- Theo luật Hôn nhân gia đình, chuyện vi phạm chế độ một vợ một chồng là phạm pháp và tùy mức độ, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, việc đưa được một người ra xử hình sự “tội ngoại tình” cũng không phải dễ. 

Nỗi uất ức của bà vợ bị 'cắm sừng'

Cũng giống như chị Y. (ở kỳ 2 loạt bài này), chị Nguyễn Thị H. (SN 1983, trú tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng chung cảnh ngộ khi phải chứng kiến người chồng của mình có một đám cưới rình rang với cô vợ mới khi mà chị H. và chồng còn chưa ra tòa ly dị.

Thời con gái, chị H. cũng sắc nước hương trời, bỏ qua những “vệ tinh” vây xung quanh, chị nhận lời yêu anh Nguyễn Đăng T. (SN 1983, trú tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Họ cũng có một đám cưới “hoành tráng”, có tuần trăng mật ngọt ngào như bao cặp vợ chồng khác.

Chị Nguyễn Thị H.

Thế nhưng, hạnh phúc chưa được bao lâu, khi đứa con còn đỏ hỏn thì chị H. đã thấy chồng lạnh nhạt với mình.

Bỏ qua những tin đồn về việc mình đang bị chồng “cắm sừng”, cuối cùng chị H. phải cay đắng chứng kiến người chồng của mình súng sính trong vai chú rể, đón cô dâu mới trong bộ váy cưới rực rỡ.

Uất ức, chị H. đã “tố” chuyện với cơ quan công an. Công an xã Sơn Đồng can thiệp nhưng anh T. vẫn tổ chức đám cưới, chung sống với người mới và có con chung.

Công an xã Sơn Đồng sau đó đã lập biên bản vi phạm hành chính trong hôn nhân và gia đình đối với anh T. Ngày 12-7-2011, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (300 nghìn đồng) đối với “người mới” của anh T. , buộc cô vợ mới phải chấm dứt ngay việc sống chung, quan hệ như vợ chồng với anh T.

Dù vậy, hai người này vẫn “làm ngơ”. Bởi vậy, VKSND huyện Hoài Đức đã truy tố Nguyễn Đăng T. về tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng”. Ngày 26/9, TAND huyện Hoài Đức đã tuyên anh T. 9 tháng cải tạo không giam giữ vì tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng”.

“Đàn ông năm thê bảy thiếp chẳng ai dị nghị, nhưng khi người vợ đòi sự công bằng và tìm đến các cơ quan pháp luật để “tố” tội của chồng thì bị người ta ném cái nhìn ghẻ lạnh, nói là “ghê ghớm”, nổi máu ăn thua”, lời chị H.

Khó tìm “dấu vết” ngoại tình

Theo luật Hôn nhân gia đình, chuyện vi phạm chế độ một vợ một chồng là phạm pháp và tùy mức độ, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, việc đưa được một người ra xử hình sự “tội ngoại tình” cũng không phải dễ.

Trao đổi với VietNamNet, vị Phó Chánh án, TAND Thành phố Hà Nội cho biết: Thực ra tội danh "vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng" thuộc nhóm tội ít nghiêm trọng, mức hình phạt cao nhất là từ 3 tháng đến 1 năm tù giam.

Dấu hiệu điển hình của loại tội này là người phạm tội đã có vợ hoặc chồng nhưng lại đi "chung sống như vợ chồng" với người khác. Tuy nhiên, để đánh giá thế nào là “sống như vợ chồng" là không đơn giản.

Trên thực tế, người ta đi ngoại tình đầy ra, nhưng để chứng minh họ sống chung như vợ chồng lại không dễ, bởi lẽ, người đi ngoại tình có thể chỉ sống với nhau vài ngày, vài tháng, hoặc họ không có tài sản chung... nên khó xác định hành vi.

Kinh nghiệm nghề nghiệp của ông cho thấy, có những bà vợ vì nghĩ uất ức mà tố cáo chồng tội 'Vi phạm chế độ một vợ một chồng' chứ chưa thấy ông chồng nào lại đi “vạch áo cho người xem lưng” cả.

“Và kết cục đau lòng đã xảy ra. Trong nhiều trường hợp, đàn ông mà ghen hoặc phát hiện mình bị “cắm sừng”, đã xảy ra các vụ đánh, giết tình địch..., gây ra những vụ án kinh hoàng để “rửa hận” chứ ít người làm đơn tố các như các bà vợ”, lời vị thẩm phán.

T.Nhung