- Xác của học sinh lớp 8 bị lũ cuốn trôi mất tích tại huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên – Huế vừa được phát hiện tại thành phố Huế.
Đà Nẵng: Lũ cuốn học sinh
Ngày 8/11, tin từ Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, thi thể em Nguyễn Hữu Khá, 14 tuổi, học sinh lớp 8 trường trung học cơ sở Long Quảng, xã Thượng Long, huyện Nam Đông đã được tìm thấy.
Vào sáng ngày 8/11, người dân sinh sống tại khu vực phường An Đông, TP Huế phát hiện xác một thiếu niên trôi dạt trên sông Nhất Đông. Sự việc được báo lên chính quyền địa phương.
Thi thể của học sinh xấu số bị lũ cuốn trôi tại huyện miền núi Nam Đông được tìm thấy tại TP Huế (Ảnh : ĐK) |
Mênh mông rốn lũ Phú Mậu – Phú Vang - chiều ngày 8/11 (Ảnh : ĐK) |
Qua đó, cơ quan chức năng xác định, là em Nguyễn Hữu Khá bị lũ cuốn trôi từ Nam Đông về TP Huế.
Trước đó, vào 8h ngày 5/11, Khá lội qua ngầm Khe Biên thì bị nước lũ cuốn trôi. Sau đó, mọi nỗ tìm kiếm của lực lượng chức trách huyện Nam Đông không có kết quả.
Mưa lũ cũng đã khiến cho một người bị thương. Đó là ông Trần Hữu Đạo, 35 tuổi, trú tại xã Vinh Hà, huyện Phú Vang. Hiện, ông Đạo đang được điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế.
Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã triển khai di dời 1.150 hộ với 4.525 khẩu ở các vùng bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Đường về rốn lũ ngập sâu (Ảnh : ĐK) |
Người dân vùng rốn lũ đưa bò lên nhà đảm bảo an toàn (Ảnh : ĐK) |
Đến 15g chiều ngày 8/11, có 36.060 nhà bị ngập trong nước lũ (bình quân từ 0,2-1,5m). Trong đó, khu vực bị ngập nghiêm trọng nhất là TP Huế với 20.000 nhà, huyện Hương Trà 5.736 nhà, Quảng Điền 2.400 nhà, Phú Vang 4.647 nhà và thị xã Hương Thủy 3.227 nhà...
Các tuyến đường tại TP Huế ngập từ 0,7 đến 1,5 mét. Riêng Đập Đá, nước lũ dân cao 2,2.
Mưa lũ cũng đã khiến đường sắt qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế ngập từ 0,3-0,5 mét làm cho 4 đoàn tàu SE1, SE3, SE5, SE19 bị kẹt tại ga Hiền Sỹ, huyện Phong Điền và đoàn tàu SE8 bị kẹt tại ga Huế. Đến 14h 30 ngày 8/11 đã thông tuyến trở lại.
Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có hơn 300 héc ta hoa màu bị ngập, đỗ ngã gây thiệt hại lớn. Đặc biệt, 10 héc ta hoa của người dân xã Phú Mậu, huyện Phú Vang bị nước lũ nhấn chìm, mất trắng. Ước tính thiệt hại lên tới 1,5 tỷ đồng.
Quảng Nam, Đà Nẵng: Hàng ngàn ngôi nhà ngập nước
Tại Đà Nẵng và Quảng Nam, cơn mưa lớn kéo dài suốt ngày và đêm 7/11 đã chấm dứt nhưng tại nhiều địa phương vẫn còn mênh mông biển nước. Đến chiều ngày 8/11, hàng chục ngàn ngôi nhà vẫn còn ngâm mình trong nước lớn.
Các trường học bị ngập sâu trong nước, đường đến trường bị chia cắt nên hàng ngàn học sinh được nghỉ học.
Tại Đà Nẵng, đến ngày 8/11 nước đã rút tại những một số “điểm đen” trên địa bàn thành phố như hai bên bàu Thạc Gián, đường Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Linh, ngã tư Lê Duẩn…
|
Các cửa hàng kinh doanh mặt hàng điện tử trên đường Hoàng Hoa Thám đã bắt đầu mở cửa kinh doanh, tình trạng tắc đường do nước ngập cục bộ trong thành phố đã không còn.
Tuy nhiên, tại huyện Hòa Vang, nước lũ đã nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà tại các xã Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong…
Bác Nguyễn Duy (76 tuổi, thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong) cho biết, vào khoảng 19 giờ tối qua nước bất ngờ lên nhanh, tràn vào nhà dân và ngâm cho đến ngày hôm nay vẫn chưa dứt.
Là người dân sống lâu năm tại vùng thấp trũng này, bác Duy cho biết nguyên nhân chính của việc ngập lụt trên diện rộng là do nước từ hồ Đồng Nghệ gần đó xả ra khiến hệ thống thoát nước không xả kịp.
Trong khi đó, hàng trăm hộ dân sống dọc hai bên bờ sông Túy Loan đã được bố trí di dời đến địa điểm an toàn, nhằm đối phó với tình trạng sạt lở đất.
Tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nước lũ đã nhấn chìm 8.000 nhà dân tại các xã Đại An, Đại Cường, Đại Hòa, thị trấn Ái Nghĩa… trong đó có 2.500 nhà bị ngập sâu. Hiện UBND huyện Đại Lộc đã sơ tán 2.500 hộ dân đến nơi an toàn.
Quốc lộ 14B đoạn đi qua xã Đại Quang cùng con đường chính dẫn lên thị trấn Ái Nghĩa đã bị chia cắt do nước lũ, đoạn ngập nặng nhất lên tới 1m khiến hàng trăm phương tiện vận tải bị ách tắc trên đường.
Trong khi đó tại đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), nước lũ đã làm ngập hàng trăm ngôi nhà cổ nằm dọc hai bên bờ sông Hoài từ 1 – 2m. Các tuyến đường Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai… cũng bị ngập sâu.
Bác Vĩnh Hoàng, 63 tuổi, chủ cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết nước lũ bất ngờ lên nhanh vào khoảng 20 giờ 7/11 đến 8/11 có rút xuống khoảng 30cm sau đó lại tiếp tục lên cao.
Hàng trăm chủ cửa hàng kinh doanh tại đô thị cổ phải gồng mình chạy lũ để cứu người, cứu tài sản ngay trong đêm. Theo bác Hoàng, mức lũ hiện nay thấp hơn đỉnh lũ năm 1999 khoảng 0,6 mét, nếu trời không tiếp tục mưa lớn thì khoảng 3-4 hôm nữa nước mới rút hết và kinh doanh lại được.
Nước lũ lên cao trở thành nỗi ám ảnh của không ít người dân phố Hội nhưng lại là một thú vui, thích khám phá của du khách khi đến đây. Hàng trăm xuồng đánh cá lớn nhỏ xếp hàng ngay mép đường để đưa đón du khách.
Chị Lê Thị Em, 40 tuổi, trú phường Cẩm Kim, giá chở du khách đi dạo phố cổ bằng xuồng dao động từ 50 – 100 ngàn/người, mỗi ngày mưa nếu may mắn cũng kiếm được 200 – 300 ngàn.
Phan Chung - Đăng Khoa