Buổi chiều ở nhà đại thể
Đến tối ngày 8/11, bên trong kho lạnh của nhà đại thể Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận vẫn còn lưu giữ thi thể 4 nạn nhân bị chết cháy trong tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A vào rạng sáng 7/11.
Một người chưa có thân nhân đến nhận nên chưa
xác định được danh tính. Ba người còn lại, đã biết tên nhưng vẫn chưa khẳng
định xác nào là của ai bởi cả 4 thi thể đều bị cháy đen biến dạng.
Nguồn tin tử công an, các thi thể này đã được lấy mẫu để đưa về TP.HCM xác
nghiệm AND nhưng đã 2 ngày qua vẫn chưa có kết quả. Thân nhân người bị nạn
vẫn tiếp tục ngồi chở bên ngoài.
Cầu hồn cho Lành tai nơi xảy ra tai nạn |
Khác ở những khu vực khác trong bệnh viện luôn đông đúc, khu vực nhà đại thể nằm riêng ở một góc vắng bóng người qua lại.
Thế nhưng, từ nhiều ngày qua, bên ngoài nhà đại thể Bệnh viện đa khoa Bình Thuận xuất hiện khá đông người.
Họ là thân nhân của những thi thể còn nằm
trong kho lạnh. Mặc dù đã nhiều lần và nhiều người được mời vào để xác định
danh tánh thi thể nhưng không ai dám chắc xác nào là người thân của mình.
Chiều 8/11, một chút xáo trộn nhỏ nơi đây. Những người thân của nạn nhân
Nguyễn Văn Lành (trong danh sách nạn nhân ghi Nguyễn Thành Trường được người
nhà đính chính lại) vốn là người dân tộc Chăm Bà Ni nóng lòng đòi giao xác
con để về chôn cất. Thế nhưng, qua giải thích của những người có trách
nhiệm, tất cả tiếp tục ngồi chờ.
Họ vẫn ngồi đấy. Im lặng. Mỗi nhóm thân nhân ngồi mỗi góc. Ít ai nói với ai.
Dường như sự im lặng đã nói lên được nỗi đau tột cùng của họ trước sự ra đi
quá bi thảm của người thân.
Những người thân của Lành trong cộng đồng người Chăm Bàni tham dự lễ cầu hồn ở hiện trường tai nạn. |
Chị Nguyễn Thị Tiến (49 tuổi, chị dâu nạn nhân Bản) nói với chúng tôi trong uất nghẹn: “Thường thì mỗi năm chú ấy về thăm nhà một lần vào dịp Tết nhưng lần này dự định về quê chữa bệnh. Nhà nghèo lắm nên chú tha hương nhiều năm chỉ mong kiếm được chút tiền cải thiện gia đình. Vừa rồi nghe tin chú bị nạn, vợ chú ngất đi ngất lại mấy lần. Cả nhà không ai dám cho thím ấy đi, ngộ nhỡ...” - chị bỏ dở câu nói.
Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi niềm riêng tư. Trong tận cùng sâu thẳm, cái triết lý muôn đời của sinh ly tử biệt vẫn theo từng số phận con người. Buổi chiều ở nhà đại thể buồn não ruột.
Một chút hơi lạnh len vào. Một làn gió gợn
qua. Còn nỗi đau nào hơn, còn sự chua xót nào hơn khi bên trong người chết
còn nằm đó, bên ngoài những thân nhân cứ dõi mắt nhìn vào...
Cuộc gọi cuối cùng lúc nửa đêm
Một trong những người mỏi mòn chờ đợi ấy có chị Nguyễn Thị Ghèn (31 tuổi,
dân tộc Chăm Bà ni). Đứa con trai lớn của chị, cháu Nguyễn Văn Lành có mặt
trong chuyến xe định mệnh ngày 7/11 vừa qua đã chết cháy không còn nhận diện
được.
Chị đến đây đã 2 ngày nay mong nhận được xác con nhưng rồi sau những lần
được đưa vào kho lạnh, chị không thể nào dám quả quyết xác nào là xác con
mình.
Bằng một thổ âm rất khó nghe, lắng tai mãi chúng tôi mới lĩnh hội hết ý của
câu nói. Chị nói đại ý: Đau lắm anh ơi. Nhìn cả 4 xác cháy đen co quắp không
sao chịu nổi. Cháu mới 16 tuổi nhưng nhìn cả 4 xác đều như nhau. Không còn
phân biệt được nam nữ, già trẻ. Thôi thì đành chờ vậy.
Chị nói mà như khóc. Những giọt nước mắt bắt
đầu lăn trên đôi gò má người thiếu phụ đã nửa chừng xuân.
Chị Ghèn, mẹ của Lành đăm chiêu buồn bã |
Gia cảnh chị Ghẻn cũng như bao gia đình các dân tộc ít người đều nghèo. Chị
lấy chồng năm 20 tuổi, sinh được 3 con trai. Theo tập tục của người Chăm vẫn
còn theo chế độ mẫu hệ thì việc sinh con trai sẽ không có người nối dõi, thế
nhưng, chị nói con nào cũng là con.
Sáu năm trước, sau khi sinh đứa con thứ 3, người chồng đầu ấp tay gối của chị đã bỏ gia đình theo tiếng gọi khác. Trên đôi vai gầy guộc của chị giờ phải một mình gánh lấy cuộc sống của 4 mẹ con.
Làm hoài làm mãi vẫn không đủ chi tiêu, chị đành phải cho Lành vào Vũng Tàu làm thợ bánh mì để có cái ăn.
Làm lụng vất vả cả năm, đến ngày tết Chăm
(12/10 âm lịch) ông chủ cho Lành lãnh lương và tiền thưởng 2 triệu đồng. Ông
cũng cho nghỉ vài ngày để về quê ăn tết.
Chị Ghèn nói người Chăm một năm có 3 cái tết. Cái tết cuối năm là tết lớn
nhất nên bất kỳ ở đâu người Chăm cũng trở về quê hương bản địa đề sum họp
gia đình.
"Lúc 0g tôi nhận được điện của cháu gọi về
dặn mẹ đừng mua sắm gì tốn kém. Con được ông chủ cho một bao bánh mì con đem
về cả nhà ăn tết đây. Tôi hỏi nó đi đến đâu rồi, nó nói “con đang gần tới
Phan Thiết rồi. Chắc khoảng 3h xe sẽ về tới. Tôi không ngủ nằm chờ con. Một
giờ đến 2 giờ, chắc con sắp về. Nhưng không, ba giờ, bốn giờ tin con vẫn
biền biệt. Đến sáng thì nghe tin con đã chết trong tai nạn. Đau đớn quá...".
Một người bạn cùng quê cùng vào làm chung và cũng cùng có mặt trên chuyến xe
về nhà với Lành nhưng thoát chết kể lại: “Lành được lãnh lương 2 triệu đồng,
mua cái điện thoại hết 1,7 triệu. Ông chủ cho thêm tháng lương là 2 triệu
nữa, tất cả nó bỏ trong bóp để đem về nhà ăn tết chắc giờ đã ra tro”.
Cái hạnh phúc nhỏ nhoi và tầm thường nhất của con người là được trở về trong
vòng tay mẹ trong những ngày thiêng liêng. Vậy mà Lành vẫn không có được.
Bao nhiều ngày tháng xa mẹ. Mẹ mong con. Con nhớ mẹ.
Ngày về với bao niềm vui trong lòng nhưng một
ánh lửa đã bùng lên đốt cháy tất cả. Để giờ đây, người mẹ vẫn chưa biết được
xác nào là của con mình...
Trần Chánh Nghĩa