- Nước lũ từ thượng nguồn bắt đầu tràn về uy hiếp đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) vào chiều 7/11. Tính đến 19 giờ ngày7/11, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 2 người chết do lũ...
Chiều tối 7/11, mưa lớn từ thượng nguồn cộng với xả lũ của các hồ chứa thuỷ điện tại các huyện miền núi khiến mực nước sông Thu Bồn dâng cao và bắt đầu tràn về đe doạ đô thị cổ Hội An.
Bắt đầu từ khoảng 18 giờ, nước lũ đã bắt đầu ngập tràn trên 2 tuyến đường Bạch Đằng và Nguyễn Thái Học trong khu phố cổ Hội An.
Nước lũ gây ngập các đường phố tại đô thị cổ Hội An
Hiện TP.Hội An đang đón nhiều khách du lịch đến lưu trú. Để giữ gìn trật tự giao thông và ngăn chặn tình trạng các thuyền bơi tự phát chở khách du lịch đi lại trong lũ, Công an TP.Hội An đã cử cán bộ, chiến sĩ túc trực tại các điểm ghe thuyền tụ tập trên đường Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Châu Thượng Văn để quản lý, đảm bảo an toàn cho du khách.
Nước lũ dâng cao đã chia cắt hoàn toàn xã Cẩm Kim; toàn bộ khu vực An Hội - Minh An, Ngọc Thành - Cẩm Phô và các khu vực tại phường Thanh Hà, Cẩm Phô, Minh An, Cẩm Nam, Sơn Phong đã bị ngập nước, giao thông bị ách tắc hoàn toàn.
Đáng quan tâm là mưa liên tục kéo dài từ nhiều ngày nay, cộng với nước ngập đã đe doạ các di tích cổ đang xuống cấp tại đô thị cổ này.
Ngoài gây ngập lụt tại Hội An, nước lũ cũng đã gây ngập nhiều vùng dân cư tại Duy Xuyên, Điện Bàn... nằm dọc theo ven sông Thu Bồn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cho biết, mưa lớn đã làm sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường ĐT 616 từ huyện Bắc Trà My đi Nam Trà My.
Nước lũ ngập
chùa Cầu
Giao thông từ trung tâm hành chính huyện Bắc Trà My đến 4 xã Trà Ka, Trà Giác, Trà Giáp và Trà Bui bị chia cắt hoàn toàn. Tại huyện Tây Giang, tuyến đường từ trung tâm huyện lên 4 xã vùng cao Tr’Hy, Ga Ri, A Xan và Ch’Ơm cũng bị ách tắc. Nhiều vùng dân cư nơi biên giới này trở thành ốc đảo cô lập với bên ngoài từ nhiều ngày nay.
Ban quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, lưu lượng nước về hồ trong ngày 7/11 hơn 4.000m3/giây, vì vậy thủy điện đã xả lũ ở mức 2.500 - 3.000m3/giây.
Tại thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), nước trên các sông đã xấp xỉ mức báo động 3 và vượt báo động 3 vào đêm 7/11. Tất cả các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều bị ách tắc; riêng Thủy điện A Vương đã chủ động xả lũ trước đó.
Theo dự báo, tình hình mưa lũ trên một số huyện miền núi như Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nông Sơn và một số huyện khác dọc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn sẽ còn diễn biến phức tạp.
Thêm 2 người chết và mất tích do mưa lũ
Theo báo cáo từ Ban phòng chống lụt bão Quảng Nam, tính đến 19 giờ ngày7/11, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 2 người chết do lũ...
Vào lúc 8 giờ 30 ngày 7/11, anh Nguyễn Hồng Trung (SN 1985, thôn Quảng Huệ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc) đang đi trên đoạn đường tại thôn Quảng Đại 1 đã bị nước lũ cuốn trôi.
Lực lượng cảnh
sát giao thông phong toả các tuyến đường để bảo vệ an toàn cho du khách và người
dân
Sau đó gia đình và người dân địa phương tiến hành tìm kiếm, đến khoảng 9 giờ 30 cùng ngày đã vớt được thi thể nạn nhân.
Tại huyện Tiên Phước, trưa ngày 7/11, trên đường đi học về, cháu Nguyễn Văn Thắng (học sinh lớp 7, Trường Trung học cơ sở Lê Thị Hồng Gấm) đã bị lũ cuốn trôi tại suối Đá Vách (địa bàn xã Tiên Cảnh).
Hiện gia đình và người dân đã tổ chức tìm kiếm nhưng đến cuối giờ chiều cùng ngày xác nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.
Vũ Trung