- Sinh ra 7 người con thì có 4 người bị điên, 1 người bị di chứng chất độc da cam nằm quặt quẹo. Hai vợ chồng già hằng ngày thay nhau chăm sóc những người con điên, bệnh tật. Đã biết ý từng người nhưng không làm sao tránh nổi những trận đòn “đánh ngược” của con mỗi khi lên cơn.

“Nó điên có biết gì đâu, có đánh mình “dập đầu chảy máu” cũng chịu”. Lỡ bị thương thì lo kiếm dầu sức, biết làm sao bây giờ” - ông Huỳnh Bảy 74 tuổi, ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, Phú Yên - một người cha bao nhiêu năm qua nuôi đàn con điên dại giãi bày.

Ngôi nhà bất hạnh

Con gái đầu Huỳnh Thị Công, năm 20 tuổi bỗng dưng mắc bệnh điên bỏ nhà đi lang thang. Những năm ấy kinh tế gia đình túng quẫn vì con đông, ông Bảy hằng ngày đi làm rẫy từ sáng sớm đến tối mịt mới về.

Vừa dựng cái cuốc xuống chái bếp, cởi áo ra ngồi nghỉ mệt chưa ráo mồ hôi nghe bà vợ nói con Công chưa về ông lại xỏ cái áo ướt đẫm mồ hôi vào đi tìm. Có lúc Công đi dọc bờ sông Trà Bương, có lúc lên đến tận ngã ba Gò Bông (xã Xuân Phước).

Huỳnh Thị Thu Hiền là đứa con gái đẹp nhất nhà, lấy chồng chưa giáp năm thì cũng mắc bệnh điên ngồi co ro trong xó nhà


“Mười ngày như chục”, tìm được con về ông mới ăn cơm tối, cho dù có ngày bụng đói rã ruột ông vẫn đi tìm, chứ bỏ con ngoài đường ngoài sá ông thấy tội nghiệp. Sau đó vài năm, bệnh nặng dần, Công 'theo ông theo bà'.

Chưa mãn tang Công thì người con thứ hai Huỳnh Kim Danh lại mắc bệnh điên. Ông Bảy nói: “Thằng Danh sức khoẻ tốt lắm, mùa thu hoạch mía nó làm luôn trưa trong gò mà không biết mệt. Đang làm ăn ngon lành, tối ngủ sáng ra nói xàm, rồi từ đó điên luôn. Mỗi lần Danh lên cơn điên hung dữ lắm, đến bữa ăn tôi tìm cách trói Danh lại, má nó đút từng muỗng cơm, dù có “chút ít” (võ) nhưng không làm sao tránh bị ăn đòn. Đó là tôi né và đỡ được nhiều cú đấm đá chứ tay ngang, không vô tiếp cận được nó đâu”.

Kinh tế gia đình hết sức khó khăn, hằng ngày ông Bảy cùng 3 người con (1 trai, 2 gái) làm quần quật, hết công việc ngoài đồng rồi vô trong gò, tuy vậy trong nhà vẫn thiếu trước hụt sau.

Huỳnh Tâm, người con thứ 4 trong gia đình ông rất ham làm, “buông cây cày bắt cái cuốc”. Trong một lần đi làm rẫy, Tâm bước chân lên đống lá khô mục, bị con rắn hổ phì cắn phập vào chân phải.

Ban đầu tháo khớp gối, nọc độc tiếp tục lan truyền, bác sĩ tháo khớp háng. Cũng từ đó Tâm mắc luôn chứng bệnh điên, gương mặt vô hồn.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, Huỳnh Thị Thu Hiền là đứa con gái đẹp nhất nhà, lấy chồng chưa giáp năm thì cũng mắc bệnh điên. Hiền đang ngồi co ro trong xó nhà, đôi mắt nhìn mông lung.

Bà Nguyễn Thị Thành, vợ ông Bảy nhìn Hiền, thở dài: “Nghe tin con Hiền bị bệnh điên đầu óc tôi quay cuồng, nghĩ ông trời chưa chịu buông tha. Sau đó nhà chồng đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi, cuối cùng thằng chồng nó nhờ người chở, nó ngồi sau ôm con Hiền đưa về đây. Bước vô nhà, chồng nó thưa: con “trả” Hiền lại cho ba má, rồi lặng lẽ ra về”.

Con gái út Huỳnh Thị Nữ, bị nhiễm di chứng chất độc da cam, tật nguyền đi chân thấp chân cao. Lúc trái gió trở trời, đôi chân yếu ớt đi loạng choạng đành phải ngồi lết.

Còn Huỳnh Thị Kim Thuý, người lành lặn năm nay đã hơn 30 tuổi, “quá lứa” rồi mà vẫn chưa có chồng.

Xoa dịu nỗi đau

Những đứa con trong gia đình liên tiếp điên dại, vợ chồng ông Bảy chưa một lần ngồi ăn bữa cơm ngon miệng.

Nhìn thấy con, cơm trong chén không bưng ăn mà cứ lượm cơm đổ, vợ chồng bà nuốt không trôi cơm dù bữa ấy có canh nhưng cứ nghẹn ở cổ.

Câu chuyện gia đình ông Bảy bà có 4 người con điên dại, 1 người bị nhiễm chất độc da cam cả xã ai cũng biết.

Hội đoàn thể xã thấy vậy họp xét đề nghị các con và ông bà hưởng trợ cấp xã hội. Nhờ vậy, hiện tại hằng tháng có tiền chi tiêu, tuy không nhiều những cũng đủ đắp đổi qua ngày. Bà Thành nhớ lại: “Lúc chưa có tiền trợ cấp của Nhà nước thì vay mượn ăn trước trả sau. Làm một năm không dư một đồng giắt túi”.
 

Kinh tế gia đình hết sức khó khăn, hằng ngày ông Bảy cùng 3 người con (1 trai, 2 gái) làm quần quật, hết công việc ngoài đồng rồi vô trong gò, tuy vậy trong nhà vẫn thiếu trước hụt sau.


Nhớ lại trước đó, những ngày tháng kinh tế gia đình khó khăn, tờ mờ sáng, ông Bảy cơm đùm cơm dỡ, đeo bình đông đựng nước vát cái rựa đi khai hoang đất trồng mía.

Đôi tay săn cón của ông làm quên nghỉ mệt vậy mà thiếu vẫn thiếu. Ông làm mệt thèm uống nước trà nhưng dặn bà đi chợ lựa trà rẻ nhất mua.

Nhà ông Bảy dựa lưng vào chân núi Hòn Quế, trước mặt là cánh đồng lúa. Nhìn cánh đồng mùa này đang trơ gốc rạ, nước ngấp nghé, nhớ lại hoàn cảnh gia đình gia đình lúc trước lòng bà quặn thắt: “Trước đây mùa này (cánh đồng bỏ hoang vì ngập lụt) là nhà đi mượn từng thúng lúa. Mượn dài dài, có khi kéo dài 3-4 tháng thì đến mùa lúa mới. Hiện nay trong nhà còn 2 bồ lúa cũ thu hoạch vụ rồi”.

Chiều nhập nhoạng tối, bà Thành vô bếp lấy gạo vo nấu cơm, bà chợt nhớ, chiều nay Thuý về nên trở vô đong thêm lon gạo nữa.

Mấy hôm nay Thuý đi xa dự đám cưới họ hàng bên nội. “Trời còn ngó nghĩ, để lại một đứa lành lặn. Cũng nhờ có nó đi lại, chứ vợ chồng già tôi làm sao “trả ơn trả nghĩa” được với họ hàng khi có cưới hỏi. Còn thằng Minh (Huỳnh Kim Minh-PV) thì đã có gia đình lo “nồi riêng” của nó lâu nay rồi” - bà Thành nói rồi rấm rứt khóc.

“Tôi sinh ra 7 đứa con. Hồi nhỏ đứa nào cũng “mát sữa” (sức khoẻ tốt), lớn lên học hành, đến tuổi trưởng thành 4 đứa trở chứng điên dại.

Từ xa xưa không biết chứ từ đời ông nội tôi đến tôi ai cũng bình thường, kể cả cô dì, chú bác” - ông Bảy kể.

Kết thúc câu chuyện ông cười, nhưng ẩn trong nụ cười là nỗi đau thấu tận tâm can.


Mạnh Hoài Nam