- Gia đình anh Phạm Xuân Nam (46 tuổi), chị Trần Thị Thanh (42 tuổi) đã có 12 đứa con, trong đó có 3 lần sinh đôi.

Làng Tây Yên, xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) được biết đến là một vùng quê với mật độ sinh con rất đông. Trung bình mỗi gia đình 5-7, thậm chí nhiều gia đình có 10 -  12 người con...

Gặp người phụ nữ 3 lần sinh đôi

Ngồi bế đứa con gái út trên tay mới 14 tháng tuổi tên Phạm Thị Thảo Nguyên, chị Thanh lần lượt liệt kê tên, tuổi của 12 đứa con. Đang liệt kê đến đứa thứ 5 Phạm Cao Thắng 12 tuổi, học lớp 5 thì chị trầm ngâm một lát, rồi nói: “Lần này tui sinh đôi hai cậu con trai nhưng chỉ nuôi được thằng Thắng”.

Vừa nói dứt lời thì một cậu nhóc, người nhỏ thó đã ngồi trên chiếc xe máy từ đường rẽ vào nhà phanh xe cái “kẹt”, phía sau có đến 3 đứa em đang từ từ xuống xe với cặp sách nặng trĩu trên vai.

Chị Thanh nhìn cười: “Thằng Thăng là nó đó, nó đi đón 3 em đi học về. 3 đứa đó là Phạm Phương Uyên 10 tuổi, học lớp 4, hai đứa sinh đôi Phạm Thị Trà Giang và Phạm Thị Kim Dung cùng 7 tuổi, học lớp 1”.

Nghe đến đây, chúng tôi đã lấy làm ngạc nhiên lắm rồi khi mà chị có đến 2 lần sinh đôi thì chị lại tiếp tục kể thêm, hai đứa con tên Hạnh và Dung mới 5 tuổi cũng là sinh đôi.

Có đến 12 đứa con gồm 6 trai, 6 gái. Trong đó có đến 3 lần sinh  đôi, vợ chồng anh Nam chị Thanh được rất nhiều người biết đến.

“Con đông nhưng cũng may lấy được người chồng siêng năng, chịu khó, biết kinh doanh, buôn bán đủ nghề nên kinh tế cũng không đến nỗi. Cũng nuôi được chúng học ngành, nghề chứ không để chúng thất học” - chị Thanh tâm sự..

Cũng theo chị, hiện có 9 đứa ở nhà, mỗi ngày, riêng tiền thức ăn cho cả gia đình cũng đã vất vả rồi.

“Mình chị ở nhà đi chợ, nấu ăn, tắm rửa…phục vụ cho đàn con là đã liệt lắm rồi. Những lúc chưa nấu kịp cơm cho bọn trẻ là chúng khóc inh ỏi làm chị xoay xở vã cả mồ hôi vì con…”.

Sinh con thứ… 12

Tìm về xứ đạo Tây Yên vào thời điểm gần trưa của một ngày đầu tháng 11, con đường vào làng nay đã được trải nhựa rộng thênh thang, những chiếc ô tô chở hải sản từ Cảng Vũng Áng chạy qua lại lao vun vút. Hai bên đường khá nhiều quán hàng, dịch vụ đua nhau mọc lên.

Trên khắp các đường làng, ngõ ngách đâu cũng thấy trẻ con nô đùa, vui chơi.
 

Hình ảnh người nông dân lom khom ngoài đồng đã trở nên xa lạ với người dân nơi đây kể từ đất đai được nhượng lại cho các dự án tại Vũng Áng.

Qua dò hỏi, chúng tôi được giới thiệu đến nhà của ông Nguyễn Ngọc Nhung (SN 1962), vợ là Dương Thị Tú (SN 1962). Đây cũng là một trường hợp có đến 12 đứa con, được nhiều người gần, xa biết đến.

Vừa ghé vào nhà, chúng tôi đã thấy có đến 4 - 5 đứa trẻ đang nô đùa. Cũng lúc này, anh Nhung đi làm về. Hỏi thăm về con cái, công việc…anh Nhung cho biết vợ chồng anh có đến 12 đứa con.

Vợ chồng anh Nhung có 12 đứa con, 6 trai, 6 gái. Hiện có 6 người đang theo học các ngành nghề ở ngoài tỉnh, 6 đứa đang ở nhà đi học từ tiểu học, THCS, THPT.

Phút chốc vắng mẹ, 3 đứa con của chị Thanh thả ngồi vầy và khắp thềm.
 

Trước đây, khi chưa mở Cảng Vũng Áng, gia đình anh làm 1,5 mẫu ruộng, rồi làm thuê, làm mướn, bươn chải khắp nơi để nuôi con.

Từ khi có dự án, xây dựng cảng, đất nông nghiệp bị thu hồi, gia đình anh hiện chỉ làm 3 sào ruộng không thể nào đủ ăn cho con.

Linh động, tháo vát nên anh Nhung đã mở xưởng kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng. Nhờ cái xưởng đó mà anh có thu nhập để nuôi 12 đứa ăn học.

Tuy vậy, có lúc anh cũng mệt mỏi, quá sức: “Cứ 1 tháng là phải gửi 8 triệu cho 6 đứa đi học ở xa. Nhiều khi buôn bán, kinh doanh cũng khó khăn nên xoay tiền không kịp cho con. Đành phải chạy vạy vay mượn nóng gửi cho con đã rồi tích góp trả lại cho người ta sau”.

Đông con sẽ kéo theo nghèo đói

Ông Nguyễn Xuân Bính, Trưởng thôn Tây Yên cho biết thôn có 550 hộ dân với gần 2600 nhân khẩu. Nơi đây có tỉ lệ sinh cao, trung bình mỗi gia đình có 5 -7 đứa con.

“Đông con nên đời sống rất khó khăn, hầu hết con em trong thôn chưa học hết cấp 2 đã bỏ học đi làm thuê, làm mướn khắp Sài Gòn, Bình Dương...

Chị Thanh bên 4 đứa con nhỏ.
 

Tai hại nhất là ruộng đất của bà con bị thu hồi, nay người dân không có việc làm, chỉ biết đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền đong gạo sống qua ngày. Những lúc mưa gió, không đi làm được thì chỉ biết bó gối chịu đói.

Đã thế lại sinh đẻ không kế hoạch cứ nghèo, đói mãi. Tương lai của thế hệ trẻ rồi đây không biết sẽ thế nào” - vị Trưởng thôn trăn trở.

Trao đổi với Giám đốc Trung tâm Dân số và KHHGĐ huyện Kỳ Anh, ông Lê Anh Khuân cho biết: “Đời sống của người dân Tây Yên đang rất khó khăn nên việc sinh đẻ không có kế hoạch là một thực tế rất đáng lo ngại. Đó cũng là một thôn có tỉ lệ sinh cao nhất toàn huyện.

Bản thân tôi đã nhiều lần cùng với các cộng tác viên dân số về địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch để có điều kiện nuôi dạy con cái nhưng phải thừa nhận là không hiệu quả”.

Trần Văn – Duy Tuấn