêm, hướng theo đường quốc lộ 3 xuống huyện Thạch An. Trời miền núi, lại áp mùa đông, sương đêm lạnh buốt. Sau lưng chúng tôi, khách sạn Tây Giang mỗi lúc một lùi xa. Đó là biểu hiện duy nhất của cuộc sống thị thành trong đêm.

 

 

Trạm cân Tà Lùng (huyện Phục Hòa) - nơi tập kết và làm thủ tục cho các xe quặng trước khi xuất thô sang biên giới.
Đường vào điểm lấy quặng dốc dựng ngược, xóc kinh hoàng vì có nhiều ổ voi, ổ trâu nối tiếp nhau. Theo ánh đèn xe hắt ra hai bên, con đường mà chúng tôi đang giẫm lên hẹp chừng 3 mét, đủ để đặt vừa vặn bốn bánh xe kềnh càng. Hai bên là những khoảng tối sậm, nhìn kỹ mới biết đó là những hố quặng đã được máy xúc xúc thành những hố sâu hoắm.

 

 

Lên bãi đất trống, H. (người tài xế điều khiển xe) mở cửa nhảy xuống. Dưới đêm, công trường khai quặng rộng mênh mông nhấp nhô những đống đất chất cao như núi, được soi lấp ló dưới ánh sáng nhờ nhờ của những bóng đèn điện mỏ chạy thành một vệt dài dọc theo những con đường khai mỏ. Theo những con đường này, những chiếc xe khác cứ tự bò đến, nửa chậm chạp, nửa vội vã. Có một chiếc máy xúc đứng sẵn như thế, làm công việc vục gầu múc quặng cho lên xe.

 

H. điều khiển xe đánh thẳng vào một điểm được rọi bằng một bóng đèn điện đỏ quạch. Một chiếc máy xúc đã đứng sẵn đó bên cạnh những đống chất lùm lùm đen sẫm. Đó là quặng sắt còn lẫn nguyên đất, và được gọi là quặng bẩn.

 

Nhận hàng xong, H. đánh xe ra trạm cân trước khi chạy về Phục Hòa, nơi có cửa khẩu Tà Lùng.

 

Ngủ đêm ở đường biên

 

Con đường độc đạo dẫn vào các huyện Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Phục Hòa… thông với huyện Long Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) qua các cửa khẩu Hùng Quốc (huyện Trà Lĩnh), Pò Peo (huyện Trùng Khánh), Tà Lùng (huyện Phục Hòa). Ngoài ra, còn rất nhiều các cửa khẩu nhỏ khác như Thị Hoa, Lý Văn (huyện Hạ Lang), Đức Long… và nhiều cái có tên và không tên, bởi một lẽ, với hơn 320km đường biên, sức người có hạn, những con đường tiểu ngạch xé núi để tuồn hàng lậu (trong đó phần lớn là quặng thô) sang Trung Quốc có lẽ chẳng ai kiểm đếm được.

 

 

Mỗi một xe như thế này, tải trọng không dưới 80 tấn quặng thô. Như thế, chỉ với 30 xe chở quặng, một đêm Cao Bằng bị chảy máu hàng ngàn tấn quặng

Tuy nhiên, xe của chúng tôi cùng với nhiều xe chở quặng khác sẽ đường hoàng xuất cảnh qua cửa khẩu Tà Lùng – cửa khẩu lớn nhất của Cao Bằng. Theo lời H., sẽ phải làm thủ tục giấy tờ xuất cảnh, kiểm dịch hàng hóa, pát-po cho lái xe vào buổi sáng hôm sau. Cho nên, xe nào lên sớm hay lên muộn, cuối cùng cũng đều ngủ đêm lại vùng biên tại một trại tập kết (giống như bến xe), đồng thời, điểm này cũng là trạm cân lần cuối trước khi quặng được đưa qua cửa khẩu.

 

 

Xe qua một loạt các địa danh, có chỗ nhìn được, có chỗ không. Đường vào các huyện vùng biên nhỏ hẹp, ban ngày hai xe tránh nhau đã khó, huống hồ ban đêm. Những khung cảnh lạ lẫm lần lượt trôi qua ánh đèn pha loang loáng: những khu dân cư đông đúc im lìm ngủ, những cánh đồng ngô lên bời bời cao ngang ngực người, những đỉnh núi là một khoảng tối sẫm không lẫn trong bóng đêm…

 

Đèo Mã Phục trôi qua trong đêm bằng ngã ba, một hướng rẽ Trà Lĩnh, một hướng đi Trùng Khánh. Có tấm biển quảng cáo điểm du lịch hồ Thang Hen bên phải đường. Xe chúng tôi chạy thẳng. Đó là hướng đi về cửa khẩu Tà Lùng.

 

01h30 phút sáng, xe chúng tôi đến điểm tập kết an toàn. Có khoảng chục con xe y hệt đã nằm sẵn, chúc đầu về phía cổng. Tất cả đều là xe chở quặng.

 

 

Đội xe chở quặng thuê hùng mạnh nhất ở Cao Bằng đều là xe mang BKS của Thái Nguyên.
Sương đêm sà sát nóc xe. Cả khoảng không phía trước mắt nhàn nhạt một màu sương trắng. Chúng tôi ngủ ngồi trong ca-bin chật chội. 

 

Đội chở quặng đêm 28/9 có 30 xe. Đây là đêm thứ 4 liên tiếp trong tuần H. sẵn việc, chạy liền một lèo. Có đợt, vì không gom đủ quặng nên xe không có việc, phải nằm khan. Tính trung bình, mỗi xe chở 60 tấn, một đêm từ mỏ sắt Nà Lủng, 2.000 tấn quặng được di dời sang Trung Quốc. Tuy nhiên, có những thời điểm nhiều quặng, một đêm có 50 xe chuyên chở.

 

Giá cước vận chuyển được trả 160 ngàn đồng/tấn. Đó là mức giá sau khi đã được chủ quặng trừ chi phí dọc đường, bôi trơn cửa này cửa khác, tiền luật lá... Thế nên, dọc đường không bị công an, hải quan, hay biên phòng “hỏi thăm”. Mình chỉ việc lấy quặng rồi chở đến đây, thủ tục họ lo hết, như thế là an toàn” – H. kể chuyện.

 

Vì cách tính toán như trên nên việc cân đối trọng lượng quặng mỗi lần chở là một vấn đề nan giải: lấy số quặng x 160.000đ/tấn sẽ ra tiền công cho một xe hàng. Nếu ít quá (dưới 60 tấn) thì chủ xe lại phải gánh tiền dầu; nếu vượt tải (trên 60 tấn) lại mất tiền thuê xe xúc múc quặng đổ ra. Một chuyến hàng, mỗi xe nhận gần 10 triệu tiền công, trừ chi phí dầu mỡ… còn lời chừng 5-6 triệu đồng.

 

Như thế, chỉ trong bốn ngày liên tiếp (khoảng từ 23 – 27/9), chỉ tính với 30 đầu xe, mỗi xe chở 60 tấn quặng thô, trong chưa đầy một tuần, ước tính số quặng thô Cao Bằng bị chảy máu lên đến cả chục ngàn tấn – một con số không hề nhỏ. Đó là chưa kể đến còn nhiều điểm tập kết quặng khác, cũng trong thời gian trên họ cũng có đội xe tuồn quặng sang Trung Quốc mà chúng tôi chưa biết!


Kiên Trung